Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu lớn xuất khẩu 14 tỷ USD Quý II

THY HẰNG 01/04/2023 14:46

Mức sụt giảm xuất khẩu nông sản đang có tín hiệu chậm lại và hy vọng phục hồi cuối quý II, Bộ NN&PTNT đề ra mục tiêu lớn trong quý II/2023 xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 14 tỷ USD.

>>>Quy định “làm khó” doanh nghiệp nông nghiệp vay vốn

Tại buổi họp báo thường kỳ quý I của Bộ NN&PTNT, một loạt các số liệu không mấy khả quan trong tình hình xuất khẩu nông sản thời gian qua đã được đưa ra. Kim ngạch xuất khẩu giảm 14% so cùng kỳ năm 2022.

Xk

Bộ NN&PTNT đề ra mục tiêu lớn trong quý II/2023 xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 14 tỷ USD.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ NN&PTNT cho biết, 3 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp, nông thôn thực hiện kế hoạch trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát.

Tuy nhiên, giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn ở mức cao. Ngành nông nghiệp đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp nhằm ổn định sản xuất, ứng phó với biến động thị trường, thời tiết, dịch bệnh; tăng cường đàm phán mở cửa thị trường nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản.

Nhờ vậy, nông nghiệp vẫn đạt tăng trưởng khá; năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, góp phần vào tăng trưởng chung của kinh tế cả nước. Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của khu vực nông, lâm, thủy sản quý I ước đạt 2,52% so với cùng kỳ 2022; trong đó, nông nghiệp tăng 2,43%, lâm nghiệp tăng 3,66% và thủy sản tăng 2,68%.

Tính chung 3 tháng đầu năm, sản xuất trồng trọt vẫn ổn định, sản lượng nhiều loại cây lâu năm chủ lực tăng. 

Giá trị sản xuất trồng trọt tăng khoảng 1,21% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 59,5% tỷ trọng  giá trị sản xuất của lĩnh vực nông nghiệp chung. Thời tiết tương đối thuận lợi đối với hoạt động trồng rừng và khai thác rừng trồng trên cả nước, nhờ vậy tăng trưởng lĩnh vực lâm nghiệp khá cao, ước đạt 3,66% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất thủy sản trong quý I có nhiều biến động trong bối cảnh thị trường xuất khẩu giảm mạnh ở những tháng đầu năm. Nuôi trồng thủy sản tiếp tục được các cơ quan chức năng khuyến khích nuôi tôm chất lượng cao và đầu tư kỹ thuật vào sản xuất; mở rộng chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cá tra, tôm nước lợ. Hoạt động khai thác thủy sản được duy trì ổn định do thời tiết thuận lợi. Tăng trưởng lĩnh vực thủy sản quý I khoảng 2,68% so với cùng kỳ năm trước.

Về thương mại, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản 3 tháng đầu năm ước đạt 20,63 tỷ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4%; nhập khẩu ước đạt 9,44 tỷ USD, giảm 7,2%; xuất siêu 1,76 tỷ USD, giảm 39,6%.

Mặc dù tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng toàn ngành nông nghiệp đã chủ động, tích cực, sáng tạo trong công tác tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương; huy động các nguồn lực xã hội để quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn và đặt tăng trưởng toàn ngành quý I đạt khá cao 2,5% (cao hơn so với mức tăng quý I/2022).

“Bộ NN&PTNT xác định năm 2023 sẽ là một năm rất khó khăn: Lãi suất ngân hàng cao, room ngân hàng hạn chế, sức tiêu thụ của thị trường giảm, giá nguyên liệu đầu vào tăng… Do đó, phải coi đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và tiếp tục đổi mới, mở rộng tư duy, hành động nhanh, kết quả thật để khai thông thị trường là nhiệm vụ ưu tiên”, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.

"Càng khó khăn, thách thức càng đòi hỏi chúng ta càng phải “dốc hết sức” thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và tiếp tục đổi mới, mở rộng tư duy; hành động nhanh; kết quả thật để khai thông thị trường, tạo động lực tăng trưởng mới phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển ", ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Thứ trưởng Tiến cũng cho rằng hiện nay, hạ tầng nông nghiệp, hệ thống logistics còn yếu kém nên việc giải ngân đầu tư công là yếu tố quan trọng để đưa sản xuất nông nghiệp sang nền kinh tế nông nghiệp. Cùng với đó, cần tập trung hạn chế tối đa thủ tục hành chính, có các kế hoạch, mô hình sản xuất sáng tạo, phù hợp.

“Tổ chức sản xuất cần gắn với rải vụ để giảm giá thành sản xuất, đảm bảo nguồn cung nguyên liệu. Khoa học công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo là động lực để thay đổi bộ mặt sản xuất của ngành”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

>>>Xuất khẩu nông lâm thuỷ sản "tụt dốc"

Về mở rộng thị trường, Thứ trưởng Tiến lưu ý, cần xem xét thị trường nào tiềm năng để tập trung ưu tiên mở cửa, thông qua các tham tán nông nghiệp, các đại sứ, tổ chức các đoàn doanh nghiệp đi thăm cơ sở sản xuất, học hỏi kinh nghiệm nước ngoài.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết trong quý 2/2023, mục tiêu tăng trưởng giá trị gia tăng toàn ngành phấn đấu đạt 2,9 - 3,0%, với tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 14 tỷ USD.  

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định năm 2023 sẽ là một năm rất khó khăn

Bộ NN&PTNT xác định năm 2023 sẽ là một năm rất khó khăn.

Để hiện thực mục tiêu này với hy vọng phục hồi từ cuối quý II, Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng điều hành linh hoạt, giải pháp kịp thời tiếp tục là phương châm ngành nông nghiệp thực hiện trong thời gian tới để có thể phục hồi đà tăng trưởng của xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. "Đến tháng 3, đà sụt giảm đang được ngăn chặn, tạo đà tăng trưởng cho tháng tiếp theo. Theo nhận định của các hiệp hội ngành hàng, cuối quý II là thời điểm tăng tốc, vì vậy chúng ta phải có giải pháp trước mắt và lâu dài để đảm bảo mục tiêu", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ khẳng định tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước.

Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh, xuất khẩu lâm sản tháng 3 giảm, do vậy, thời gian tới cần tổ chức cuộc họp với các hiệp hội, các doanh nghiệp lớn tháo gỡ một số khó khăn, trong đó có vấn đề nguyên liệu.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý, năm 2023 sẽ diễn ra hạn hán ở miền Trung và Tây Nguyên, thiếu nước ở vùng Đồng bằng sông Hồng, tranh chấp mặn ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là những vấn đề lớn cần lưu ý trong công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng nhận định, trong lĩnh vực khoa học công nghệ, khi đặt đầu bài phải suy nghĩ sản phẩm tạo ra đặt vào thị trường nào, dự kiến bán được bao nhiêu. Giống đóng vai trò quan trọng trong chuỗi ngành hàng nông, lâm, thủy sản, nên cần chú trọng nâng cao chất lượng giống, đảm bảo hiệu quả. Cần đưa các giống năng suất cao, ví dụ như giống ngô, đậu tương để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu.

“Trong lĩnh vực chế biến, cần tăng cường hơn nữa sự tham gia của doanh nghiệp trong lĩnh vực này, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Về lĩnh vực xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các nghị định, thông tư phải giải quyết được các vấn đề trong cuộc sống, giải quyết được những nút thắt của kinh tế nông nghiệp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, các cơ quan phụ trách về vấn đề thị trường nông, lâm, thủy sản cần tăng cường vai trò đàm phán, kết nối, mở cửa thị trường, giải quyết tình trạng ách tắc tại cửa khẩu. Đây là lúc cải tiến toàn bộ công việc cho nhanh hơn, thông suốt hơn. Cần ý thức được trách nhiệm với người nông dân, trách nhiệm với từng ngành hàng. Khi thay đổi cách vận hành, hàng loạt vấn đề sẽ được giải quyết, tận dụng được thời cơ thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Quy định “làm khó” doanh nghiệp nông nghiệp vay vốn

    11:00, 31/03/2023

  • “Soán ngôi” Mỹ, Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam

    04:45, 01/03/2023

  • Xuất khẩu nông lâm thuỷ sản "tụt dốc"

    14:46, 29/03/2023

  • Xuất khẩu thủy sản: Kỳ vọng khởi sắc trong quý 2

    01:00, 23/03/2023

THY HẰNG