Doanh nghiệp phải “thích nghi” với phòng vệ thương mại
Trong một “cuộc chơi” sẽ rất khó tìm được sự công bằng, do đó doanh nghiệp Việt Nam phải sẵn sàng thích nghi với mọi hoàn cảnh.
>>Ngành gỗ đối phó phòng vệ thương mại: Chủ động ứng phó
Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ với DĐDN về Báo cáo thường niên Phòng vệ thương mại năm 2022 vừa được Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) công bố về thương mại toàn cầu và lĩnh vực phòng vệ thương mại, như gia tăng xu hướng bảo hộ thương mại và Hàng Việt bị điều tra 227 vụ phòng vệ thương mại.
Ông Hà Văn Thắng đánh giá, chúng ta đã nói đến câu chuyện hội nhập từ nhiều năm nay, nhưng thực chất khi các hiệp định thương mại tự do mở ra thì các doanh nghiệp Việt Nam mới “vấp” phải những tồn tại mà bản thân doanh nghiệp chưa lường hết.
Chấp nhận “cuộc chơi” sòng phẳng
Đơn cử, với một thị trường mới khai thác bao giờ cũng bị “sàng lọc” bởi các quy định hàng rào kỹ thuật. Như vậy, doanh nghiệp Việt sẽ phải chấp nhận một “cuộc chơi” sòng phẳng.
“Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tiếp tục làm tốt việc thăm dò, chuyên nghiệp trong khâu nghiên cứu thị trường, các quy định pháp luật tại thị trường mà doanh nghiệp tham gia, đặc biệt là những thị trường chưa có nhiều kinh nghiệm, thông tin”, ông Hà Văn Thắng nhấn mạnh.
Theo ông Hà Văn Thắng, đây là thử thách lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, một “cuộc chơi” gian nan và thách thức. Nếu không vượt qua được thì trong hàng trăm mặt hàng sẽ có một số mặt hàng không đảm bảo điều kiện để tham gia thị trường nước ngoài.
“Hàng rào phòng vệ thương mại sẽ không mấy khả quan nếu không muốn nói tác động tiêu cực trong thời gian tới. Doanh nghiệp không biết “khơi thông”, ngoài việc bản thân bị tác động, mà còn ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu chung của Việt Nam. Đây là những vấn đề rất phức tạp, doanh nghiệp cần hết sức nghiêm túc trong vấn đề này”, ông Hà Văn Thắng nói.
>>Hoa Kỳ gia hạn kết luận cuối cùng về phòng vệ thương mại với gỗ dán cứng
>>Gia hạn thời gian điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đường mía
Thực tế, theo ông Hà Văn Thắng khả năng phòng vệ thương mại đối với các doanh nghiệp Việt Nam còn đang ở dưới mức trung bình. Bởi tính chuyên nghiệp chưa cao, kinh nghiệm chưa nhiều, đặc biệt với thị trường quốc tế.
Như vậy, trước khi doanh nghiệp Việt tham gia vào thị trường mới sẽ phải có những nghiên cứu cụ thể, đầy đủ quy định pháp luật của nước sở tại. Đồng thời, tranh thủ học hỏi kinh nghiệm từ đối tác của mình để tìm hiểu thật thấu đáo, nếu không sẽ vướng phải những hàng rào kỹ thuật mà doanh nghiệp không lường trước.
Ông Hà Văn Thắng cho rằng, trong một “cuộc chơi” sẽ rất khó tìm được sự công bằng, do đó doanh nghiệp Việt Nam phải sẵn sàng thích nghi với mọi hoàn cảnh, đây là đức tính rất cần thiết của các doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường quốc tế.
“Trong thời gian tới bên cạnh việc tự nâng cao, nghiên cứu, học hỏi, đào tạo nguồn nhân lực tại doanh nghiệp, thì cũng rất cần nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc cung cấp thông tin như tổ chức hội thảo, đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu, để hỗ trợ doanh nghiệp có thông tin, kinh nghiệm, giải pháp phù hợp cho từng thị trường, sản phẩm của mình trong việc tham gia vào thị trường quốc tế thời gian tới”, ông Hà Văn Thắng đề xuất.
Hạn chế việc cạnh tranh bằng giá
Đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả của hoạt động PVTM, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ đã chỉ đạo Cục PVTM nghiêm túc đánh giá các tác động, thiệt hại từ các vụ việc PVTM đối với từng ngành hàng. Bên cạnh đó, hợp tác chặt chẽ với các đơn vị có liên quan và các bộ, ngàh khác (Hải quan, Tài chính) trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Về phía doanh nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị doanh nghiệp cần chuyển dần sang cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng giá, có chiến lược kiểm soát lượng xuất khẩu và giá bán một cách phù hợp để tránh bị coi là bán phá giá, nhận trợ cấp.
Cùng với đó, tích cực triển khai hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, minh bạch, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, sổ sách kế toán theo chuẩn quốc tế, lưu giữ đầy đủ hóa đơn, chứng từ để có thể chứng minh không bán phá giá khi bị điều tra.
Đánh giá về vấn đề này, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Trịnh Anh Tuấn cho biết, cùng với việc Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do, các hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ, xuất khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh, đồng nghĩa bị đối diện trước các vụ kiện PVTM.
Đặc biệt, việc tham gia vào các chuỗi cung ứng khu vực khiến Việt Nam trở thành quốc gia thường xuyên bị kiện chung với một số nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ là các quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn, thường xuyên bị điều tra PVTM hoặc bị nghi ngờ chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh thuế PVTM đối với các nước này.
Đáng chú ý, các vụ việc điều tra PVTM đối với Việt Nam đến nay chủ yếu là chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế, đến từ các thị trường thường xuyên điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam, như Mỹ, Ấn Độ, Autralia... Các mặt hàng bị điều tra khá đa dạng, từ các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch vài chục triệu đến tỷ USD.
Trong đó, thép, nhôm, sợi, gỗ là những mặt hàng thường xuyên bị điều tra theo xu hướng chung trên thế giới. Thời gian gần đây, các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM với Việt Nam có xu hướng gia tăng, đặc biệt là thị trường Mỹ. Chỉ tính riêng trong năm 2022, Mỹ đã khởi xướng 11 vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
“Việc hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với ngày càng nhiều cuộc điều tra PVTM nước ngoài hơn là hệ quả tất yếu khi xuất khẩu tăng trưởng nhanh và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều biến động”, ông Trịnh Anh Tuấn nói.
Có thể bạn quan tâm
Tăng cường nguồn lực cho… phòng vệ thương mại
04:00, 19/01/2023
Doanh nghiệp đối mặt nhiều hơn nguy cơ điều tra phòng vệ thương mại
00:03, 21/11/2022
Ngành gỗ đối phó phòng vệ thương mại: Chủ động ứng phó
11:00, 25/08/2022
Ngành gỗ đối phó phòng vệ thương mại: Sẵn sàng trước các vụ kiện
03:30, 25/08/2022