Khung giá mới cho điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp: Doanh nghiệp vẫn “khóc ròng”
Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định về khung giá điện cho nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Tuy nhiên mức giá này được một số chủ đầu tư phản ánh là thấp hơn giá vốn.
>>Mục tiêu giảm phát thải thông qua chiến lược phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam
Sau gần 2 năm mòn mỏi ngóng chờ giải quyết cơ chế đối với các dự án điện năng lượng tái tạo chậm tiến độ không kịp hưởng giá ưu đãi (FIT), chủ đầu tư của 62 dự án chậm tiến độ và một số các dự án hoàn thành sau này đã vô cùng vui mừng khi Bộ Công thương đã chính thức ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/1/2023 về khung giá điện cho các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.
Tuy nhiên, khi chưa kịp vui thì các chủ đầu tư đều tính toán và cho rằng giá bán không bằng giá vốn đầu tư. Không chỉ có vậy nhiều thông tin trong Quyết định này đã khiến các doanh nghiệp hoàng mang lo lắng.
Theo quyết định mà Bộ Công thương ban hành cho các dự án chuyển tiếp, thì giá trần (giá cao nhất) của khung giá phát điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) áp dụng cho các nhà máy điện mặt trời mặt đất là 1.184,90 đồng/kWh, điện mặt trời nổi là 1.508,27 đồng/kWh. Giá trần áp dụng cho điện gió trong đất liền là 1.587,12 đồng/kWh, điện gió trên biển là 1.815,95 đồng/kWh.
Ông Trần Minh Tiến - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Năng lượng gió Chư Prong Gia Lai cho biết. do dịch COVID-19 nên công ty ông bị chậm tiến độ 4 dự án điện gió với tổng công suất 160 MW. Với tổng mức đầu tư cả 4 dự án lên đến 300 triệu USD thì một phần vốn vay của ngân hàng đã ngốn của ông gần…. 500 triệu đồng mỗi tháng. Ông Tiến rất vui mừng vì Bộ Công thương đã ban hành quy định mới.
Niềm vui chưa được bao lâu thì ông đã bắt đầu thấy lo lắng. Theo phân tích của ông Tiến, theo khung giá mới mà Bộ Công Thương ban hành thì mức giá cao nhất cho điện gió trong đất liền là 1.587,12 đồng/kWh, tương đương 6,8 CEN là rất thấp. Ông Tiến cho rằng mỗi KW điện gió khi đầu tư đã mất khoảng 7 CEN vốn đầu tư. Nếu bán giá 6,8 CEN, đương nhiên các dự án đã bị lỗ.
Không chỉ có vậy, ông Tiến còn cho biết, trước đây mức mua điện từ các dự án đều tính quy đổi ra USD, điều này rất quan trọng vì doanh nghiệp sẽ đỡ thiệt thòi khi tỷ giá biến động. “Thời gian qua tỷ giá biến động theo chiều hướng rất xấu cho các doanh nghiệp nhập khẩu. Đồng tiền Việt Nam liên tục mất giá đã khiến nhiều doanh nghiệp đáng lẽ từ lãi chuyển sang lỗ. Nếu Bộ Công thương vẫn tính giá mua điện bằng tiền VNĐ về lâu dài sẽ rất bất lợi cho doanh nghiệp bởi chi phí thuê chuyên gia, phí vận hành, chi phí nhập khẩu thiết bị… chúng tôi đều phải tính bằng USD.” - ông Tiến nói.
>>Thị trường năng lượng tái tạo chờ chính sách mới
>>Xã hội hoá đường truyền để “khơi thông” điểm nghẽn cho năng lượng tái tạo
>>Trao chứng nhận các dự án năng lượng tái tạo tiêu biểu Việt Nam năm 2022
Đồng tình với ý kiến của ông Tiến, một chủ đầu tư nước ngoài chia sẻ: “Trước đây một số dự án của chúng tôi hoàn thành trước thời điểm 31/10/2021 và được hưởng giá FIT là 8,5 CEN/1 KWh. Với mức giá đó nhà đầu tư sẽ lãi khoảng 12%. Nay Bộ Công thương lại giảm giá mua đi tận 20% thì chúng tôi sống làm sao”.
Chưa dừng lại đó, nhà đầu tư nước ngoài này còn cho biết vì lý do dừng mua bán điện di không kịp tiến độ nên gần 15 tháng quá các dự án không có nguồn tiền và vẫn phải trả lãi nên chi phí đội lên rất nhiều: “Ngay cả bây giờ nhà nước mua điện của chúng tôi với giá 8,5 CEN thì chúng tôi đã không lãi, thậm chí vẫn lỗ rồi” - Nhà đầu tư khẳng định.
Nhận xét về mức giá mà Bộ Công Thương đưa ra, bà Trần Thị Thùy Dương - Giám đốc phát triển Kinh doanh Nhà máy điện gió Nexif Energy Bến Tre cho biết: Nguyên nhân Bộ Công Thương đưa ra mức giá này có thể họ căn cứ vào yếu tố: Thiết bị chất lượng thấp, giá thành rẻ và lãi suất lý tưởng.
Phân tích các yếu tố này, Bà Dương cho rằng: “Thiết bị mà các chủ đầu tư dự án điện tái tạo tư nhân đầu tư đa phần là thiết bị có chất lượng tốt, giá thành cao. Ngoài ra mức lãi suất mà Bộ Công Thương tính toán, có thể là lãi suất ưu đãi chứ các doanh nghiệp tư nhân chúng tôi đâu có được hưởng mức đó".
Qua khảo sát ý kiến của các chủ đầu tư đã và đang triển khai các dự án điện gió và điện mặt trời tại Việt Nam thì đa phần các chủ đầu tư cho rằng mức giá mà Bộ Công Thương đưa ra mới chỉ đủ để “tiếp máu” cho 62 chủ đầu tư dự án chậm tiến độ hưởng giá FIT để họ không phá sản chứ nếu áp dụng mức giá này lâu dài chắc chắn không có chủ đầu tư nào dám tiếp tục đầu tư vào dự án điện tái tạo trong thời gian tới.
Các ý kiến cũng nhấn mạnh việc chậm tiến độ để rồi nhiều dự án đã không về kịp tiến độ trước 1/11/2021 để được hưởng giá FIT là do dịch Covid, sự cố bất khả kháng chứ không phải nguyên nhân do yếu tố chủ quan doanh nghiệp gây ra nên Nhà nước cần thông cảm và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đằng này đã không hỗ trợ mà Bộ Công thương còn hạ giá mua điện thấp như vậy sao doanh nghiệp có niềm tin được.
Thiết nghĩ Bộ Công Thương cần phải tham khảo và lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước để đưa ra mức giá mua điện phù hợp, vừa giúp nhà đầu tư có lãi tiếp tục tái đầu tư vào điện tái tạo, vừa đảm bảo mức giá phù hợp khi bán ra cho người tiêu dùng.
Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giá FIT (Giá mua điện các dự án hoàn thành trước ngày 31/11/2021) cho điện mặt trời là 9,35 cent/kWh (tương đương hơn 2.200 đồng/kWh theo tỷ giá hiện nay).
Sau 30/6/2019, giá FIT đã giảm từ 9,35 cent/kWh xuống chỉ còn 7,09 cent/kWh, tương đương 1.680 đồng/kWh (đối với các dự án điện mặt trời mặt đất).
Với điện gió, Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 10/9/2018, Mức giá FIT cho điện gió là 8,5cent/kWh, tương đương 2.000 đồng/kWh theo tỷ giá hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp mong cơ chế linh hoạt cho điện mặt trời mái nhà
04:30, 11/12/2022
TP.HCM khó phát triển điện mặt trời mái nhà
03:00, 25/11/2022
Dự án điện mặt trời chưa đưa vào sử dụng khoảng 5 tỷ USD
13:39, 31/10/2022
Trung Nam Group kêu "bất công" vì bị EVN dừng 40% công suất điện mặt trời
03:50, 23/09/2022