Xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam có thể tiếp tục giảm trong quý 3/2023
Thay vì phục hồi từ quý 2 như những dự báo trước đây, nhiều dự báo cho rằng nhu cầu thủy sản của các thị trường có thể sẽ còn tiếp tục giảm trong quý 3/2023.
Đó là chia sẻ của Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) – bà Nguyễn Thị Thu Sắc khi kêu gọi sự nỗ lực, đoàn kết từ các doanh nghiệp, sự chỉ đạo sát sao từ Chính phủ và Bộ NN&PTNT để giúp ngành vượt qua khó khăn, giữ vững vị trí trên thị trường quốc tế.
>>> Xuất khẩu thủy sản: Kỳ vọng khởi sắc trong quý 2
5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt hơn 3,2 tỷ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước và giảm sâu từ 10 -50% tại các thị trường chính. Trong đó, theo VASEP: hàng thủy sản xuất sang Mỹ giảm hơn 50% về trị giá, EU giảm gần 32% và Trung Quốc giảm hơn 25%. Các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chính đều giảm 2 con số, bao gồm tôm giảm gần 36%, cá tra giảm gần 40% và cá ngừ giảm hơn 30%.
Đại diện Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá: VASEP là tổ chức đại diện cho gần 200 hội viên là các doanh nghiệp đứng đầu về chế biến, xuất khẩu thủy sản tại Việt Nam, đóng góp hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Ông cũng đề nghị VASEP tiếp tục hoàn thành tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và Chính phủ, cộng đồng ngư dân và các thị trường quốc tế. Từ đó, góp phần tiếp tục đưa thủy sản Việt Nam ra quốc tế, giữ vị thế là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về cung cấp thủy sản. Thứ trưởng cho biết, Bộ NN&PTNT cam kết luôn đồng hành cùng hiệp hội để VASEP có thể thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ đề ra tại hội nghị.
“Với tinh thần đó, tôi tin tưởng rằng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục gặt hái được các thành công, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước nói chung và ngành thuỷ sản nói riêng”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
>>> Trầm lắng xuất khẩu thủy sản
Chia sẻ về tình hình chung, bà Nguyễn Thị Thu Sắc cho biết, từ cuối năm 2022, hiệp hội và các doanh nghiệp đã xác định năm 2023 ngành thủy sản sẽ cực kỳ khó khăn khi tình hình lạm phát thế giới ngày càng trầm trọng, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường chính giảm rõ rệt, hàng tồn kho còn nhiều.
Tại các thị trường xuất khẩu, do ảnh hưởng của tình hình lạm phát cao, lãi suất tăng, nhiều ngân hàng tuyên bố phá sản, Mỹ suýt rơi vào tình trạng vỡ nợ… đã tác động rất lớn đến sức cầu của nền kinh tế Mỹ và có ảnh hưởng đến mức tiêu thụ thủy sản của Việt Nam.
Cùng với đó, xung đột Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc, khủng hoảng khí hậu, lạm phát tăng cao và các chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ tiếp tục tác động đến kinh tế thế giới trong thời gian tới. Điều này cũng gây ra nhiều rủi ro cho chuỗi cung ứng toàn cầu và những biến động về giá lương thực – thực phẩm.
Chính vì vậy, nhiều dự báo cho rằng nhu cầu thủy sản của các thị trường có thể sẽ còn tiếp tục giảm trong quý 3/2023 thay vì phục hồi từ quý 2 như những dự báo trước đây.
Ngành Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam không chỉ đổi mặt với các rủi ro khách quan đó, còn có rất nhiều khó khăn khác khi ngành tôm Việt Nam còn đối mặt với khả năng cạnh tranh giá thành nuôi tôm với Ecuador, Ấn Độ. Ngành cá tra đối diện với thách thức về chi phí tăng cao, nguồn giống chất lượng thiếu ổn định. Thẻ vàng IUU cũng đang là một hạn chế lớn cho sự tăng trưởng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Đặt câu hỏi: " Chúng ta có nên suy nghĩ bằng lòng với kết quả xuất khẩu năm 2023 bằng năm 2019 không?” bà Nguyễn Thị Thu Sắc cho rằng “tôi nghĩ là chúng ta có thể làm được hơn thế khi cùng đồng lòng, tích cực tìm các giải pháp để vượt qua những khó khăn hiện nay và phát triển".
Theo bà Sắc, sự đồng lòng, chia sẻ và đoàn kết giữa các doanh nghiệp thủy sản đã làm nên những cột mốc quan trọng cho ngành, từ doanh số 1 tỷ USD cho đến 11 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 thế giới và hướng đến mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD.
>>> Doanh nghiệp "gặp khó" khi xuất khẩu thủy sản tươi sống sang Trung Quốc
Chủ tịch VASEP cũng cho rằng, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp và hiệp hội, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ NN&PTNT và các cơ quan Bộ ngành cũng sẽ giúp ngành thủy sản của Việt Nam vượt qua khó khăn và ngày càng phát triển lớn mạnh, bền vững hơn.
Có thể bạn quan tâm
Trầm lắng xuất khẩu thủy sản
02:00, 12/05/2023
Việt Nam xuất khẩu thủy sản, lâm sản giảm gần 30% trong tháng 4
02:13, 05/05/2023
Xuất khẩu thủy sản: Kỳ vọng khởi sắc trong quý 2
01:00, 23/03/2023
Doanh nghiệp "gặp khó" khi xuất khẩu thủy sản tươi sống sang Trung Quốc
04:20, 09/03/2023