Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp "xanh" vùng Tây Nguyên
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị gợi mở một số định hướng, giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên, chú trọng kinh tế tuần hoàn.
>>>Du lịch Đắk Lắk đạt mục tiêu từ lễ hội cà phê
Tại Hội thảo “Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Ban Chỉ đạo chọn Tây Nguyên là Vùng đầu tiên trên cả nước để tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, bởi Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.
“Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết.
Do đó, phát triển vùng Tây Nguyên phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược quốc gia về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm; chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, dựa trên ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số. Chú trọng bảo vệ, khôi phục, phát triển rừng, nâng cao đời sống, sinh kế của người dân gắn với rừng. Tây Nguyên là vùng có diện tích rừng lớn thứ hai cả nước, có tiềm năng lớn về phát triển tài nguyên rừng và nhiều lợi thế về phát triển kinh tế, phát triển lâm nghiệp. Rừng Tây Nguyên có ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế - xã hội của các dân tộc thiểu số, có vị trí quan trọng về an ninh chính trị, môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước, điều tiết khí hậu cho Vùng.
Dẫn lời Bác Hồ đã nói đất nước ta “rừng vàng, biển bạc”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; coi đây là một lĩnh vực quan trọng, đa mục tiêu, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa là dư địa để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù có nhiều Nghị quyết, Chỉ thị nhưng chủ trương, chính sách về phát triển rừng vẫn chưa thực sự đem lại cuộc sống ấm no cho người dân, chưa trở thành động lực để phát triển kinh tế - xã hội ở những địa phương có quỹ đất rừng lớn. Địa phương có nhiều rừng, người dân ở khu vực có rừng còn gặp rất nhiều khó khăn trong thu ngân sách. Nhiều ý kiến cho rằng, với hiện trạng như hiện nay thì rừng đang là gánh nặng cho địa phương và cho người dân.
Năm 2017, Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 13 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Trung ương cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế- xã hội; các Nghị quyết về định hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng trên cả nước, trong đó chú trọng tới công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là các Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao"; Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5, khoá XIII, ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2030, tầm nhìn 2045; Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trung ương đã đề ra mục tiêu giai đoạn 2030, tầm nhìn 2045 “tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%, nâng cao năng suất, chất lượng rừng”, riêng vùng Tây Nguyên đến năm 2030 tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 47%; đến năm 2045, trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước. Hệ sinh thái rừng được bảo tồn và phát triển; hình thành một số khu du lịch chất lượng cao, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau, hoa và trung tâm năng lượng”.
>>>Đắk Lắk: Doanh nghiệp cà phê tìm kiếm nhà đầu tư quốc tế
Với những lợi thế và tiềm năng sẵn có, cùng với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, nhất là của Nhân dân Tây Nguyên, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh tin tưởng những mục tiêu này chắc chắn đạt được.
Để đánh giá thực trạng, trao đổi những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là những nhiệm vụ giải pháp đột phá tạo động lực để phát triển bền vững rừng trong giai đoạn tới, phục vụ công tác sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Thảo luận về những nhiệm vụ, giải pháp trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên trong bối cảnh mới, phục vụ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận một số khía cạnh chủ yếu. Thứ nhất, về chính sách, pháp luật đất đai hiện hành. Tập trung đánh giá chính sách, pháp luật đất đai hiện hành về quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp và những định hướng sửa đổi, bổ sung hoàn thiện.
Thứ hai, phân tích, đánh giá một số cơ chế, chính sách tạo động lực thúc đẩy, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chú trọng phân tích, đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp đột phá về: Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và giải pháp phát triển bền vững dịch vụ môi trường rừng trong thời gian tới; hoàn thiện cơ chế, chính sách cho thị trường tín chỉ cac-bon ở Việt Nam.
Thứ ba, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, khả thi trong công tác bảo đảm an sinh đối với người dân khu vực có rừng, nhất là bảo đảm quyền sinh kế cho đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ theo tinh thần Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 13 của Ban Bí thư.
Thứ tư, tập trung thảo luận, đánh giá các tiềm năng Tây nguyên để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; kinh nghiệm của các địa phương Tây nguyên trong chuyển đổi kép xanh và công nghệ số ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, kinh nghiệm tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 13.
Thứ năm, thảo luận, gợi mở một số định hướng, giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên. Chú trọng tới các nội dung về: Kinh tế tuần hoàn trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và sự phát triển bền vững cho Tây Nguyên; sản xuất, canh tác nông nghiệp hữu cơ theo phương thức phát triển của hệ sinh thái rừng…
Trong quá trình tham luận, thảo luận và phát biểu ý kiến đóng góp, Trưởng Ban Trần Tuấn Anh đề nghị tập trung vào những nội dung trọng tâm nêu trên, đồng thời bám sát vào những nội dung cơ bản đã được nêu tại Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 13 của Ban Bí thư để làm sâu sắc hơn những đánh giá, nhận định về thực tiễn về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thời gian qua.
Có thể bạn quan tâm
Đắk Lắk – Đắk Nông: Ghi nhận sạt lở sông Krông Nô do khai thác cát quá mức
22:09, 21/03/2023
Du lịch Đắk Lắk đạt mục tiêu từ lễ hội cà phê
02:00, 16/03/2023
Đắk Lắk: Doanh nghiệp cà phê tìm kiếm nhà đầu tư quốc tế
05:30, 12/03/2023
Đắk Lắk khai mạc lễ hội cà phê lần thứ 8
09:00, 11/03/2023