Chính sách tài chính trong lĩnh vực khoáng sản gây tổn thất tài nguyên
"Các quy định về chính sách tài chính trong lĩnh vực khoáng sản hiện nay đang khuyến khích gây tổn thất tài nguyên khá lớn".
>>Khoáng sản ra đi, khốn khổ nằm lại
Đó là chia sẻ của TS. Lê Ái Thụ, Hội Địa chất kinh tế Việt Nam tại Lễ công bố Kết quả nghiên cứu với chủ đề “Hướng tới một hệ thống quản trị tài nguyên tốt hơn – Cách tiếp cận kinh tế chính trị”, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) tổ chức ngày 17/3.
Theo TS. Lê Ái Thụ, không riêng về chính sách trong lĩnh vực khoáng sản, mà các chính sách khác của Việt Nam rất thiếu ổn định. Nếu chính sách không ổn định, đặc biệt đối với các dự án khai thác khoáng sản sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Đơn cử, doanh nghiệp xin giấy phép khai thác 30 năm và gia hạn thêm không quá 20 năm, tức là 50 năm. Khi doanh nghiệp lập dự án đầu tư để tính toán đầu tư và xem hiệu quả vốn thu được trong quá trình khai thác 30 năm và sau đó 20 năm thì nhận thấy các chính sách như thuế, phí thường thay đổi rất nhiều.
Qua tính toán NPV (phương pháp tiêu chuẩn cho việc sử dụng giá trị thời gian của tiền để thẩm định các dự án dài hạn) và IRR (công cụ số liệu tính toán lợi nhuận có thể được sinh ra từ dự án đầu tư), thì khi tính toán đầu tư vào là có lãi. Nhưng sau một vài năm chính sách về thuế tài nguyên thay đổi “chóng mặt”, như vậy doanh nghiệp làm sao có thể “chịu nổi”.
Trong khi, các doanh nghiệp Việt Nam không đủ nguồn lực để đầu tư ra nước ngoài cho nên buộc phải đầu tư trong nước nên chấp nhận chịu thiệt thòi. “Do đó, tôi đề nghị các chính sách cần có sự ổn định, nếu không ổn thì doanh nghiệp rất khó phát triển. Nhà nước phải có tính ổn định trong xây dựng chính sách”, TS. Lê Ái Thụ nói.
Một vấn đề khác được TS. Lê Ái Thụ quan tâm, đó là tính đồng bộ giữa pháp luật về khoáng sản với pháp luật khác có liên quan, đặc biệt là chính sách tài chính. Tính thiếu ổn định đã là một tác động rất xấu, rất tiêu cực đến sự phát triển bền vững.
Tính đồng bộ, ví dụ thuế tài nguyên ở trong Luật Khoáng sản quy định tại Điều 4 khoản 4 khuyến khích sử dụng công nghệ để thu hồi tối đa khoáng sản. Nhưng thuế tài nguyên lại thu tất cả khoáng sản có thể thu hồi được.
Trong khi đó, doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều về công nghệ để tiết kiệm khoáng sản cho Nhà nước. Như vậy, nếu đánh thuế tính phí bảo vệ môi trường hay các loại thuế phí khác không đồng bộ thì sẽ dẫn đến tổn thất tài nguyên.
>>Vì sao Tập đoàn Than và khoáng sản đạt doanh thu kỷ lục?
>>Mining Vietnam 2022 trở lại phục vụ ngành khai khoáng, chế biến khoáng sản tại Việt Nam
“Thực tế, các quy định về chính sách tài chính trong lĩnh vực khoáng sản hiện nay đang khuyến khích tổn thất tài nguyên khá lớn”, TS. Lê Ái Thụ bày tỏ.
Để giải quyết những bất cập trên, TS. Lê Ái Thụ kiến nghị, muốn tốt thì phải bỏ cơ chế “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, đó là cơ quan hành pháp tự đi xây dựng luật. Như vậy, không nên để các cơ quan thi hành pháp luật - tức cơ quan hành pháp xây dựng luật, mà Quốc hội và các nhóm chuyên gia chuyên ngành phải xây dựng luật.
Nhà nước cần quan tâm đến lợi ích của hai nhà, đó là Nhà nước và Nhà đầu tư, Nhà nước ở đây bao gồm cả người dân vì họ là chủ tài nguyên khoáng sản, Nhà nước thay mặt quản lý ở trong Hiến pháp Điều 53 đã quy định.
“Qua trao đổi với các doanh nghiệp tôi được biết, họ rất muốn minh bạch chính sách, khi đó doanh nghiệp thấy thoải mái, vui vẻ hơn. Bản thân doanh nghiệp cũng không muốn “đi đêm” hay “gặp riêng”. Nhưng “hình như” cơ quan quản lý nhà nước lại muốn có “cái gì đó” không minh bạch”, TS. Lê Ái Thụ thẳng thắn.
Theo PGS,TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VESS, hệ thống quản trị cần được thiết kế vững vàng hơn, và nhà quản lý, người khai thác cần hiểu rõ về bản chất của tài nguyên khoáng sản thay vì chú trọng lợi ích kinh tế, để đảm bảo cho chi phí mà xã hội phải chịu ở mức thấp nhất, nhưng vẫn đảm bảo được nhu cầu tiêu dùng, khai thác.
“Bởi mỏ là tài nguyên thiên nhiên của Nhà nước, nhưng người dân xung quanh mới là người chịu ảnh hưởng lớn nhất, chưa kể đến nhà ở và xã hội trong quá trình khai thác, và sau quá trình khai thác”, PGS,TS. Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.
PGS,TS. Nguyễn Đức Thành cũng khuyến nghị cần có thiết chế, quản lý các mỏ tốt hơn, đồng thời cần công khai minh bạch báo cáo của các dự án, để người dân, nhà nghiên cứu, nhà tổ chức xã hội đều được biết, nhằm mục đích cùng tham gia giám sát với Nhà nước, đồng thời giảm tải gánh nặng cho địa phương, tạo môi trường xã hội xung quanh mỏ được tốt hơn.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Nam: Ưu tiên thanh tra các mỏ khoáng sản kê khai thấp hơn 60% công suất
21:39, 14/03/2023
Quảng Ninh: Tăng cường quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản
11:00, 28/02/2023
Vì sao Tập đoàn Than và khoáng sản đạt doanh thu kỷ lục?
10:37, 13/01/2023
Hải Dương: Xử lý nghiêm người đứng đầu buông lỏng quản lý đất đai, khoáng sản
00:06, 29/12/2022
Quảng Nam yêu cầu các địa phương khẩn trương đấu giá mỏ khoáng sản
00:00, 27/12/2022