Đồng Tháp: Giải “cơn khát” cát xây dựng
Việc có thêm nguồn cung từ các mỏ khoáng sản và chuẩn bị đấu giá, được kỳ vọng sẽ góp phần hạ nhiệt “cơn khát” cát đắp nền cho các dự án cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long.
>>Khan hiếm cát xây dựng ở ĐBSCL - Bài 2: “Căng mình” giải bài toán cát cho cao tốc
Kỳ vọng hạ nhiệt “cơn khát” cát xây dựng…
Cụ thể, mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Đồng Tháp chính thức bán hồ sơ đấu giá quyền khai thác khoáng sản 2 mỏ cát làm vật liệu xây dựng thông thường trên sông Tiền, sông Hậu với tổng trữ lượng gần 2,2 triệu m3. Và phương án đấu giá các mỏ trên đã được UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt vào đầu tháng 3/2023, dự diến đấu giá trong tháng 7 tới đây.
Theo đại diện Sở TNMT Đồng Tháp, mỏ cát trên sông Tiền thuộc xã An Nhơn thuộc khu vực chưa được thăm dò, đánh giá trữ lượng và chưa cấp phép cho tổ chức, cá nhân nào hoạt động khoáng sản. Khu mỏ này có diện tích 12,19 ha, mức sâu dự kiến khai thác -17m theo Hệ cao độ quốc gia với trữ lượng dự báo khoảng 475.410 m3.
Tương tự, mỏ cát trên sông Hậu thuộc xã Định Yên cũng thuộc khu vực chưa được thăm dò, đánh giá trữ lượng và cũng chưa từng được cấp phép hoạt động khoáng sản. Được đánh giá là tiềm năng hơn, mỏ này có diện tích khu mỏ lên tới 27,28 ha, mức sâu dự kiến khai thác -17m với trữ lượng dự báo hơn 1,7 triệu m3.
Theo thông báo đấu giá thì, giá khởi điểm tạm tính của mỏ cát trên sông Tiền thuộc xã An Nhơn là hơn 4,813 tỷ đồng. Còn giá khởi điểm tạm tính của Mỏ cát trên sông Hậu thuộc xã Định Yên là hơn 17,401 tỷ đồng. Các mức giá khởi điểm này chưa bao gồm chi phí thăm dò, đánh giá trữ lượng; chi phí lập hồ sơ khai thác mỏ sau khi trúng đấu giá; các loại thuế, phí, lệ phí… Cùng với đó, mức tiền đặt trước để đấu giá 2 mỏ cát này lần lượt là 962,705 triệu đồng và 3,480 tỷ đồng. Cuộc đấu giá sẽ diễn ra ngày 7/7 tới đây theo hình thức bỏ phiếu trực tiếp, phương thức trả giá lên theo bước giá đã được Sở TNMT tỉnh Đồng Tháp thông báo.
Đáng chú ý, chia sẻ với PV Diễn đàn Doanh nghiệp, một số nhà thầu đều có nhận định: việc có thêm mỏ cát và được đấu giá, cấp phép khai thác ở Đồng Tháp và các địa phương khác tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hy vọng sẽ làm dịu bớt phần nào tình trạng khan hiếm cát đắp nền cho các công trình xây dựng trọng điểm tại địa phương, đặc biệt là nhóm dự án cao tốc và hàng loạt các công trình giao thông tại khu vực. Tuy nhiên, hiện nhu cầu loại vật liệu này đang phục vụ cho các công trình trọng điểm của địa phương là rất lớn, và “cơn khát” vật liệu đắp nền sẽ gay gắt hơn trong thời gian tới khi 2 dự án cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng và Cao Lãnh- An Hữu khởi công vào cuối tháng 6/2023 tới.
>>Mỏ cát 2.812 tỷ đồng: Sốc nhưng nên cảm ơn công ty trúng thầu?
… nhưng lo ngại thủ tục kéo dài
Còn theo thống kê của địa phương, qua rà soát, nhu cầu cung ứng cát năm 2023 của tỉnh Đồng Tháp là 19,9 triệu m3 cát san lấp. Trong khi đó, Đồng Tháp đã cấp 13 giấy phép khai thác khoáng sản để phục vụ các công trình. Song, điều đáng lo ngại là “toàn bộ giấy phép khai thác khoáng sản vừa nêu sẽ hết thời hạn vào cuối tháng 6/2023”. Tổng trữ lượng được phép khai thác trong năm 2023 đối với các giấy phép được cấp nêu trên là 819.617m3. Hiện, Đồng Tháp đang đẩy nhanh tiến độ triển khai thủ tục đấu giá nhiều khu mỏ để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, lo ngại về thủ tục đấu giá kéo dài, mất nhiều thời gian và dự kiến Quý III năm nay mới có thể hoàn thành đấu giá một số mỏ để đưa vào khai thác.
Theo Sở TNMT Đồng Tháp, khả năng cung ứng cát cho các công trình của Trung ương là 7,4 triệu m3. Cụ thể, riêng cung ứng cát cho 2 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, Mỹ An – Cao Lãnh khoảng 5,51 triệu m3. Cung ứng cát cho cao tốc Bắc- Nam, Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng khoảng hơn 1,891 triệu m3.
Liên quan tới những áp lực về nguồn cát phục vụ cho các dự án, đặc biệt là thủ tục cấp mỏ cát, ông Hồ Thanh Phương - Giám đốc Sở TNMT tỉnh Đồng Tháp cho biết: Việc khai thác cát trên đia bàn hiện tại khá khó khăn. Chưa kể, theo quy định, hoạt động khoáng sản phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch khoáng sản, phương án bảo vệ, thăm dò khai thác và sử dụng khoáng sản trong quy hoạch tỉnh; phương án bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, bảo đảm quốc phòng, an ninh,… Tuy nhiên, hiện nay, Đồng Tháp mới đang trong giai đoạn lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Do đó, trong giai đoạn chuyển tiếp, tỉnh Đồng Tháp đang thực hiện theo Quy hoạch khoáng sản được phê duyệt năm 2015. Theo Quy hoạch đã được phê duyệt thì trữ lượng được phép đưa vào khai thác đến thời điểm hiện tại đã sắp hết.
Cũng theo ông Phương, bên cạnh đó, trong những năm qua lượng cát từ thượng nguồn đổ về rất ít, không đủ bổ cập cho lượng cát được khai thác đi, làm cho đáy sông ngày càng sâu thêm, nguy cơ sạt lở trong thời gian tới là rất lớn.
"Ngoài 2 mỏ đang đấu giá, theo tinh thần chỉ đạo của Chính Phủ, tỉnh Đồng Tháp đang ra soát nghiên cứu thêm 2 mỏ nữa để đấu giá cấp quyền khai thác cát đắp nền cho các dự án cao tốc theo cơ chế đặc thù, song đây cũng là một áp lực rất lớn cho địa phương", ông Phương cho biết thêm.
Có thể bạn quan tâm
Khan hiếm cát xây dựng ở ĐBSCL - Bài 2: “Căng mình” giải bài toán cát cho cao tốc
00:30, 19/09/2022
Gỡ điểm nghẽn cơ chế để Đồng bằng Sông Cửu Long "cất cánh"
14:50, 02/06/2023
Nới chính sách visa để du lịch Việt Nam "cất cánh"
03:00, 29/05/2023
Cần cắt giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp
01:30, 18/05/2023
"Cát tặc" lộng hành trên sông La Ngà tỉnh Bình Thuận
00:54, 29/09/2022
Cát tặc lộng hành trên sông Sài Gòn
01:03, 13/08/2022
"Cát tặc" sông La
00:30, 25/03/2022
Thiệu Hóa (Thanh Hóa): Nạn “cát tặc” hoành hành trở lại
10:58, 16/07/2021