Những “mỏ vàng” năng lượng tái tạo
Theo các chuyên gia, nhờ các cơ chế khuyến khích của Chính phủ, năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã có những phát triển vượt bậc những năm gần đây và dư địa cho lĩnh vực này còn rất lớn.
>> Khai thác tiềm năng từ nguồn năng lượng tái tạo
Tây Nguyên
Tây Nguyên có diện tích tự nhiên 54.470 km2, bằng 1/6 diện tích cả nước, với dân số gần 6 triệu người. Đây là khu vực có vị trí địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái đa dạng, có nhiều loại địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu khác nhau với độ cao trung bình khoảng 500-600 m so với mặt biển.
Theo ThS. Nguyễn Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội đầu tư xây dựng dịch vụ nông lâm nghiệp Việt Nam, Trưởng Văn phòng đại diện miền Trung - Tây Nguyên, thời tiết ở Tây Nguyên tuy khô cằn, nhiều nắng gió nhưng lại là nơi có cường độ bức xạ tốt, rất thuận lợi để phát triển năng lượng tái tạo, nếu biết tận dụng đầu tư khai thác sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn.
Để khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng nhà máy điện gió, điện mặt trời, chính quyền địa phương các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều cơ chế, chính sách và chủ động phối hợp với Bộ chuyên ngành để có những đánh giá tổng quan về hiện trạng, khả năng phát triển nguồn năng lượng điện tái tạo này.
Tháng 3/2019, cụm công trình điện mặt trời Sêrêpôk tại xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk được khánh thành sau 6 tháng khởi công. Mỗi năm cụm điện mặt trời này sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 150 triệu kwh, thu ngân sách khoảng 300 tỷ đồng. Như vậy, mỗi ha đất cằn ở huyện biên giới này sẽ mang lại doanh thu gần 3 tỷ đồng mỗi năm.
Tây Nguyên còn được coi là “thủ phủ” điện gió khi có hàng loạt dự án được xây dựng. Đơn cử như dự án nhà máy điện gió Ea Nam ở huyện Ea Hleo, tỉnh Đắk Lắk. Đây là dự án trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk và là dự án điện gió lớn nhất Việt Nam hiện nay, mang lại nguồn năng lượng sạch và bền vững cho Tây Nguyên, giảm ô nhiễm không khí, giảm phát thái khí nhà kính. Tổng mức đầu tư dự án này trên 16.500 tỷ đồng, sản lượng điện đạt khoảng 1,1 tỷ kWh/năm.
Còn tại Lâm Đồng, tính đến hết năm 2022, đã có 35 dự án thủy điện đã đưa vào vận hành khai thác với tổng công suất lắp máy 1.668,7 MW, sản lượng điện trung bình đạt 6.333,93 triệu kWh/năm; công suất cực đại của các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh đạt 311 MW, điện thương phẩm đạt 1.511 triệu kWh. Dự kiến, đến năm 2030, con số tương ứng sẽ là 723 MW và 3.719 triệu kWh.
Theo các chuyên gia, các dự án năng lượng tái tạo được kỳ vọng sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương, giúp người dân trực tiếp thụ hưởng các tiện ích từ điện sạch, hệ thống đường giao thông được bê tông hóa và các công trình phúc lợi mà các dự án mang lại.
Miền Trung
Với lợi thế đường bờ biển dài 1.900 km và có số giờ nắng cao, cường độ bức xạ mặt trời lớn, miền Trung đang được xem là vùng đất đầy tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo, trong đó, nổi bật là các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên, Ninh Thuận…
Quảng Bình là tỉnh ven biển miền Trung có diện tích 8.065 km2. Với đường bờ biển kéo dài khoảng 115 km, có nhiều thuận lợi về đất đai, cường độ bức xạ, số giờ nắng trong năm, tốc độ gió, điều kiện về giao thông và đấu nối vào hệ thống lưới điện quốc gia… nên là một trong những địa phương có tiềm năng để phát triển các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời...
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, hiện nay, địa phương đang ưu tiên thu hút, xúc tiến đầu tư phát triển nguồn năng lượng này và đã có nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước quan tâm đến tìm hiểu, mong muốn đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời.
Năm 2019, UBND tỉnh Quảng Bình đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án nhà máy điện mặt trời 49,5 MW thuộc tổ hợp dự án điện năng lượng tái tạo Dohwa Lệ Thủy (huyện Lệ Thủy) của Công ty TNHH Năng lượng xanh Dohwa với tổng mức đầu tư 55,6 triệu USD. Đây là dự án đầu tư từ nguồn vốn FDI Hàn Quốc, mở đầu cho chiến lược đầu tư của Dohwa vào Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng.
Đến tháng 4/2022, dự án được khánh thành và đi vào hoạt động, tổng sản lượng phát điện của nhà máy đạt hơn 60.000 MWh, doanh thu đạt hơn 111 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 10 tỷ đồng mỗi năm.
Bên cạnh đầu tư hệ thống điện mặt trời, hiện nay, tỉnh Quảng Bình đang triển khai lập quy hoạch phát triển điện gió. Theo Sở Công thương Quảng Bình, đến nay, tại địa phương đã có một số dự án điện gió được triển khai, gồm: Điện gió B&T, Điện gió huyện Quảng Ninh (252 MW), Điện gió huyện Lệ Thủy (50 MW), Điện gió huyện Minh Hóa (180 MW).
Tại Quảng Trị, địa phương này hiện có nhiều dư địa để phát triển nguồn năng lượng tái tạo, dự báo có thể đạt công suất hơn 14.000 MW, tiềm năng nhất là điện khí, điện gió, điện mặt trời.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện nay có 19 dự án điện gió với tổng công suất đặt 714 MW (đã đưa vào vận hành thương mại 671,1 MW); 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất 127 MW và 11 dự án thủy điện với tổng công suất 167,5 MW (đã đưa vào vận hành thương mại). Tổng công suất đã hoàn thành công tác xây lắp là 1.008,5 MW.
Theo UBND tỉnh Quảng Trị, thời gian tới, tỉnh đặt mục tiêu hoàn thành, phát điện thương mại 2.500 - 3.000 MW (giai đoạn đến năm 2025) và khoảng 9.500 MW (giai đoạn đến năm 2030).
Ngoài ra, công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2 đang đề xuất nghiên cứu, xây dựng Dự án trung tâm hydro xanh tại huyện Hải Lăng, Quảng Trị. Dự án gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 có quy mô công suất 700 MWp điện mặt trời, 300 MW điện gió và 193.000 tấn NH2/năm. Giai đoạn II có quy mô công suất 1.800 MWp điện mặt trời, 700 MW điện gió và 465.000 tấn NH2/năm. Giai đoạn III có quy mô công suất 1.800 MWp điện mặt trời, 700 MW điện gió và 82.000 tấn H2 lỏng/năm. Dự kiến, tổng mức đầu tư 3 giai đoạn hơn 175.600 tỷ đồng, riêng giai đoạn I đầu tư hơn 31.300 tỷ đồng.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, đề xuất xây dựng Trung tâm Hydro xanh của các nhà đầu tư phù hợp với chủ trương phát triển Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung cũng như các điều kiện đầu tư vào lĩnh vực năng lượng trên địa bàn tỉnh.
>> Phát triển năng lượng tái tạo: Cần thêm cơ chế, chính sách
>> Cần sớm ban hành giá điện năng lượng tái tạo
Giống như Quảng Trị, phát triển năng lượng tái tạo cũng là một trong những hướng đi được Ninh Thuận lựa chọn. Nghị quyết số 20-NQ/TU năm 2022 của Tỉnh ủy Ninh Thuận xác định sẽ xây dựng tỉnh Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu đến năm 2025, tổng công suất điện tăng thêm khoảng 3.000 MW để đạt công suất tích lũy 6.500 MW; sản lượng điện sản xuất đạt gần 11,2 tỷ kWh, đưa Ninh Thuận cơ bản thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước. Ngành năng lượng, năng lượng tái tạo đóng góp 22% GRDP và 29% tổng thu ngân sách của tỉnh; giải quyết 5,5% nhu cầu việc làm trong 4 ngành kinh tế trọng điểm; đạt 9 - 10% công suất lắp đặt trong cơ cấu toàn quốc; tiêu thu đạt 20% sản lượng điện toàn tỉnh.
Để thực hiện mục tiêu đặt ra, Ninh Thuận sẽ xây dựng hạ tầng năng lượng phát triển đồng bộ, hiện đại, có khả năng kết nối cao với hệ thống lưới điện của khu vực và quốc gia, phù hợp với định hướng Quy hoạch Điện VIII, đáp ứng hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo Bộ Công Thương, mức tiêu thụ điện tại Việt Nam tăng bình quân khoảng 10% mỗi năm, nhanh hơn đáng kể so với GDP cả nước, nhằm đáp ứng nhu cầu điện và đầu tư khổng lồ. Tuy nhiên, sản lượng nhiên liệu hóa thạch trong nước không đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng, ứng phó biến đổi khí hậu và sự phụ thuộc của Việt Nam vào năng lượng nhập khẩu để vận hành hệ thống điện chính là động lực thúc đẩy chính phủ chuyển hướng phát triển năng lượng tái tạo.
Phát triển nguồn điện gió, mặt trời và điện khí tại Việt Nam đang là xu hướng tất yếu trong cả giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; giảm dần nhiệt điện than, đảm bảo mục tiêu trung hoà carbon đến năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26.