Cơ chế đặc thù chuyển dịch năng lượng

NGUYỄN VIỆT thực hiện 08/06/2023 02:19

Chúng ta cần có những cơ chế chính sách đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chuyển dịch năng lượng, đặc biệt là năng lượng xanh.

>>Điện thiếu và chính sách cho năng lượng tái tạo

Chia sẻ với DĐDN, TS Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, việc chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam trong thời gian tới cần số vốn rất lớn nên phải huy động được sức mạnh từ các nguồn lực.

- Theo ước tính, Việt Nam cần khoảng 86 tỷ USD đến năm 2030 và 370 tỷ USD cho lộ trình chuyển dịch năng lượng đến năm 2050. Ông có thể phân tích rõ những thách thức lớn đối với việc triển khai lộ trình này?

Tài chính là thách thức đầu tiên cần phải xem xét, vì đòi hỏi một nguồn vốn lớn. Tôi đã có đề xuất với Chính phủ cần tập trung để đưa ra các cơ chế, chính sách đặc thù. Ngay với Quy hoạch điện VIII vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng cần phải tập trung xác định nguồn vốn huy động từ tư nhân và các thành phần kinh tế trong nước, thậm chí cả từ nước ngoài.

Đặc biệt, hiện nay đang có nhiều cơ chế tài chính quốc tế có thể huy động. Ví dụ, cơ chế tài chính quốc tế JETP (quan hệ đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng). Đây là cơ chế tài chính mà Việt Nam cũng tham gia cùng với một số nước, như Indonesia, Nam Phi.

Tuy nhiên, để huy động được nguồn lực hay tiền từ những tổ chức tài chính quốc tế cũng vô cùng khó khăn. Đơn cử, liên quan nội lực hoá, đảm bảo an ninh chủ quyền như thế nào? An ninh quốc phòng ra sao trong quá trình vay tín dụng từ các tổ chức quốc tế?

Về công nghệ, phần lớn công nghệ hiện nay của Việt Nam phụ thuộc vào nước ngoài. Năng lượng tái tạo gần như bị phụ thuộc 100%, kể cả điện gió hay điện mặt trời. Việc phụ thuộc này sẽ dẫn đến hệ luỵ gì, đặc biệt về vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng?

Về quản trị, quản lý nhà nước trước bài toán chuyển dịch năng lượng, bao gồm thể chế, pháp luật như Luật Điện lực, pháp luật về năng lượng tái tạo hay luật về sử dụng tiết kiệm và hiệu quả thời gian tới cần xem xét để sửa đổi cho phù hợp. Chúng ta phải tổ chức hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước để bảo đảm năng lực cũng như có đủ thẩm quyền thực hiện các nhiệm vụ.

Về vấn đề nhân lực. Chuyển dịch năng lượng phải tính đến bài toán nhân lực để đáp ứng, ví dụ những ngành kinh tế mới nổi như năng lượng tái tạo hiện nay. Việc đào tạo, phát triển nhân lực phải có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ. Nhân lực phải tiếp cận được thị trường thế giới, thậm chí khi hội nhập còn cạnh tranh với các nước khác.

Đây là 4 thách thức đặt ra với chuyển dịch năng lượng. Hiện nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đang tiến hành giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021. Đoàn giám sát cũng xem xét để thời gian tới có kiến nghị, đề xuất giải pháp cụ thể đối với Chính phủ.

 Dự án điện gió Bạc Liêu. Ảnh: Quốc Tuấn

Dự án điện gió Bạc Liêu. Ảnh: Quốc Tuấn

>>Tháo gỡ rào cản để năng lượng tái tạo hút vốn đầu tư

>>Phát triển năng lượng tái tạo: Chìa khóa để thành công

- Để thúc đẩy tín dụng xanh, các chuyên gia kiến nghị Chính phủ nhanh chóng ban hành Danh mục phân loại xanh để có cơ sở định hướng, quản lý, khuyến khích phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, thưa ông?

Thời gian tới yêu cầu phải có những sản phẩm xanh, ví dụ chứng nhận yêu cầu về mặt carbon. Các doanh nghiệp FDI hiện nay tiếp cận rất nhanh nhạy, doanh nghiệp trong nước phải có cách tiếp cận, để có sản phẩm hàng hoá dịch vụ như thế nào để phù hợp?

Hiện nay Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cũng đã có một số quy định. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình và yêu cầu mới, các văn bản cần phải tiếp tục được rà soát, hoàn thiện, làm sao đáp ứng được yêu cầu phát triển thị trường về tín dụng xanh, trái phiếu xanh. Phải làm sao để các ngân hàng thương mại tham gia vào quá trình đó và thị trường phải đảm bảo đúng nghĩa, thực chất.

- Giới chuyên gia cho rằng, muốn khơi thông dòng vốn cho năng lượng xanh, chính sách cần nhất quán và ổn định, thưa ông?

Đúng như vậy. Khi nhà nước ban hành một chính sách thì phải có tính dự báo và bảo đảm được tính ổn định. Ví dụ, các nhà đầu tư trong thời gian vừa qua đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, nhưng trong quyết định của Thủ tướng đã có quy định thời hạn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn hy vọng và chờ đợi có sự thay đổi.

Vấn đề này đối với một số nước cũng “mắc phải”. Đơn cử, chính sách giá FIT với điện mặt trời tại Đức cũng có tình trạng như tại Việt Nam. Tất nhiên, các chính sách về giá hay ưu đãi thì chỉ có thời hạn, thời gian thường rất ngắn. Nhưng các vấn đề này cũng cần phải có nghiên cứu, rút kinh nghiệm để làm sao cho nhà đầu tư cảm thấy yên tâm. Ở góc độ nhà nước cũng phải có sự bảo đảm cho nhà đầu tư.

- Thưa ông, một số doanh nghiệp tư nhân đang đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo cho biết, trong các hợp đồng mua bán điện hiện nay thường không có điều khoản nào bảo vệ các nhà đầu tư?

Liên quan đến chính sách giá điện hay thị trường năng lượng nói chung, thảo luận tại hội trường Quốc hội cũng đã có một số đại biểu Quốc hội nhận định, đây là vấn đề cấp bách. Nhất là liên quan đến chính sách giá điện cần phải nghiên cứu đảm bảo phù hợp để thị trường năng lượng phát triển.

Trong báo cáo giải trình của Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng có nói. Nhưng vấn đề này cần phải tiếp tục nghiên cứu, trong đó bao gồm cả hợp đồng mua bán điện.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Điện thiếu và chính sách cho năng lượng tái tạo

    05:00, 26/05/2023

  • Năng lượng xanh - điểm cộng trong hội nhập

    09:39, 24/05/2023

  • Tháo gỡ rào cản để năng lượng tái tạo hút vốn đầu tư

    23:59, 23/05/2023

  • Phát triển năng lượng xanh: Hài hoà lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước

    00:35, 21/05/2023

  • Phát triển năng lượng tái tạo: Chìa khóa để thành công

    01:01, 19/05/2023

NGUYỄN VIỆT thực hiện