Việt Nam nên làm đường sắt tốc độ cao 200 km/h

NGUYỄN VIỆT (thực hiện) 15/03/2023 02:30

Nếu làm đường sắt tốc độ cao với tốc độ 200 km/h, chúng ta sẽ không phải tiêu tốn số tiền 50 - 60 tỷ USD, mà chỉ ở mức 30 tỷ USD.

Phương án tốt nhất là xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao 200 km/h, khai thác từ 10 – 15 năm sau đó nâng dần tốc độ thì sẽ hiệu quả và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

>>Đường sắt Hà Nội – Hải Phòng chờ “lột xác”

TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia nghiên cứu về giao thông chia sẻ với DĐDN về việc Bộ Chính trị yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định trong chương trình làm việc năm 2023.

- Theo ông, để triển khai dự án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, chúng ta cần chọn phương án nào để mang lại hiệu quả cao nhất?

Để triển khai đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam thì phải đưa ra nhiều phương án sau đó chọn phương án hợp lý nhất. Giới chuyên môn chúng tôi cũng có so sánh các phương án và nhận thấy phương án tốt nhất là xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao không phải đường sắt cao tốc, với tốc độ 200 km/h, không phải 300 – 400 km/h như phương án ban đầu.

Còn đối với tuyến đường sắt Bắc – Nam hiện nay, cần được nâng cao tốc độ và chuyển sang khổ đường 1.435mm, nếu cần có thể làm đường đôi để nâng cao năng lực vận tải đường sắt với số tiền từ 4 đến 5 tỷ USD. Hiện nay chúng ta chỉ chú ý đầu tư cho đường bộ mà chưa quan tâm đến đường sắt, điều này dẫn đến hạ tầng đường sắt quốc gia bị lạc hậu, xuống cấp.

- Tại sao chúng ta chưa nên triển khai tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với vận tốc 300 – 400 km/h, thưa ông?


Chúng tôi đã cùng với các giáo sư trong ngành giao thông như GS. TSKH Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Giao thông Vận tải - là người có nhiều kinh nghiệm về ngành đường sắt nhất hiện nay ở nước ta đã nghiên cứu kỹ thì thấy, nếu làm đường sắt tốc độ cao với tốc độ 200 km/h chúng ta sẽ không phải tiêu tốn số tiền 50 - 60 tỷ USD, mà chỉ ở mức 30 tỷ USD.

Chúng ta làm tuyến đường sắt đó trên cơ sở chưa điện khí hoá ngay, mà chủ yếu chạy bằng đầu máy diesel từ 10.000 – 15.000 mã lực, thì vẫn đạt được tốc độ 150 -200 km/h mà vẫn đảm bảo vận chuyển được hàng hoá và hành khách. Do đó, khả năng hồi vốn và lợi nhuận sẽ cao, không cần chạy ngay với vận tốc 300 – 400 km/h.

Nếu Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu kỹ, hỏi ý kiến các chuyên gia phân tích một cách đầy đủ các yếu tố kinh tế, kỹ thuật và tính hiệu quả thì theo tôi đây là phương án tốt nhất. Vì vừa đảm bảo giảm bớt chi phí, tăng nhanh thời gian hoàn vốn, đặc biệt là phù hợp với mức sống của người dân. Tại Mỹ cũng chưa triển khai tàu tốc độ cao 300 km/h, trong khi GDP của Việt Nam chỉ bằng 1/15 của họ mà lại muốn chạy ngay tàu tốc độ cao, theo quan điểm của tôi là chúng ta không nên “vội vàng”.

>>Dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành: Cần đảm bảo tính phù hợp, đồng bộ?

>>Bộ Giao thông Vận tải nói gì về tuyến đường sắt Yên Viên – Cái Lân?

- Ông đánh giá như thế nào về những cơ hội dành cho các doanh nghiệp tư nhân trong dự án lớn này?

Tất cả những doanh nghiệp tư nhân nếu có đủ năng lực, thiết bị, kỹ thuật… đều có thể tham gia. Kể cả sân bay Long Thành cũng nên để tư nhân tham gia, không phải giao cho một DNNN để sau đó dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian thi công.

Theo quan điểm của tôi, tất cả các công trình lớn nhất của đất nước không nên chỉ định thầu mà cần tổ chức đấu thầu và xã hội hoá. Tôi luôn ủng hộ các doanh nghiệp tư nhân, vì họ có kinh nghiệm làm kinh tế, biết “chắt chiu” từng đồng tiền để đi lên từ con số 0 cho đến khi có trong tay hàng chục tỷ USD. Những doanh nghiệp này xứng đáng được tham gia xây dựng những công trình lớn của đất nước.

Khi tư nhân tham gia xây dựng các công trình lớn sẽ tiết kiệm được rất nhiều vì giảm bớt lợi ích nhóm. Họ “chỉn chu” nên giảm bớt chi phí. Doanh nghiệp tư nhân cũng có đầy đủ các thiết bị khoa học, các nhà khoa học, các giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư giỏi. Thậm chí, doanh nghiệp tư nhân có thể mua công nghệ tiên tiến và thuê chuyên gia giỏi từ nước ngoài về thi công xây dựng dự án trong nước.

Đặc biệt, các doanh nghiệp tư nhân thường làm rất đúng thời gian, chất lượng tốt, không có chuyện kéo dài thời gian đến gần 10 năm như dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, gây tốn kém cho ngân sách nhà nước không biết bao nhiêu tiền của.

- Ông có đề xuất, kiến nghị gì về dự án này?

Thứ nhất, nếu triển khai đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam thì phải bàn kỹ đó là phương án gì. Ví dụ, phương án tốc độ tàu chạy 200 km/h như tôi đã nêu. Sau khi thống nhất phương án thì triển khai đấu thầu, có thể phân đoạn để đấu thầu trong đó cả đấu thầu mua sắm thiết bị. Không thể “dồn hết” cho DNNN để rồi lại dẫn đến tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm. Giao cho tư nhân triển khai là phương án tốt nhất.

Thứ hai, phải xem xét kỹ năng lực của DNNN trước khi giao dự án, không phải DNNN nào cũng có thể “giao khoán”. Phải tổ chức đấu thầu một cách công bằng, đấu thầu không chỉ có giá mà phải gồm cả thiết bị, kỹ thuật, khoa học, tính hiệu quả…

Thứ ba, đưa các doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia đấu thầu với các DNNN, bên nào thắng thầu sẽ được nhận đầu tư xây dựng dự án.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Ưu tiên làm đường sắt tốc độ cao đoạn TP.HCM - Long Thành

    20:25, 20/09/2019

  • Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam ‘ngốn’ 58,7 tỷ USD sẽ khó khả thi

    23:42, 08/09/2019

  • Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam: Lo ngại tính khả thi về mặt huy động vốn

    11:00, 07/09/2019

NGUYỄN VIỆT (thực hiện)