Phát triển kinh tế biển miền Trung: Chuyên gia hiến kế

TUẤN VỸ 23/06/2023 02:00

Để kinh tế biển miền Trung thật sự phát triển đúng tiềm năng, theo các chuyên gia, các địa phương cần có chính sách cụ thể để phát triển mạnh, bền vững trong từng lĩnh vực.

>>Phát triển kinh tế biển miền Trung: Còn nhiều “nút thắt”

p/Du lịch biển đảo cần được chú trọng hơn trong phát triển kinh tế biển miền Trung.

Du lịch biển đảo cần được chú trọng hơn trong phát triển kinh tế biển miền Trung.

Khu kinh tế biển, du lịch, logictics, chế biển hải sản, bất động sản,... đều được xem là thế mạnh của khu vực miền Trung khi còn nhiều dư địa chưa được khai thác.

Chú trọng thu hút đầu tư

Để phát triển kinh tế biển miền Trung, theo đề xuất của PGS.TS Bùi Quang Bình, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, thứ nhất, phải có quyết tâm chính trị và khát vọng phát triển Khu kinh tế ven biển (KKTVB) từ các nhà lãnh đạo. Tiếp đó là Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tất cả được cụ thể hóa bằng hành lang pháp luật để phát triển các KKTVB.

Thứ hai, về cơ chế chính sách cần phải hoàn thiện theo hướng nâng cấp khung khổ pháp luật với KKTVB nói riêng và KKT nói chung từ Nghị định lên thành Luật để bảo đảm cho các khu kinh tế ven biển có một khung pháp lý đủ mạnh, đồng bộ. Đồng thời, giải quyết triệt để sự chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các văn bản pháp luật, trong cơ chế phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước về KKTVB nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển KKTVB và tương thích với yêu cầu phát triển trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế.

>>Phát triển kinh tế biển miền Trung: Chưa xứng với tiềm năng

>>Khơi thông động lực kinh tế miền Trung

Mặt khác cần thiết hoàn thiện và xây dựng đồng bộ chính sách phát triển KKTVB và tích hợp vào chính sách phát triển kinh tế biển, ven biển của quốc gia và vùng. Các chính sách này phải bảo đảm tính hệ thống giữa các mục tiêu với các điều kiện, biện pháp và bảo đảm nguồn lực cho thực hiện các mục tiêu đó.

Thứ ba, cần thiết có sự đổi mới, điều chỉnh bổ sung quy hoạch các KKTVB theo hướng tích hợp với quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch các KKTVB, quy hoạch vùng vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ và quy hoạch tỉnh, nơi có KKTVB.

Thứ tư, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển các KKTVB. Đầu tư nhà nước – đầu tư mồi đề huy động đầu tư tư nhân vào phát triển KKTVB. Nhà nước bố trí ngân sách ưu tiên, đầu tư phát triển KKTVB thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông ven biển, đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KKTVB đầu tư hệ thống cảng biển quốc gia. Cùng với đó là đầu tư cho các hoạt động điều tra, quản lý tài nguyên biển và hải đảo, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho nuôi trồng, khai thác thủy hải sản, khoa học và công nghệ biển, đào tạo nguồn nhân lực biển…

Đẩy mạnh logictics

TS. Phan Thị Sông Thương, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ đề xuất các địa phương cần thông qua việc xây dựng các chương trình liên kết phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng tạo chân hàng cho phát triển dịch vụ logistics. Trong đó, chính sách thu hút đầu tư không nên chung cho các ngành, lĩnh vực mà cần có sự đột phá để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào các dự án phát triển hạ tầng cảng biển.

Ngoài ra, miền Trung cần tạo dựng được mối liên kết cứng và liên kết mềm trong thu hút đầu tư phát triển. Cụ thể, liên kết cứng trong tạo lập cụm cảng để phát huy tính ưu việt của hạ tầng cảng biển, đem lại hiệu quả cao trong nhiều mặt. Liên kết mềm trong việc hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics, bao gồm liên kết trong quản lý và các chính sách về dịch vụ.

“Khu vực cần xây dựng một trung tâm điều phối logistics để hỗ trợ và gắn kết các cảng biển với các hình thức vận tải khác. Đồng thời, trung tâm này có chức năng giám sát, điều phối và đưa ra khuyến nghị cần thiết trong quá trình thực hiện dịch vụ của các cảng theo các tiêu chí cụ thể về tiêu chuẩn giá, khả năng tiếp nhận tàu, năng lực bốc xếp,...”, TS. Thương nói.

Ngoài ra, để đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng, các doanh nghiệp logistics cần được chuyên môn hóa, phát triển đa dạng các dịch vụ trước và sau cảng/cửa khẩu, phát triển các trung tâm logistics nhằm cung cấp cho khách hàng những dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn. Song song là liên kết hình thành cơ sở dữ liệu khu vực phục vụ cho phát triển dịch vụ logistics.

Nâng tầm du lịch

Ở góc độ doanh nghiệp du lịch, ông Phạm Hà, CEO LUX GROUP kiến nghị mỗi địa phương có biển cần có những sản phẩm du lịch biển đảo riêng đặc trưng như OCOP, nhiều trải nghiệm không chỉ bó hẹp ở bãi biển, càng đa dạng càng tốt, khách hàng có nhiều lựa chọn cho trải nghiệm mà du khách thích. Đầu mối nên là Sở Du lịch, sở cũng nên có chuyên gia chuyên trách cho mảng sản phẩm, trong đó có phát triển sản phẩm trải nghiệm, tours biển đảo.

Đồng thời, các địa phương có biển phải có hạ tầng cảng thuỷ nội địa riêng cho hoạt động biển đảo địa phương, nội vùng và liên vùng. Du ngoạn trên biển phải an toàn, dễ dàng hơn, cấp phép đơn giản tours mới, tuyến mới, các hoạt động cấp phép cần một cửa thay vì 18 loại giấy tờ để hoạt động ngủ đêm.

“Mỗi tỉnh có cơ quan đầu mối một cửa cho hoạt động cấp phép và tổ chức tours biển đảo mới. Đơn giản thủ tục và tổ chức tour biển đảo (hiện quá nhiều đơn vị cấp phép, chồng chéo, không ai chịu trách nhiệm). Trong các hoạt động kinh tế ban đêm từ 6h tối tới 6h sáng là khoảng thời gian thu nhiều tiền của khách, nên cho phép tours đêm trên vịnh biển, sông hồ, ngoài khung giờ cố định”, ông Phạm Hà kiến nghị.

Có thể bạn quan tâm

  • Du lịch Hồi giáo có là thế mạnh của miền Trung?

    08:11, 13/06/2023

  • Phát triển kinh tế biển miền Trung: Còn nhiều “nút thắt”

    20:13, 08/06/2023

  • Dịch vụ kho hàng quy mô lớn tại miền Trung

    02:13, 04/06/2023

  • Phát triển kinh tế biển miền Trung: Chưa xứng với tiềm năng

    17:49, 01/06/2023

  • Miền Trung “chạy nước rút” gỡ thẻ vàng IUU

    03:30, 27/05/2023

TUẤN VỸ