Việt Nam và cam kết chuyển đổi nền nông nghiệp phù hợp với xu thế mới
Từ một nước nhập khẩu lương thực, Việt Nam đã đạt được những thành tựu lớn về sản xuất nông nghiệp, và nông nghiệp trở thành “bệ đỡ” của nền kinh tế trước biến động khó lường của kinh tế toàn cầu.
Hiện nay, nhìn nhận rõ những lợi thế phát triển nông nghiệp, Việt Nam đang triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo phát triển bền vững; gần đây nhất Chính Phủ Việt Nam đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia, chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững đến năm 2030, đây là thông điệp rõ ràng khẳng định cam kết của Việt Nam về phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững ở Việt Nam.
>>> Thúc đẩy phát triển nông nghiệp đại điền
Ông Đào Thế Anh, Viện phó Viện Khoa học nông nghiệp, Bộ NN&PTNT chia sẻ: “Về sản xuất, Việt Nam định hướng chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái và giảm phát thải hiệu ứng nhà kính để nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng nhưng không làm tổn hại đến môi trường, đảm bảo sức khỏe, đa dạng sinh học cũng như sử dụng tiết kiệm nước tốt hơn”.
Về mặt tiêu dùng, ông Đào Thế Anh cũng chia sẻ đây là một vấn đề rất quan trọng khi hiện nay Việt Nam xuất khẩu khá nhiều về lương thực hàng năm nhưng tỉ lệ suy dinh dưỡng vẫn là cao ở trẻ em.
Vấn đề này, Viện phó Viện Khoa học nông nghiệp cho rằng phải thay đổi hệ thống sản xuất và thúc đẩy truyền thông đào tạo về thành phần dinh dưỡng, chế độ ăn uống lành mạnh và có thể tiết giảm những lãng phí thực phẩm trong khâu phân phối cũng như khâu tiêu dùng.
Mặc dù những năm qua phải gánh chịu thời tiết bất thường, thiên tai, dịch bệnh… nhưng nhờ đẩy mạnh áp dụng khoa học – kỹ thuật, tái cơ cấu sản xuất, ngăn ngừa kiểm soát dịch bệnh nên ngành Nông nghiệp vẫn vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện tốt “mục tiêu kép” là vừa phát triển ngành, vừa phòng, chống hiệu quả dịch bệnh. Trong đó vai trò của doanh nghiệp không thể không nhắc tới.
Đặc biệt giai đoạn hậu dịch COVID-19, với năng lực tốt về cung, cùng với quá trình mở cửa hội nhập sâu rộng, Việt Nam và các doanh nghiệp đã từng bước khẳng định vị trí trên thị trường toàn cầu.
>>> Mô hình nông nghiệp tương lai
Trong đó, phải kể đến vai trò và những nỗ lực của các doanh nghiệp. Là doanh nghiệp đã xuất khẩu 30.000 tấn gạo sang thị trường EU, năm 2023 Tập đoàn Lộc Trời dự kiến tăng gấp 3-4 lần sản lượng xuất khẩu năm 2022. Để hướng đến phát triển bền vững, góp phần thiết thực cùng với ngành nông nghiệp Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính từ canh tác lúa carbon thấp, góp phần giữ cho môi trường nông thôn xanh sạch, đại diện Lộc Trời cho biết hiện đang xây dựng một hệ thống có thể truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo được giảm phát thải.
Ông Nguyễn Duy Thuận – Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ: Tập đoàn chúng tôi đang tổ chức sản xuất tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Tới thời điểm này gần như tất cả nguồn xuất khẩu gạo trên thế giới đều đến với Đồng bằng Sông Cửu Long. Trong vụ đông xuân vừa rồi, Lộc Trời đã kí với 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang để tổ chức sản xuất trên 110.000 ha ở An Giang và 100.000ha ở Kiên Giang. “Nếu như so với tiến độ này thì một năm sẽ cung cấp ra thị trường khoảng từ 6-9 triệu tấn gạo và đảm bảo được nguồn cung. Chúng tôi cũng đang tiến hành việc đảm bảo truy xuất nguồn gốc với hai sản phẩm gạo tại đây”, ông Nguyễn Duy Thuận tự tin cho hay.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để triển khai kế hoạch hành động quốc gia đến năm 2030 cũng như thúc đẩy triển khai Cam kết phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 và 2 cam kết khác có liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp: tham gia sáng kiến giảm rác thải khí metan toàn cầu và thực hiện tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các quy trình tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản xuất, chế biến và tiêu dùng lương thực, thực phẩm theo hướng minh bạch trách nhiệm và bền vững, hướng đến nền nông nghiệp xanh.
>>> Nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho Hợp tác xã nông nghiệp
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng chia sẻ: Việt Nam đã có chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững, có NQ19 về nông nghiệp nông dân nông thôn. Chúng ta cần cụ thể hóa bằng chương trình hành động cho từng lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp… Cần đưa những khái niệm mới, tư duy mới vào từng cái phân ngành của ngành nông nghiệp.
Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ngành nông nghiệp phải được đặt trong bối cảnh của một hệ thống khác như y tế, giáo dục, công thương, v.v,… nó phải trở thành một hệ thống.
Để hiện thực hóa chiến lược phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp nông thôn bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai kế hoạch hành động cùng với Chính phủ. Trong đó cũng đề cập tới xu thế Việt Nam sẽ trở thành trung tâm chuyển đổi về hệ thống lương thực, thực phẩm của khu vực.
“Đây sẽ là những nền tảng để chúng ta hợp tác với những tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, các định chế tài chính để cùng với Việt Nam chuyển đổi nền nông nghiệp phù hợp với xu thế mới”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp nhấn mạnh.
Mới đây, tại Hội nghị toàn cầu lần thứ 4, hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững diễn ra tại Hà Nội, nhiều tổ chức quốc tế cho rằng Việt Nam đang làm tốt vai trò thúc đẩy trong chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm.
Tuy nhiên quá trình phát triển sản xuất này cũng kéo theo hệ lụy về suy thoái môi trường. Do vậy việc chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm đóng vai trò rất quan trọng trong nỗ lực đạt được tất cả 17 mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 của Liên Hợp Quốc, với những cam kết được đưa ra và những kế hoạch sắp được triển khai cùng với kết quả của hội nghị toàn cầu lần thứ 4, Việt Nam càng thể hiện rõ vai trò thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm
Nông nghiệp ứng dụng KHCN nâng cao NCSL và phát triển bền vững
17:59, 06/05/2023
Khởi nghiệp thành công từ mô hình sản phẩm nông nghiệp trồng rau mầm
01:28, 05/05/2023
Thủ tướng “thúc” giải pháp miễn, giảm, hoãn thuế cho doanh nghiệp nông nghiệp
11:00, 03/05/2023
Kinh doanh bằng tâm, nông nghiệp trả công
02:00, 26/04/2023