Việt Nam - Điểm sáng tăng trưởng kinh tế
Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)… đều thừa nhận Việt Nam là một trong những “điểm sáng” về tăng trưởng, cũng như duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.
>>Chọn lọc đầu tư công tạo động lực tăng trưởng kinh tế
Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)… đều thừa nhận Việt Nam là một trong những “điểm sáng” về tăng trưởng, cũng như duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.
GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ với DĐDN về những nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp và đặc biệt là các doanh nghiệp để đưa Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng kinh tế.
- Ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực của Việt Nam để từng bước vượt ra khỏi khủng hoảng kinh tế?
Thời gian qua, đã có rất nhiều nền kinh tế lớn bị rơi vào vòng xoáy giảm phát với một tỉ suất khá cao và suy giảm tăng trưởng kinh tế. Nhưng thành công của Việt Nam là vẫn duy trì được tỉ lệ lạm phát thấp, thậm chí còn thấp hơn mục tiêu kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của chúng ta không chỉ đạt mà còn vượt mục tiêu đề ra.
Tất cả những con số này không phải do Việt Nam tự công bố, mà do chính các tổ chức kinh tế lớn của thế giới, như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)… đều thừa nhận Việt Nam là một trong những điểm sáng về tăng trưởng, cũng như duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.
Các tổ chức uy tín thế giới như xếp hạng thế giới về năng lực cạnh tranh, xếp hạng tín nhiệm cũng nâng hạng của Việt Nam. Điều đó chứng tỏ chúng ta đã làm rất tốt việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, và tạo ra một tiềm lực kinh tế cho tăng trưởng.
- Tuy nhiên, có những luồng dư luận lại cho rằng sự tăng trưởng đó là không khách quan. Xin ông cho biết quan điểm của ông về vấn đề này?
Việc cho rằng chúng ta cố tình tạo ra một sự tăng trưởng giả tạo là hoàn toàn không có căn cứ. Vì tất cả con số, tất cả những bằng chứng đều là những sự công nhận khách quan đã chỉ ra sự tăng trưởng đó. Nếu chúng ta có cố tình tạo ra một chỉ số gọi là công bố không thực thì không thể có được các kết quả do các tổ chức uy tín trên thế giới công nhận và đánh giá cao.
Chúng ta nhìn thấy các nhà đầu tư đang tiến hành đầu tư tại Việt Nam, những nhà sản xuất kinh doanh không thể thu được hiệu quả kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô bất ổn, không thể thu được lợi nhuận khi lạm phát cao, không thể có được một thị trường tốt khi nền kinh tế không ổn định, đang có đà tăng trưởng thuận lợi…. Các bằng chứng đó đã cho thấy Việt Nam đang duy trì tốt sự ổn định kinh tế.
>Công nghệ và viễn thông Việt Nam: Hưởng lợi nhờ đà tăng trưởng kinh tế số
>>Tăng trưởng kinh tế giúp tránh “lạm phát do tâm lý”
- Cũng có một số thông tin cho rằng, Việt Nam đang “cố tình” lợi dụng các ưu đãi thương mại cũng như tìm kiếm cơ hội để “lách luật” hay gian lận mà trước đây các doanh nghiệp Việt Nam đã làm. Ông bình luận như thế nào về những luận điệu này?
Việt Nam hiện nay đã tham gia vào rất nhiều các hiệp định thương mại với các thị trường lớn trên thế giới. Quả thật, những hiệp định đó luôn tạo ra những lợi thế cho Việt Nam.
Nhưng lợi thế của Việt Nam với các đối tác thương mại không phải là một sự “vô cớ”, vì họ nhìn thấy tiềm năng của kinh tế Việt Nam khi tham gia sâu vào các mối quan hệ thương mại này. Đặc biệt, lợi ích không chỉ cho Việt Nam mà còn mang lại lợi ích phát triển, trao đổi qua lại với chính các đối tác đó.
Chính vì vậy, những ưu đãi thương mại mà Việt Nam đang có hiện nay là một sự khách quan, mang lại lợi ích cho cả các phía trong việc tham gia vào các hiệp định thương mại.
Và khi chúng ta có được các lợi thế thương mại đó thì cũng chính là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ở Việt Nam và tham gia vào việc tiêu thụ sảm phẩm của mình trên thị trường thế giới.
Nếu nói rằng, doanh nghiệp Việt Nam hay chính quyền đang muốn “dung túng” cho doanh nghiệp để “lách luật”, thì sẽ không thể xảy ra chuyện các tập đoàn, doanh nghiệp tên tuổi khi vi phạm pháp luật thì đều đã bị xử lý nghiêm minh.
Điều này cho thấy, chúng ta không có sự “loại trừ” bất kể một động cơ nào, không phải là vấn đề liên quan đến cá nhân ai, không phải liên quan đến một tổ chức nào và không phải liên quan đến vấn đề tiềm lực kinh tế ra sao.
Nếu không tuân thủ các điều kiện pháp luật, không tạo ra được môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài thì đều bị xử lý trước pháp luật.
- Quan điểm của ông như thế nào về việc xử lý với các doanh nghiệp lũng đoạn thị trường chứng khoán thời gian qua?
Chúng ta đều mong muốn doanh nghiệp phát triển lớn mạnh vì đây chính là trụ cột của nền kinh tế. Điều này cũng đã được ghi trong nghị quyết của Đảng. Tuy nhiên, rất tiếc bên cạnh nhiều các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang phát triển vững mạnh và nhận được những sự hỗ trợ tốt của Nhà nước, đóng góp cho nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, giữ ổn định xã hội, thì đã có những tập đoàn mang tính riêng lẻ lại lợi dụng các điều kiện thuận lợi để lợi dụng những ưu đãi đó để vi phạm pháp luật.
Việc phải xử lý những tập đoàn, doanh nghiệp, thậm chí là những tập đoàn lớn khi vi phạm pháp luật là điều rất đáng tiếc. Nhưng chúng ta không thể làm khác hơn khi những yếu tố lợi dụng, trục lợi của các cá nhân này đều phải được ra tay nghiêm trị.
Nhưng cần lưu ý, trong các biện pháp xử lý thời gian qua chúng ta không phải xoá bỏ những tập đoàn đó, không tiêu diệt hay huỷ hoại lợi ích của tập đoàn mà xử lý những cá nhân, những người có vi phạm lợi dụng danh nghĩa, lợi dụng uy tín của tập đoàn để trục lợi cho mình.
Còn tất cả các quyền lợi kinh tế, địa vị kinh tế của những tổ chức, doanh nghiệp, tập đoàn có cá nhân vi phạm chúng ta vẫn bảo hộ và duy trì để phát triển một cách bình thường.
Chúng ta cũng thấy rất rõ quan điểm nhất quán của Đảng là không hình sự hoá những quan hệ kinh tế. Còn với những cá nhân vi phạm luật pháp, thậm chí vi phạm hình sự thì xử lý hình sự, các quan hệ kinh tế thì vẫn dùng biện pháp kinh tế để xử lý.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Quảng Nam đối mặt với những thách thức để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế
01:14, 07/01/2023
Chọn lọc đầu tư công tạo động lực tăng trưởng kinh tế
04:00, 19/12/2022
Công nghệ và viễn thông Việt Nam: Hưởng lợi nhờ đà tăng trưởng kinh tế số
15:50, 13/12/2022