“Gỡ vướng” đầu tư năng lượng tái tạo
Dù Chính phủ đang khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo (NLTT), song một số quy định lại đang “bóp nghẹt” doanh nghiệp. Do đó, cần sớm tháo gỡ vướng mắc này.
>>Cần sớm có cơ chế mới cho thị trường năng lượng tái tạo
Theo ước tính, hiện nay ngành năng lượng đóng góp khoảng 70% tổng lượng phát thải dioxit carbon toàn quốc. Điều này sẽ tác động rất lớn đến việc đảm bảo mục tiêu trung hoà carbon đến năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26.
Đăng ký nhiều, làm chẳng bao nhiêu
Ông Hồ Tá Tín- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HBRE, cho biết tỷ trọng các nguồn điện sạch, bao gồm: thủy điện và các nguồn NLTT đã đạt đến 65,6% tổng công suất đặt của hệ thống. Theo dự thảo gần đây nhất của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII), dự kiến đến năm 2030 sẽ có tổng công suất điện gió là 16.100MW, điện mặt trời (gồm cả điện mặt trời mái nhà) là 16.500MW và có thể thêm khoảng 2.400MW thuộc các dự án đang triển khai đầu tư ở các mức độ khác nhau…
Việc phát triển nguồn điện gió, mặt trời và điện khí tại Việt Nam đang là xu hướng tất yếu trong cả giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Song, việc xác định các cơ chế, chính sách (kể cả cơ chế tài chính) và tổ chức thực hiện quy hoạch để khả thi khối lượng nguồn và lưới điện, đảm bảo an ninh năng lượng như thế nào lại đang là những bất cập.
Cụ thể, theo ông Tín, việc Chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực NLTT thông qua việc tạo cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân tham gia là hoàn toàn đúng đắn. Thế nhưng, cũng chính vì cơ chế chính sách này lại đang “bóp nghẹt” doanh nghiệp là thiếu công bằng.
“Khi doanh nghiệp đầu tư cả hàng nghìn tỷ đồng vào dự án, áp lực trả lãi vay ngân hàng đang rất lớn, thế nhưng khi ra sản phẩm thì lại không bán được điện (khống chế đầu ra…), với lý do quá tải hạ tầng điện lưới điện. Rõ ràng, việc quá tải hạ tầng điện lưới là trách nhiệm, yếu tố chủ quan của ngành điện, của Bộ Công thương… nhưng doanh nghiệp chịu hậu quả là hết sức bất cập”, ông Tín chia sẻ.
Theo ông Tín, trong quy hoạch điện gió ngoài khơi cũng đang bộc lộ nhiều bất cập. Nhiều nhà đầu tư đăng ký đầu tư để được đưa vào quy hoạch, nhưng các doanh nghiệp làm thật không có, mà chỉ dừng lại ở việc giữ chỗ để bán dự án. Vấn đề này đang tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ quy hoạch “đăng ký nhiều, nhưng làm không bao nhiêu”.
“Nhiều nhà đầu tư ồ ạt đăng ký tham gia đầu tư vào NLTT, đặc biệt là điện gió, nhưng các dự án được triển khai lại chỉ đếm trên đầu ngón tay do nhà đầu tư không đủ tiềm lực tài chính. Bên cạnh đó, lượng gió không đạt (do copy số liệu từ công ty tư vấn, dựa vào số liệu đo gió không gian…), nên không thể triển khai. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư giữ chỗ để tìm cơ hội sinh lời”, ông Tín cho biết.
>>Năng lượng tái tạo: Chờ cú hích từ chính sách giá
>>Những “mỏ vàng” năng lượng tái tạo
Nhiều vướng mắc khác cần tháo gỡ
Ông Nguyễn Thượng Quân – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tích hợp công nghệ Sao Nam cũng cho rằng: Trong 3 năm thực hiện cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, với cơ chế giá cố định khuyến khích (FIT), đến ngày 31/12/2020 hệ thống điện đã tiếp nhận khoảng 17.000MW điện mặt trời. Đối với điện gió, đến ngày 31/10/2021 hệ thống điện đã tiếp nhận khoảng 4.000MW điện gió được đưa vào vận hành. Các cơ chế ưu đãi này đã tạo thuận lợi lớn cho các nhà đầu tư khai thác tiềm năng, phát triển rất nhanh các nguồn NLTT, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững theo định hướng của Bộ Chính trị trong Nghị quyết 55/NQ-TW.
Tuy nhiên, điều mà các nhà đầu tư mong đợi hiện nay là chính sách nào sẽ nối tiếp cơ chế FIT để quá trình phát triển NLTT được liên tục, tận dụng đà tăng trưởng mà không “bóp nghẹt” doanh nghiệp vẫn là bài toán chờ lời giải.
Bên cạnh đó, cơ chế về huy động vốn đầu tư từ tư nhân, cơ chế tham gia thị trường điện đối với điện khí vẫn chưa rõ ràng, có thể dẫn đến những rủi ro không nhỏ cho nhà đầu tư, kể cả những lúng túng về pháp lý đối với bên mua điện và cơ quan điều hành thị trường điện.
Ngoài ra theo ông Quân, kể từ khi EVN dừng mua điện mặt trời thừa phát trên lưới, thì cũng là lúc các ngân hàng “không cho vay với tài sản đảm bảo là hệ thống điện năng lượng mặt trời”. Đây là cách hiểu một cách "máy móc". Bởi, một khi EVN không mua điện thì không có nghĩa là hệ thống điện mặt trời vô ích. Vì chủ đầu tư vẫn có thể đầu tư điện mặt trời để tự dùng hoặc điện mặt trời độc lập cho vùng không có điện lưới.
“Một thực tế nữa là do yếu tố chủ quan nên Bộ Công thương đã bỏ qua hoặc chưa nhìn sâu vào vấn đề quá tải hạ tầng lưới điện mà chỉ quan tâm đến "hết hiệu lực của giá FIT", ông Quân nhấn mạnh.
Nhiều doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm tháo gỡ những khó khăn nói trên để góp phần thúc đẩy phát triển NLTT.
Có thể bạn quan tâm
Cần sớm có cơ chế mới cho thị trường năng lượng tái tạo
05:00, 30/12/2022
06/01/2023: Diễn đàn “Phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam: Tư duy và hành động trong giai đoạn mới”
05:00, 28/12/2022
Năng lượng tái tạo: Chờ cú hích từ chính sách giá
11:00, 22/12/2022
Những “mỏ vàng” năng lượng tái tạo
00:06, 20/12/2022