Tăng trưởng trước áp lực xuất khẩu giảm: Ứng phó chính sách linh hoạt
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP của Việt Nam năm 2023 tăng trưởng đạt mức 6,3%.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng có thể chậm hơn so với dự kiến do tác động của một số yếu tố bất định.
>>Kinh tế 2023: Ánh sáng nơi cuối đường hầm
LTS: Theo WB, năm 2023, trong điều kiện sức cầu bên ngoài yếu đi, đóng góp từ xuất khẩu ròng vào tăng trưởng được dự đoán là số âm (-0.6 điểm phần trăm). Lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến đầu tư tư nhân.
Trao đổi với DĐDN, bà Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế cao cấp, Ban Kinh tế vĩ mô thương mại và đầu tư của WB tại Việt Nam chia sẻ: trước mắt, Việt Nam phải đối mặt với những rủi ro tăng cao liên quan đến những trở ngại bên ngoài và nguy cơ dễ tổn thương trong nước, đòi hỏi cần có sự tăng cường phối hợp và ứng phó chính sách kịp thời.
- Nền kinh tế Việt Nam đang có một số điểm sáng và triển vọng tích cực. Chúng ta có lo xa về khả năng tăng trưởng chậm lại trong những tháng còn lại của nửa đầu năm 2023, thưa bà?
Hoạt động sản xuất kinh doanh từ đầu năm đến nay tuy vẫn được duy trì ổn định nhưng những khó khăn và rủi ro đã xuất hiện. Từ bên ngoài, do tác động của chính sách kiềm chế lạm phát, tăng lãi suất, các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ và EU giảm tốc, kéo theo sức mua giảm khiến xuất khẩu các mặt hàng chế biến chế tạo của Việt Nam cũng giảm mạnh. Trong khi đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại dự báo tác động đến tăng trưởng của kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, lộ trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc còn nhiều bất định nên lợi ích nhận được từ việc Trung Quốc mở cửa chưa rõ ràng, chưa quá nhiều như kỳ vọng. Ngoài ra, rủi ro phi toàn cầu hoá vẫn đang lơ lửng khi căng thẳng địa chính trị gia tăng làm dấy lên bất định về hướng đi của tăng trưởng và thương mại toàn cầu trong tương lại, ảnh hưởng đến các nền kinh tế mở, quy mô nhỏ như Việt Nam.
Nhìn từ trong nước, mặc dù du lịch đã tiếp tục phục hồi khi du khách Trung Quốc vốn đóng góp khoảng 30% tổng lượt du khách đến Việt Nam dần quay lại song tăng trưởng của khu vực này vẫn còn yếu, chưa quay về mức trước đại dịch. Năm 2023, chúng tôi dự kiến lạm phát CPI bình quân khoảng 4,5%, cao hơn năm 2022. Lạm phát cao hơn và kéo dài hơn có xu hướng làm giảm động lực tiêu dùng và đầu tư trong nước do giá cả các mặt hàng cao hơn.
>>KINH TẾ 2023: Tận dụng mọi thời cơ, vận hội để hồi phục và phát triển
>>KINH TẾ 2023: Phương châm 3K cho doanh nghiệp
>>Hai kịch bản cho tăng trưởng kinh tế 2023
- Xuất khẩu, một trong những động lực của tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu giảm tốc. Theo bà, tăng trưởng GDP trông đợi vào động lực nào?
Trong điều kiện sức cầu bên ngoài yếu đi, đóng góp của xuất khẩu ròng vào tăng trưởng được dự đoán là số âm (khoảng âm 0,6 điểm phần trăm). Nền kinh tế sẽ được hưởng lợi từ việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai hợp phần đầu tư trong chương trình hỗ trợ phục hồi đã được thông qua với quy mô lên đến khoảng 1,6% GDP.
Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa để hành động nhưng yếu kém trong triển khai đã và đang làm giảm hiệu quả của chính sách tài khóa. Trước mắt, trọng tâm cần triển khai dự toán đầu tư, bao gồm các dự án được xác định trong chương trình chính sách phục hồi và phát triển kinh tế, dự án đầu tư vào hạ tầng cơ sở vật chất và hạ tầng số. Những dự án này không chỉ đẩy mạnh nhu cầu trong nước trong ngắn hạn mà còn góp phần cho tăng trưởng tiềm năng trong dài hạn của Việt Nam. Trong trung hạn, xử lý những trở ngại thể chế đảm bảo tiến độ chương trình đầu tư công để nâng cao hiệu quả của chính sách tài khóa.
- Trở lại với những rủi ro của nền kinh tế năm 2023, rủi ro tài chính được xem như thách thức mới nổi cần được quan tâm. WB có những khuyến nghị gì để Việt Nam hạn chế tác động và tăng trưởng bền vững thưa bà?
Những rủi ro tài chính xảy ra gần đây cho thấy cần tăng cường khung chính sách giám sát và quản trị doanh nghiệp đối với khu vực tài chính. Tôi cho rằng, có một số lĩnh vực cải cách cần được cân nhắc. Đó là tăng cường khuôn khổ giám sát dựa trên rủi ro của Ngân hàng Nhà nước; thiết lập cơ chế và chính sách vững chắc để giám sát các tập đoàn hợp nhất có thành viên là ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, tăng cường minh bạch chung trong khu vực tài chính và tăng cường các chuẩn mực trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và xúc tiến áp dụng đánh giá định mức tín nhiệm để vệ nhà đầu tư…
Trong trung và dài hạn, nền kinh tế Việt Nam cần tiếp tục có những cải cách cơ cấu sâu sắc. Cải cách về quản lý nhà nước sẽ cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy cạnh tranh.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm
Kinh tế 2023: Ánh sáng nơi cuối đường hầm
04:00, 01/03/2023
Hai kịch bản cho tăng trưởng kinh tế 2023
13:56, 12/01/2023
KINH TẾ 2023: Phương châm 3K cho doanh nghiệp
12:17, 11/01/2023
KINH TẾ 2023: Tận dụng mọi thời cơ, vận hội để hồi phục và phát triển
06:51, 04/01/2023