Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu: Chuyên gia lên tiếng

NGUYỄN VIỆT 06/02/2023 03:00

Đề xuất giao quản lý điều hành giá xăng dầu cho Bộ Công Thương để việc điều phối của Bộ Công Thương với các doanh nghiệp sẽ phù hợp và sát với thực tiễn.

>>Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đề xuất mức chiết khấu tối thiểu

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm đồng thuận với đề xuất của Bộ Tài chính trong việc giao việc điều hành giá xăng dầu về cho Bộ Công Thương, để thống nhất một đầu mối quản lý.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm đồng thuận với đề xuất của Bộ Tài chính trong việc giao việc điều hành giá xăng dầu về cho Bộ Công Thương, để thống nhất một đầu mối quản lý. Ảnh minh hoạ: Internet

Các chuyên gia kinh tế đồng thuận với đề xuất của Bộ Tài chính trong việc giao việc điều hành giá xăng dầu về cho Bộ Công Thương để thống nhất một đầu mối quản lý. Ảnh minh hoạ: Internet

Bởi giá của những mặt hàng mang tính đặc thù Nhà nước hiện đang quản lý như giá xăng dầu, giá vật tư y tế… sẽ do các cơ quan chủ quản xây dựng và quyết định. Như vậy, nếu theo Luật giá thì trước sau việc điều hành giá xăng dầu cũng sẽ thuộc về Bộ Công Thương.

“Bộ Công Thương là Bộ quản lý chuyên ngành về kinh doanh xăng dầu, cho nên Bộ Công Thương phải là người giúp cho các doanh nghiệp đầu mối, trung gian và các doanh nghiệp bán lẻ xây dựng nên hệ thống tổ chức sản xuất - kinh doanh sao cho đơn giản, phù hợp nhất đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị đề ra. Việc giao quản lý toàn bộ cho Bộ Công Thương để việc điều phối của Bộ Công Thương với các doanh nghiệp sẽ phù hợp và sát với thực tiễn”, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Thoả, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, nếu vẫn để cả 2 Bộ cùng điều hành giá như trước đây sẽ vừa chậm, vừa khó phân định trách nhiệm khi có những sự việc đáng tiếc xảy ra như thời gian vừa qua.

Theo ông Thỏa, thực chất hiện nay Bộ Công Thương đã chịu trách nhiệm rất nhiều trong việc điều hành lĩnh vực xăng dầu, như chịu trách nhiệm về lập Quy hoạch phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu, Quy hoạch hệ thống kho cảng, kho xăng dầu dự trữ.

Cấp phép cho thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu, Quy hoạch hạn mức nhập khẩu; Quản lý đăng ký sản xuất xăng dầu trong nước; Tính toán cung - cầu cũng như điều hành giá.

>>Thu hồi giấy phép 6 thương nhân phân phối xăng dầu

>>Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu gửi đơn “cầu cứu” Thủ tướng

“Bộ Công Thương cũng chính là cơ quan quản lý sản xuất, kinh doanh và điều tiết cung  - cầu và là đơn vị hiểu về sản xuất, kinh doanh về cung - cầu, hiểu về giá thị trường thế giới và thị trường trong nước hơn các bộ khác”, ông Thoả nhấn mạnh.

Do đó, ông Thoải kiến nghị không nên làm theo cách như hiện nay, đó là “cắt khúc” điều hành vì Bộ Công Thương chịu trách nhiệm điều hành giá nhưng Bộ Tài chính chỉ tính chi phí định mức - một bộ phận trong cơ cấu giá.

Nhưng khi điều hành giá, Bộ Công Thương lại phải “chờ” Bộ Tài chính thông báo sau đó mới “lắp” vào giá cơ sở để công bố và điều hành là rất bất cập, không cần thiết. “Như vậy, giao tất cả việc điều hành giá cho Bộ Công Thương là phù hợp”, ông Thoả bày tỏ.

Bộ Tài chính vừa có văn bản góp ý gửi Bộ Công Thương về việc sửa đổi Nghị định số 95 và Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, Bộ Tài chính vẫn nhất quán quan điểm là sửa Nghị định theo hướng giao thống nhất một đầu mối về Bộ Công Thương.

Hiện Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; đồng thời là cơ quan chủ trì điều hành giá xăng dầu; còn Bộ Tài chính thực hiện việc giám sát trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá; rà soát tính toán công bố các khoản định mức để tính giá cơ sở.

Góp ý sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất giao Bộ Công Thương đảm nhận hết phần việc của Bộ Tài chính đang làm hiện nay. Bộ Tài chính sẽ chỉ thực hiện chức năng thanh, kiểm tra theo đúng quy định.

Bộ Tài chính cho rằng phương án trên đã được đánh giá từ thực tiễn, đặc biệt kể từ khi có những biến động bất ổn của thị trường xăng dầu và dựa trên các cơ sở pháp lý. Việc giao 2 Bộ quản lý sẽ gây phân tán trong khâu tổ chức thực hiện; làm phát sinh thêm quy trình và gây khó khăn cho cơ quan điều hành giá vì giá cơ sở là tổng hòa của các yếu tố hình thành giá, không chỉ đơn giản là việc quyết định tăng hoặc giảm giá tại thời điểm điều hành giá.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý, cấp phép các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu; hướng dẫn hoạt động kinh doanh; xuất nhập khẩu… bảo đảm cung ứng xăng dầu được ổn định, đáp ứng nhu cầu xăng dầu trên địa bàn.

Vì vậy, Bộ Công Thương có thể chủ động xác định chính xác và tính toán các yếu tố hình thành giá cơ sở và công bố điều hành; chủ động phương án điều hành trong những tình huống thiếu hụt, bất thường.

Có thể bạn quan tâm

  • Thu hồi giấy phép 6 thương nhân phân phối xăng dầu

    00:00, 03/02/2023

  • Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu gửi đơn “cầu cứu” Thủ tướng

    05:00, 02/02/2023

  • Đề xuất điều chỉnh giá xăng dầu vào thứ Năm hàng tuần

    17:36, 01/02/2023

NGUYỄN VIỆT