Xu hướng logistics xanh
Logistics xanh đang là xu hướng tất yếu, thậm chí là sự sống còn với doanh nghiệp.
>>Cải thiện năng lực ngành logistics để hút doanh nghiệp Hoa Kỳ
Bởi, không chỉ nhằm giảm thiểu các tác động về sinh thái của hoạt động logistics mà còn giúp các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh và tăng trưởng bền vững…
Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Hateco Hải Phòng là chủ đầu tư dự án xây dựng bến số 5,6 tại Lạch Huyện (Hải Phòng). Ngay từ khi có ý tưởng thực hiện, đơn vị này đã hướng đến mục tiêu xây dựng một cảng biển xanh, hiện đại tầm cỡ thế giới.
Từ cảng biển xanh
Theo ông Nguyễn Văn Tiến - TGĐ Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Hateco Hải Phòng, mô hình bến cảng của Tập đoàn Hateco là sẽ xây dựng một cảng container hiện đại nhất, lớn nhất Việt Nam và là một cảng thông minh, cảng xanh.
“Tại thời điểm này, chúng tôi đã sử dụng toàn bộ nhà thầu có kinh nghiệm. Về tư vấn, chúng tôi sử dụng tư vấn của Nhật Bản, về thiết kế chúng tôi sử dụng đơn vị thiết kế quốc tế và lựa chọn các máy móc thiết bị hiện đại. Tất cả các máy móc, thiết bị dùng ở cảng là các thiết bị thân thiện với môi trường, không có khí thải. Về công nghệ thông tin, chúng tôi lựa chọn một đơn vị của Mỹ, cung cấp phần mềm ứng dụng, quản lý cảng hiện đại nhất thế giới. Có thể nói, tất cả đồng bộ về xây dựng, thiết bị, phần mềm để làm sao khi bến số 5, 6 cảng Lạch Huyện đi vào hoạt động sẽ là cảng đầu tiên ứng dụng công nghệ thông tin và là cảng đầu tiên ứng dụng về tự động tại Việt Nam” – ông Tiến khẳng định.
Trước đây, Tân Cảng – Cát Lái tại TP. Hồ Chí Minh là cảng đầu tiên đạt danh hiệu Cảng xanh của Hội đồng Mạng lưới dịch vụ cảng APEC. Đây cũng là cảng biển lớn và hiện đại nhất Việt Nam, đồng thời đứng trong TOP 21 cảng container lớn và hiện đại nhất thế giới với quy mô 160 ha bãi, 2.040m cầu tàu, thiết bị xếp dỡ và công nghệ quản lý tiên tiến. Kinh nghiệm xanh hóa cảng biển của đơn vị này là tiết kiệm nguồn tài nguyên; chất lượng môi trường cảng; sử dụng năng lượng sạch tại cảng, xử lý chất thải tại cảng, ứng dụng công nghệ 4.0,…
Với Hải Phòng, việc xanh hóa cảng biển đã được thành phố quan tâm từ nhiều năm nay. Hải Phòng đã tập trung đầu tư, nâng cấp hạ tầng cảng biển theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển vận tải biển khu vực và quốc tế; hệ thống giao thông kết nối được cải thiện, đồng bộ hơn. Đặc biệt, địa phương này đang triển khai xây dựng dự án bến cảng số 3, 4, 5, 6 tại Lạch Huyện nhằm nâng cao hiệu quả khai thác cảng và khả năng cạnh tranh với các cảng quốc tế trong khu vực. Việc xây dựng các bến cảng này đều hướng đến mục tiêu phát triển thành các cảng xanh, thông minh và hiện đại.
Ông Lê Quang Trung - Phó TGĐ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cho biết, Cảng Hải Phòng là một đơn vị của Tổng công ty Hàng hải nói riêng cũng như các doanh nghiệp khác đang đẩy mạnh trong vấn đề hoàn thiện quy trình công nghệ, đổi mới trang thiết bị và xây dựng các giải pháp để tiết giảm các chi phí. Đồng thời, hợp lý hoá trong quá trình sản xuất để tham gia và quy trình xây dựng một quy trình về logistics xanh theo đúng định hướng của Đảng, Chính phủ.
>>Dòng vốn lớn đổ vào logistics và bất động sản công nghiệp
>>“Vốn mồi” cho logistics Quảng Ninh
>>Định vị lại bản đồ logistics Việt Nam bằng công nghệ
Đến “xanh” nhận thức
Một trong những khó khăn và cũng là yêu cầu hiện nay đối với các doanh nghiệp logistics của Việt Nam, đó là phải có nhận thức và đổi mới trong vấn đề về xu hướng xanh hóa đang diễn ra trong hoạt động thương mại và hoạt động kinh tế, tức là lồng ghép các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong các hoạt động kinh tế, thương mại trong hoạt động logistics. Điều này đồng nghĩa sẽ phải tăng thêm những tiêu chuẩn cao hơn cho hàng hóa, hoạt động kinh doanh... đồng thời, việc đáp ứng các tiêu chuẩn này sẽ khiến chi phí gia tăng và các doanh nghiệp logistics sẽ không đứng ngoài cuộc chơi này.
Ông Đinh Hữu Thạnh - Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty CP Giao nhận vận tải Con Ong (Bee Logistics) cho rằng: “Các biện pháp cụ thể để phát triển logistics xanh ở mỗi doanh nghiệp còn một quãng đường khá dài để chúng ta có thể biến nó thành hiện thực. Nhưng khi các doanh nghiệp, nhất là các chủ doanh nghiệp đã thay đổi nhận thức thì tôi nghĩ việc ứng dụng logistics xanh nó tác động trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của từng doanh nghiệp cũng như sự phát triển bền vững của mỗi một doanh nghiệp trong công cuộc phát triển kinh doanh của doanh nghiệp và đóng góp vào nền kinh tế”.
Để xanh hóa ngành logistics, theo nhiều chuyên gia, vai trò của Nhà nước là then chốt. Bởi, ngoài những mục tiêu, chính sách vĩ mô thì nhà nước cần tạo cơ chế thiết thực hơn để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ, hạ tầng,…trong quá trình xanh hóa ngành này. Theo một chuyên gia về lĩnh vực vận tải thì đường thủy nội địa là giải pháp “xanh hóa” rất hiệu quả cho vận tải, là một trong những yếu tố thúc đẩy và giảm tải cho đường bộ ùn tắc như hiện nay. Thế nhưng, để phát huy được vai trò của vận tải đường thủy nội địa cần có sự “ra tay” đắc lực của chính quyền các địa phương, Bộ GTVT…
Để song hành cùng doanh nghiệp phát triển logistics xanh, ông Nguyễn Duy Minh - Tổng thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam cho biết: “Chúng tôi sẽ có một đề xuất tổng thể về những sự hỗ trợ về chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng về logistics xanh,...”.
Logistics xanh trở thành một trong những mối quan tâm của Chính phủ trong việc đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh hoá, phát triển ngành logistics thân thiện với môi trường. |
Có thể bạn quan tâm
Cải thiện năng lực ngành logistics để hút doanh nghiệp Hoa Kỳ
11:00, 29/03/2023
FIATA HQ 2023: Doanh nghiệp logistics vượt qua biến động
04:00, 21/03/2023
“Cú hích” Logistics trên các chặng bay nội địa
09:33, 20/03/2023
Dòng vốn lớn đổ vào logistics và bất động sản công nghiệp
03:00, 17/03/2023
Quảng Ninh: Sẵn sàng cho nguồn lực logistics chất lượng cao
08:39, 14/03/2023