TP.HCM: Vẫn chưa thể ghi nhận dấu hiệu phát triển “đột phá”?
TP.HCM đang đối mặt với nhiều thách thức về sụt giảm quy mô sản xuất công nghiệp; thị trường bất động sản, tài chính, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; hạ tầng quá tải ngày càng gia tăng…
>>Cần chính sách đột phá để TP.HCM vươn lên
Đó là chia sẻ của ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM tại hội thảo khoa học đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ 11 của Đảng bộ TP.HCM trên các lĩnh vực, do Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp Thành ủy TP.HCM tổ chức, ngày 22/6/2023.
Hội thảo thu hút hơn 80 đại biểu đến từ Hội đồng Lý luận Trung ương, đại diện các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang và TP.HCM.
Chưa thể ghi nhận dấu hiệu “đột phá”?
Đáng chú ý, phát biểu tại hội thảo, ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhận định, tuy TP.HCM đạt được một số kết quả nhất định, nhưng chưa ghi nhận dấu hiệu phát triển đột phá và điều này thể hiện rõ nét nhất trong kết quả về tăng trưởng.
“Hiện TP.HCM đang gặp khó khăn trong huy động vốn đầu tư phát triển cũng như việc giải ngân vốn đầu tư đạt mức thấp, bao gồm giải ngân vốn đầu tư công. Chưa kể, nhiều dự án đầu tư quan trọng kéo dài nhiều năm nhưng chưa thể đưa vào khai thác dẫn đến lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và nhiều hệ lụy về mặt xã hội, môi trường", ông Hoan chia sẻ.
Ngoài ra, ông Hoan cho rằng, TP.HCM còn đối mặt với nhiều thách thức như quy mô sản xuất công nghiệp sụt giảm so với giữa nhiệm kỳ trước; thị trường bất động sản, thị trường tài chính và nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn; hạ tầng kinh tế - xã hội quá tải ngày càng gia tăng…
Năng lực quản trị có phần không theo kịp yêu cầu quản lý phức tạp một đô thị quy mô lớn, thể hiện trước hết ở nhiều hạn chế được bộc lộ từ mô hình tổ chức bộ máy chính quyền đô thị.
Cũng theo ông Hoan, một số nguyên nhân khách quan dẫn đến tăng trưởng không như kỳ vọng do tác động của đại dịch Covid-19, xung đột vũ trang Nga - Ukraine kéo dài, sự bất cập của một số cơ chế, chính sách chung, văn bản pháp luật chồng chéo, biến động nhân sự lãnh đạo UBND TP.HCM...
Chỉ số công nghiệp giảm sút, thị trường tài chính và bất động sản gặp nhiều khó khăn, hạ tầng kinh tế - xã hội quá tải là những thách thức được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nêu ra sau nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025.
>>Nghị quyết số 54 chưa tạo "sức nặng" đột phá cho TP. HCM
Cần đẩy mạnh liên kết vùng…
Đánh giá với vai trò tổ chức Đảng, ông Nguyễn Hồ Hải, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc đang tổ chức đánh giá giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ, đồng thời Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM cũng chuẩn bị tổ chức hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ vào cuối tháng 7/2023.
Do vậy, việc tổ chức hội thảo này có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đánh giá chính xác, khách quan, toàn diện quá trình triển khai tổ chức thực hiện; xác định những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá cũng như những đề xuất, kiến nghị trong thời gian tới.
Hiện Quốc hội đang xem xét thông qua nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Do đó, ông Hải cho rằng TP.HCM phấn khởi đón nhận và xác định khi có nghị quyết mới sẽ tạo nên những thuận lợi, tạo đà và động lực cho TP.HCM phát triển.
"Thành ủy TP.HCM mong muốn được tiếp nhận các ý kiến đóng góp để thành phố có giải pháp xây dựng kế hoạch, phương hướng cụ thể triển khai hiệu quả các cơ chế đặc thù, giải quyết những tồn tại, vướng mắc", ông Hải nói.
Liên quan đến các giải pháp để tạo động lực, trao đổi tại hội thảo, đại diện các địa phương điểm lại quá trình tổ chức thực hiện và một số kết quả quan trọng sau nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025. Vấn đề liên kết vùng, đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ giữa TP.HCM với khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ được nhiều đại biểu cho rằng cần phải đẩy nhanh, đặc biệt là Vành đai 3 và Vành đai 4.
Đồng quan điểm với ý kiến của các địa phương về đẩy mạnh liên kết vùng, GS.TS Tạ Ngọc Tấn cho biết, những kết quả quan trọng trong hoàn cảnh rất đặc biệt, như tác động của đại dịch Covid 19, xung đột quân sự Nga - Ukraine…Riêng TP.HCM, dù trong điều kiện đặc biệt khó khăn, phức tạp nhưng vẫn giữ được tăng trưởng, thu ngân sách giai đoạn 2021 - 2023 đạt hơn 1,3 triệu tỉ đồng. Kết quả này cho thấy nỗ lực rất lớn, đóng góp quan trọng vào nguồn thu chung cả nước.
Theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn, các tham luận, ý kiến đều tập trung vào 3 đột phá: thể chế, nhân lực và hạ tầng. Hội đồng Lý luận Trung ương sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng các góp ý, tiếp thu có chọn lọc để xây dựng các cơ sở khoa học, thực tiễn cho việc hoạch định đường lối, chủ trương chung của Đảng.
Có thể bạn quan tâm
Bà Rịa – Vũng Tàu: Hạ tầng giao thông “đi trước” tạo bước đột phá phát triển
20:36, 17/06/2023
DDCI Lạng Sơn: “Đột phá” từ chính quyền kiến tạo
15:03, 16/06/2023
VinAI mang đến trải nghiệm AI đột phá tại Triển lãm Quốc tế Vietnam Industry 4.0 Summit 2023
08:57, 15/06/2023
Cần chính sách đột phá để TP.HCM vươn lên
11:00, 25/02/2022
Sẽ có chính sách đột phá cho nghiên cứu khoa học
19:30, 29/08/2019
Cần có chính sách đột phá để ca cao Việt Nam vươn ra thế giới!
11:00, 08/05/2019