Có nên điều chỉnh giá điện chuyển tiếp?
36 nhà đầu tư vừa gửi kiến nghị cầu cứu Thủ tướng với mong muốn khắc phục những bất cập trong việc xây dựng và ban hành cơ chế giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.
>>Tăng giá điện: Xu hướng chuyển đổi sang năng lượng tái tạo
LTS: Báo cáo tại VBF 2023 cho thấy, lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam chiếm khoảng 0,8% lượng phát thải toàn cầu. Trong đó, ngành điện Việt Nam chiếm khoảng một nửa lượng khí thải CO2 này.
Trao đổi với DĐDN, TS Hoàng Giang – Chủ tịch Cộng đồng Năng lượng tái tạo Bến Tre đại diện cho các nhà đầu tư năng lượng tái tạo (NLTT) cho rằng, cơ chế giá thiếu hợp lý sẽ làm chùn bước nhà đầu tư các dự án NLTT, dẫn tới khó đảm bảo mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
- Thưa ông, cơ chế giá mới cho các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp theo Quyết định số 21/2023 của Bộ Công Thương sẽ tác động ra sao tới doanh nghiệp?
Mặc dù, Quyết định số 21 của Bộ Công Thương về khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, đến nay được 02 tháng, nhưng gần như vẫn không có doanh nghiệp nào muốn ký hợp đồng đóng điện với giá này. Thật buồn, vì đã có giá nhưng vẫn không thể phát điện, nhà máy vẫn để không, chấp nhận mất doanh thu và tiếp tục kêu cứu,... Bởi mức giá mới đây được đưa ra sẽ gây thiệt hại trầm trọng cho các doanh nghiệp trong suốt cả vòng đời vận hành nhà máy. Vì vậy, các doanh nghiệp có nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp vẫn tiếp tục hành trình gửi công văn thỉnh nguyện tới Quốc Hội và Chính Phủ xin cứu các dự án đã đầu tư.
- Nhắc đến giá phải tính đến vốn đầu tư, vậy để đáp ứng các điều kiện vay vốn cho các dự án NLTT, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các tiêu chí nào, thưa ông?
Các dự án này đều được triển khai trong giai đoạn từ năm 2017-2018 theo lời kêu gọi của Chính Phủ vào thời điểm đó. Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, có 87 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất là 4.871,62 MW (trong đó gồm có 4.184,8 MW điện gió và 686,82MW điện mặt trời) đã bị chậm tiến độ vận hành thương mại (COD) so với kế hoạch nên không kịp hưởng giá điện cố định (FIT) như được quy định tại Quyết định 39/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
>>Tăng giá điện phải cân nhắc tác động đến lạm phát
>>Tăng giá điện – Tránh tạo “gánh nặng” lên doanh nghiệp
>>Tăng giá điện: Cần hài hòa lợi ích nhà nước - doanh nghiệp - người dân
Từ những hệ lụy không lường trước được của đại dịch COVID-19, các dự án chưa đưa vào vận hành vẫn đang phải gánh lãi suất mỗi năm của các tổ chức tín dụng. Trong khi, giá thiết bị, giá nhân công, giá tư vấn, thiết kế... luôn tăng.
Do vậy giá tính theo Quyết định 21 phải được nghiên cứu xem xét tại thời điểm đã đầu tư chứ không phải là hiện tại, vì hầu hết các dự án cơ bản đã hoàn thành xây dựng.
Hiện tại với giá mới thấp hơn giá FIT 20%, cộng với việc đội vốn do chậm tiến độ phải trả phí phát sinh cho các nhà thầu, phí bảo trì bảo dưỡng thiết bị, phí bảo vệ, nhân công, lãi ngân hàng… (Có dự án đội vốn lên 20%).
Yếu tố thứ 2 là thanh toán bằng nội tệ, nếu tỷ giá biến động 5%/năm, tương đương doanh nghiệp sẽ lỗ thêm 5% doanh thu mà không có đảm bảo quy đổi như Quyết định của Thủ tướng trước đây.
Yếu tố thứ 3, trong điều kiện vay USD, FED tăng lãi suất 4% hay vay VND, lãi suất vay bình quân tăng 5%, tức doanh nghiệp lại lỗ thêm...
Như vậy, với mức giá giảm quá sâu này, các dự án chuyển tiếp càng vận hành, càng lỗ, nếu tính qua có thể thấy doanh nghiệp sẽ lỗ tới 20% tổng mức đầu tư. Do đó, doanh nghiệp lo lắng trước nguy cơ phải phá sản, còn các doanh nghiệp có ý định sẽ không đầu tư phát triển các dự án NlTT nữa.
- Vậy, ông có những kiến nghị gì để đảm bảo sự phát triển ổn định của NLTT như kỳ vọng của Chính phủ?
Ai cũng nghĩ doanh nghiệp phát triển NLTT có lời, nhưng nếu xét trong bối cảnh hiện tại của nền kinh tế, khi tỷ giá biến động, chi phí lãi vay tăng cao vì các ngân hàng Trung ương thắt chặt tiền tệ, lạm phát cao khiến giá nhân công vào các chi phí đầu vào vận hành tăng cao... Do đó với giá FIT cũ, doanh nghiệp vẫn chỉ có thể tồn tại và sẽ có hiệu quả khi thị trường tải chính thế giới và trong nước quay lại bối cảnh lãi suất thấp, lạm phát thấp của những năm 2017-2018.
Nếu tính trên góc nhìn chi phí cơ hội, đầu tư điện tái tạo cần vốn đâu tư rất lớn (vài ngàn tỷ/dự án), thời gian thu hồi vốn lâu, vòng đời dự án 20 năm, phụ thuộc hoàn toàn vào điều độ điện lực của EVN là người mua điện độc quyền duy nhất. Như vậy cho thấy sự thành bại của dự án phụ thuộc hoàn toàn vào chính sách,... Bởi chính sách không phù hợp sẽ khiến nhà đầu tư đứng trước nguy cơ thất bại về tài chính, gây phá sản và làm các nhà đầu tư tiềm năng không dám mạo hiểm đầu tư phát triển NLTT.
Để phát triển thị trường NLTT tại Việt Nam, tôi cho rằng Chính phủ nên gia hạn giá FIT cho các dự án chuyển tiếp đã đầu tư và cân nhắc giá mới phù hợp cho các dự án sẽ đầu tư đủ sức hấp dẫn.
- Xin cảm ơn ông!
Ông TRẦN ĐÌNH NHÂN - Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Gia hạn đấu nối các dự án đã hết hạn Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đề nghị Bộ Công Thương trên cơ sở nghiên cứu lại Điều 26 Nghị định 137/2013 về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. Đồng thời EVN và đơn vị phát điện cùng đàm phán giá điện trên cơ sở nghiên cứu của Bộ Công Thương hướng dẫn. Bên cạnh đó EVN rất mong Cục Điều tiết điện lực tham mưu để EVN báo cáo lại các nội dung doanh nghiệp đề xuất tới Thủ tướng. Về khả năng giải tỏa công suất, EVN sẽ xem xét rà soát lại, nếu có khó khăn EVN sẽ xử lý trong quá trình đàm phán với các nhà đầu tư. Với 85 dự án chuyển tiếp, EVN đề nghị các doanh nghiệp nhanh chóng nộp hồ sơ tham gia đàm phán cho Công ty mua bán điện. Riêng việc đấu nối lưới điện, nếu thỏa thuận cũ đã ký hết hạn thì chủ đầu tư cần sớm làm việc với đơn vị vận hành lưới điện để rà soát, cập nhật lại các số liệu tính toán và tình trạng vận hành mới. EVN sẽ xem xét và chỉ đạo các Tổng Công ty điện lực và Tổng Công ty truyền tải Quốc gia gia hạn đấu nối cho các dự án đã hết hạn. Đại diện EVN tôi cũng mong nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các chủ đầu tư trong quá trình chuẩn bị hồ sơ đàm phán, với mong muốn các dự án chuyển tiếp được đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất trên cơ sở đảm bảo đúng quy định pháp luật. Mục tiêu hàng đầu mà doanh nghiệp phải hướng đến là hiệu quả, đương nhiên EVN phải ưu tiên thực hiện nhiệm vụ chính trị là đảm bảo cung cấp điện cho đất nước. Để có hiệu quả, mọi việc phải minh bạch, công khai trên nền tảng một hệ thống thông tin quản lý tốt, một bộ máy tổ chức mạch lạc, nguồn nhân lực phải tốt và một hệ thống quy chế nội bộ phải phát huy được sự chủ động, năng động, sáng tạo của đơn vị. Bộ máy của EVN cần phải được tổ chức tốt hơn nữa, nguồn nhân lực phải giỏi và đồng đều hơn nữa. Ông NGUYỄN HOÀNG HẢI - Chuyên gia năng lượng và tư vấn tài chính đầu tư độc lập: Sức khỏe doanh nghiệp gắn với các ngân hàng Với tốc độ phát triển NLTT nhanh như thời gian vừa rồi, thì cần đảm bảo an toàn cho hệ thống điện, một “khoảng lặng chính sách” để các dự án NLTT phát triển ổn định. Điều này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng để có thể có các phương án cân bằng và tầm nhìn phát triển hệ thống lưới điện cho phép hấp thụ lượng điện mới từ các nhà máy điện gió và điện mặt trời một cách hiệu quả nhất. Hiện đã có cơ chế mua giá điện mới. Tuy nhiên, mức giá giảm mạnh này không đạt được kỳ vọng của các nhà đầu tư chuyển tiếp. Cụ thể có nhóm 34 dự án chuyển tiếp với tổng công suất 2.090,97 MW, gồm 28 dự án điện gió với tổng công suất 1.638,35 MW và 6 dự án điện mặt trời với tổng công suất 452,62 MW, đã hoàn tất thi công và hoàn thiện công tác thử nghiệm với tổng vốn đầu tư ước tính 85 ngàn tỷ đồng, trong đó thường thì 70%-80% sẽ là vốn vay ngân hàng. Giá mua điện thực tế nếu thấp hơn so với bài toán tài chính khi ký hợp đồng vay sẽ khiến nhà đầu tư/ cơ quan tài chính và doanh nghiệp phải giãn thời gian trả nợ, ảnh hưởng tới dòng tiền ngân hàng và nhà đầu tư. Tôi cho rằng sức khỏe của doanh nghiệp liên quan trực tiếp tới các ngân hàng, doanh nghiệp khó khăn thì ngân hàng cũng ảnh hưởng, môi trường đầu tư trở nên kém hấp dẫn. Hơn bao giờ hết, với mục tiêu đạt Net Zero vào 2050, và đích tăng trưởng kinh tế hàng năm ở mức 6-8%, an ninh năng lượng là điều kiện tiên quyết đi kèm với nhu cầu vốn FDI và vốn trong nước rất cao. Trong bối cảnh không khác được thì chính sách mua điện nên được thiết lập để hài hòa mục tiêu và bài toán tài chính của các bên liên quan, đảm bảo môi trường đầu tư hấp dẫn, công bằng. Các nhà đầu tư mới sẽ nhận thấy sự hấp dẫn của thị trường NLTT Việt Nam. |