Khởi động Meeting with PM 2023 với chủ đề khả năng chống chịu và phục hồi của nền kinh tế
Meeting with PM 2023 vừa được khởi động với chủ đề “Resilient Economy” - khả năng chống chịu và phục hồi của nền kinh tế, mang đến những góc nhìn về thách thức, cơ hội trong bối cảnh mới.
>>Tiếp tục hỗ trợ phục hồi kinh tế
Khoa Kinh tế Chính trị trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội vừa tổ chức phát động cuộc thi Meeting with PM (MPM) 2023. Đây là một sân chơi chuyên nghiệp trong lĩnh vực Kinh tế Chính trị dành cho sinh viên Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội và sinh viên các trường đại học, các trường THPT khác trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Chủ đề của cuộc thi năm nay là “Resilient Economy” - tính kiên cường, là khả năng chống chịu và sự phục hồi của nền kinh tế. Đây chủ đề có tính chất thời sự, khi nền kinh tế đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức và cả cơ hội đan xen lẫn nhau.
Trước các tác động tiêu cực từ những biến động kinh tế thế giới, chủ đề xuyên suốt của cuộc thi Meeting with PM 2023 tập trung vào nội dung hoàn thiện hệ thống chính sách phòng vệ, bảo vệ doanh nghiệp và thị trường trong nước, đồng thời nâng cao sức chống chịu, khả năng thích ứng và phục hồi của nền kinh tế trước những khó khăn, thách thức của bối cảnh thế giới.
Chia sẻ tại lễ phát động, PGS.TS Trần Đức Hiệp, Trưởng Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, tham gia cuộc thi, các bạn thí sinh đóng vai trò là người quan sát những diễn biến thực tế đang diễn ra trong nền kinh tế Việt Nam và thế giới, tìm hiểu về các minh chứng thực tiễn thông qua hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, nghiên cứu về các chính sách kinh tế - xã hội trong mối tương quan với việc theo đuổi các mục tiêu kinh tế - chính trị - xã hội và giải quyết các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn.
“Từ đó, các thí sinh đề xuất các giải pháp, kiến nghị liên quan đến chính sách nhằm hỗ trợ, giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp, phát huy hiệu quả của các chính sách, giữ gìn sự ổn định, hài hoà và thúc đẩy sự phát triển của mỗi doanh nghiệp, tổ chức nói riêng và cả nền kinh tế nói chung” - PGS.TS Trần Đức Hiệp nhấn mạnh.
>>Lo ngại kinh tế Mỹ suy yếu, vàng tăng dựng đứng
Chia sẻ ngoài lề cùng DĐDN, PGS.TS. Tô Thế Nguyên, Phó Trưởng Khoa Kinh tế Chính trị cũng cho biết, trong bối cảnh hiện nay, trong ngắn hạn, 2023 là được xem là năm hậu COVID - 19, nền kinh tế bị tác động mạnh mẽ đang cần một thời gian lấy đà để phục hồi.
Bối cảnh khó khăn hiện nay đã được thể hiện rõ như xuất nhập khẩu chững lại, giao thương hàng hóa bị chậm lại, sản xuất ngừng trệ, tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến sẽ chậm lại ở mức 6,3% vào năm 2023. Bên cạnh đó là những tác động khác từ sự thay đổi của địa chính trị, hay sau một năm diễn ra xung đột giữa Nga và Ukraine đã làm sứt mẻ sự thịnh vượng của thế giới.
Theo vị chuyên gia, giải pháp điều hành ngay lúc này trong ngắn hạn quan trọng nhất vẫn là làm khỏe các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, như một "cơ thể khỏe mạnh". Hiện Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ như về lãi suất, ưu đãi về vốn. Nhưng ở thời điểm hiện tại, các chính sách cần đi vào thực tiễn nhiều hơn.
"Giống như một người bệnh phải uống đúng thuốc của mình, mỗi doanh nghiệp đang đối mặt với một khó khăn khác nhau, phải nhắm đúng đối tượng để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm này. Nhưng chính bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải tìm cách để tự bảo vệ chính mình" - vị chuyên gia chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm