Lạm phát thách thức doanh nghiệp bán lẻ
Tỷ lệ lạm phát cao đang có xu hướng lan rộng trên phạm vi toàn cầu, tâm lý thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng là không tránh khỏi.
>>Ngôi đầu thị trường bán lẻ đổi chủ
>>Kiểm soát lạm phát 2023: Cần sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ điều hành giá
Trước tác động mạnh của lạm phát, khó khăn tiếp tục bủa vây các doanh nghiệp bán lẻ đầu ngành đặc biệt là điện máy: Cụ thể, Công ty cổ phần Thế giới Di động (MWG) doanh thu bán hàng quý 4 của MWG chỉ đạt 30.877 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 619 tỷ đồng, giảm 60%. Lũy kế cả năm 2022, công ty mang về tổng doanh thu 134.722 tỷ đồng, tăng 8,5% so với 2021; lợi nhuận sau thuế đạt 4.102 tỷ đồng, giảm 16%.
Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch MWG cho rằng, khi thu nhập người lao động giảm thì sức mua sẽ có vấn đề và dĩ nhiên ngành bán lẻ cũng bị ảnh hưởng. Người tiêu dùng thắt chặt hầu bao thì những thứ không cần thiết sẽ bị loại bỏ, với những thứ cần thiết họ cũng sẽ mua hàng có giá rẻ hơn. Những ngành bị ảnh hưởng nhiều là những ngành không ảnh hưởng trực diện tới đời sống hàng ngày như điện thoại, điện máy, hàng tiêu dùng...
Tuy nhiên, Thế giới Di động vẫn đưa ra mục tiêu tăng trưởng dương về doanh thu và lợi nhuận ròng trong năm 2023 và tăng trưởng hai chữ số so với mức trung bình giai đoạn 2020-2022.
Đồng thời, Tăng vốn là yếu tố hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp bán lẻ, đặc biệt trong bối cảnh chi phí vay tăng cao. Công ty cổ phần Thế giới Di động (MWG) hoãn thực hiện tăng vốn cho mảng bách hóa từ quý I/2023 sang quý III/2023. Việc phát hành cổ phiếu thành công sẽ giúp công ty giảm bớt áp lực về chi phí tài chính.
Thế giới Di động sẽ không đặt mục tiêu số lượng cửa hàng mở mới cho từng chuỗi. Các chuỗi chỉ mở mới cửa hàng có chọn lọc để có thể mang lại lợi nhuận cho công ty trong 3 tháng sau khi khai trương.
Cùng với đó, tất cả các chuỗi sẽ tập trung vào tăng doanh số bán hàng tại cửa hàng hiện hữu và kiểm soát chi phí vận hành để tăng lợi nhuận tuyệt đối, không chú trọng tăng biên lợi nhuận khi người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu. Ngoại trừ Bách hóa Xanh có thể tiếp tục tối ưu biên lợi nhuận bằng cách cải thiện tỷ lệ hủy hàng, giảm hao hụt.
Mặt khác, tập trung tối đa hóa dòng tiền để giảm chi phí tài chính thông qua việc chủ động cải thiện quản lý hàng tồn kho. Đáng chú ý, Thế giới Di động sẽ đầu tư cho các lĩnh vực “hạt giống”, được coi là những động lực tăng trưởng mới như AVAKids, An Khang...
>>Bán lẻ sẽ hụt hơi nửa đầu năm 2023
>>Năm 2023: Bán lẻ sôi động nhờ chuyển đổi số
Trong khi đó Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) cũngghi nhận doanh thu giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, đạt 8.491 tỷ đồng. Khấu trừ giá vốn, công ty thu về hơn 1.330 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng 5%. Tuy nhiên doanh thu tài chính sụt giảm gần một nửa trong khi các khoản chi phí đều tăng cao. Lợi nhuận sau thuế của FRT chỉ còn 97 tỷ đồng, giảm 71% so với quý 4/2021.
Tuy nhiên, FRT vẫn ghi nhận tăng trưởng mạnh về doanh thu trong năm 2022 với 30.166 tỷ đồng, tăng trưởng 34% so với cùng kỳ, hoàn thành 112% kế hoạch năm. Mặc dù vậy, do các khoản chi phí tăng cao nên lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 398 tỷ đồng, giảm 10% so với kết quả năm 2021.
Cùng với đó tham vọng trở thành ông lớn bán lẻ đa ngành. Theo Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch FPT Retail cho biết sẽ cung ứng các sản phẩm phục vụ đa dạng nhu cầu của khách hàng, len lỏi vào đời sống của người dùng Việt Nam.
Cũng theo bà Điệp, năng lực cốt lõi của một công ty bán lẻ là xây dựng chuỗi bán lẻ và quản trị nó. Do đó, không quan trọng doanh nghiệp bán cái gì, mà có năng lực cốt lõi đó hay không.
Trong tương lai, FPT Retail chắc chắn sẽ không dừng lại ở lĩnh vực công nghẹ và dược phẩm. Các lĩnh vực bán lẻ có triển vọng lớn lại vừa an toàn là những sản phẩm thiết yếu như ăn uống, hàng tiêu dùng, mẹ và bé, siêu thị, giáo dục... Đây là những nhu cầu lặp đi lặp lại mỗi ngày, thường xuyên gắn với đời sống của gia đình nên ở thời kỳ nào cũng sẽ tăng trưởng, phát triển tốt.
"Hiện thị trường bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam có tính phân mảnh rất cao, với gần 60.000 nhà thuốc, nhưng hầu hết là cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Trong năm 2022, Long Châu đạt 1.000 cửa hàng, 5 triệu lượt khách hàng đến mua sắm/tháng; hơn 2,5 triệu lượt khách hàng mua sắm trên nền tảng trực tuyến/tháng, trong khi ứng dụng Nhà thuốc FPT Long Châu cũng cán mốc hơn 2 triệu người dùng sau 1 năm ra mắt", bà Điệp cho biết.
Theo bà Điệp năm 2023, khó khăn có thể tiếp tục kéo dài đến giữa năm, thậm chí là hết năm. Với tình hình đó, người dân sẽ thắt chặt chi tiêu, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu. Đứng trước tình hình này, FPT Long Châu càng chú trọng mục tiêu mở rộng để mang đến những sản phẩm chất lượng với giá thật rẻ. FPT Long Châu sẽ vẫn là động lực tăng trưởng của FPT Retail trong thời gian tới. Do đó nhà bán lẻ này sẽ tiếp tục mở rộng chuỗi, dự kiến mở thêm 400 - 500 cửa hàng trong năm 2023.
Ở một khía cạnh khác nhắc tới ngành bán lẻ một ông lớn không thể bỏ qua là Masan. Trong năm qua, dù khó khăn bủa vây, nhưng Masan vẫn mở mới 730 cửa hàng WinMart+ và WIN.
Theo ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan, năm 2022 Masan củng cố nền tảng tiêu dùng bán lẻ tích hợp với việc ra mắt các cửa hàng WIN. Năm 2023 và xa hơn nữa, những đổi mới mang tính quyết định tiếp theo của Masan sẽ là số hóa toàn bộ cơ sở hạ tầng tiêu dùng từ sản xuất đến bán lẻ, đồng thời phát triển nền tảng tích hợp giữa thương mại hiện đại và thương mại truyền thống. Nếu thực hiện được điều này, sẽ ngày càng có nhiều người tiêu dùng lựa chọn Masan bởi những trải nghiệm mua sắm độc đáo và chi phí tiết kiệm ít nhất 5% cho các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu hàng ngày. Tốc độ và mức độ đổi mới sâu rộng là điều khiến Masan tự tin về triển vọng tăng trưởng trung và dài hạn.
"Môi trường vĩ mô đầy thách thức và tâm lý thắt chặt chi tiêu có thể tiếp tục tác động đến hoạt động kinh doanh trong nửa đầu năm 2023. Tuy nhiên, triển vọng vĩ mô có khả năng phục hồi vào nửa cuối năm 2023", ông Quang nhận định.
Hiện The CrownX (TCX) - nền tảng bán lẻ tiêu dùng hợp nhất WCM và MCH, vẫn tiếp tục là động lực tăng trưởng doanh thu, đóng góp hơn 70% vào tổng doanh thu của Masan (khoảng 65.000 đến 72.300 tỷ đồng). WCM sẽ mang lại doanh thu thuần trong khoảng 36.000 tỷ đồng đến 40.500 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 23% đến 38% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng là việc tiếp tục mở cửa hàng mới thành công và tăng doanh thu cấp cửa hàng.
WCM đặt mục tiêu mở 800 - 1.200 cửa hàng trong năm 2023. Masan sẽ tập trung vào mô hình minimart/mini mall với đa dạng hình thức từ WIN, WinMart+ ở khu vực thành thị, WinMart+ ở khu vực nông thôn để củng cố vị thế của chuỗi bán lẻ.
Có thể bạn quan tâm
Kiểm soát lạm phát 2023: Cần sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ điều hành giá
04:00, 03/02/2023
Áp lực lạm phát sẽ tiếp tục thách thức thị trường dệt may 2023
03:40, 26/01/2023
Cẩn trọng với rủi ro lạm phát
02:00, 24/01/2023
Lạm phát năm 2023 dự báo xoay quanh mức 3,5%
11:05, 05/01/2023
Ngành bán lẻ Mỹ có nguy cơ thoái trào
04:00, 02/02/2023
Ngôi đầu thị trường bán lẻ đổi chủ
00:06, 01/02/2023
Bán lẻ sẽ hụt hơi nửa đầu năm 2023
15:06, 29/01/2023
Năm 2023: Bán lẻ sôi động nhờ chuyển đổi số
12:09, 13/01/2023