Cần có “kế sách” với những biến động thương mại toàn cầu

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú 31/07/2023 04:30

Việt Nam phải có những “kế sách” để giữ vững thị trường trong nước và xuất khẩu, đồng thời hướng tới một nền kinh tế độc lập tự chủ.

>>Giá dầu có thể "lao dốc" mạnh sau các tín hiệu kinh tế tiêu cực

Đại dịch Covid-19, xung đột Nga – Ukraine đã làm cho tình hình chính trị, kinh tế thế giới biến động phức tạp khó lường, khó khăn tăng lên trong giao dịch thương mại giữa các nước và vùng lãnh thổ, vấn đề này không thể “ngày một ngày hai” khắc phục được.

việc đứt gãy các chuỗi cung ứng làm cho năng lượng, lương thực thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác bị thiếu hụt, mua bán gặp khó khăn và chi phí thương mại tăng cao.

Việc đứt gãy các chuỗi cung ứng làm cho năng lượng, lương thực thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác bị thiếu hụt, mua bán gặp khó khăn, chi phí thương mại tăng cao.

Nổi bật nhất là việc đứt gãy các chuỗi cung ứng làm cho năng lượng, lương thực thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác bị thiếu hụt, mua bán gặp khó khăn và chi phí thương mại tăng cao, trong khi lượng hàng dự trữ chiến lược tại chỗ của mỗi nước không phải là vô hạn.

Nhận diện “bất ổn”

Từ đó, dẫn đến nạn khan hiếm hàng hóa, giá cả và lạm phát tăng cao, giá hàng hoá chưa có dấu hiệu trở lại “mặt bằng giá cũ” cho dù đã có những tác động mạnh mẽ của chính phủ và các giới tài chính, ngân hàng ở các nước.

Từ một thế giới mở rộng giao lưu hợp tác trong kinh tế, nhưng trong giai đoạn hiện nay đang quay trở lại hiện tượng tự cung cấp một phần các mặt hàng thiết yếu, giảm nhập khẩu, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch có chiều hướng tăng lên.

Chúng ta không thể hình dung các khu vực, châu lục phát triển trên thế giới từ chỗ đang có một cuộc sống sung túc, dư dả, ít phải suy nghĩ thì đến nay những hình ảnh hàng hóa thiếu thốn trống vắng tại các siêu thị, cửa hàng diễn ra khá phổ biến và kéo dài, thậm chí có thời điểm người tiêu dùng phải tìm kiếm những hàng hóa gần hết hạn sử dụng để mua sắm nhằm tiết kiệm “túi tiền” của mình.

Thế giới như vậy, Việt Nam thì sao? Trước tiên phải khẳng định, chúng ta có một điều kiện thuận lợi mà ít nước có được. Đó là, Việt Nam phần lớn tự túc được các nhóm hàng nông sản thực phẩm để phục vụ thường xuyên cho tiêu dùng của 100 triệu dân và xuất khẩu với khối lượng rất lớn, hàng trăm tỉ USD/ năm.

Cùng với sự phát triển sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp cộng thêm quỹ hàng hóa nhập khẩu hợp lý, chúng ta có cơ sở khẳng định Việt Nam chủ động trong việc cung ứng hàng hóa cho cầu tiêu dùng trong nước một cách bề vững.

Chính việc điều hành của ngành công thương và sự cố gắng của các địa phương trong cả nước, thông qua hệ thống phân phối quốc gia ngày càng phát triển nên đã góp phần kiềm chế lạm phát ở mức hợp lý trong nhiều năm qua.

Thuận lợi là vậy, song Việt Nam không phải không có những khó khăn trong sản xuất thương mại, phân phối lưu thông và tiêu dùng. Bởi Việt Nam là một nền kinh tế mở, hội nhập sâu rộng với các nước trong khu vực và quốc tế, đồng thời cũng còn phụ thuộc phần lớn một số mặt hàng chiến lược phải nhập khẩu thường xuyên như xăng dầu, phân bón hóa chất, nguyên phụ liệu cho dệt may da giày...

Khi thế giới có những biến động, khó khăn về vận chuyển logictics và nguồn hàng thì lập tức làm cho sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước gặp khó khăn. Sản xuất bị đình đốn, doanh nghiệp phải lo từng đơn hàng, nên việc cho nghỉ việc với một số người lao động diễn ra không phải là cá biệt. Mặt khác, Việt Nam là nước đang phát triển thu nhập ở mức trung bình, tiềm lực kinh tế còn hạn chế.

Chính vì vậy, việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng vận chuyển, giao nhận hàng hóa còn có những trở ngại, chi phí cao dẫn tới năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt còn hạn chế. Trong khi, tỉ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI lại chiếm tới 70% kim ngạch.

Riêng nhóm hàng nông sản thực phẩm dù có thế mạnh, nhưng chế biến sâu còn hạn chế, giá trị gia tăng cho người sản xuất và doanh nghiệp còn khiêm tốn. Hàm lượng công nghệ cao trong các sản phẩm Việt còn thấp.

Việc chuyển đổi số trong các ngành kinh tế và các cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương tiến hành còn chậm và chưa như mong muốn. Việc tận dụng các FTA mà Việt Nam đã ký kết với các nước cần phải làm mạnh hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Nguồn nhân lực trong nước chưa đáp ứng được với yêu cầu của sự phát triển của thế giới. Phát triển thương mại nội địa còn chậm, đặc biệt là tính liên kết, hợp tác, chia sẻ cùng nhau còn lỏng lẻo, chưa rộng khắp trong các lĩnh vực giữa sản xuất và sản xuất, giữa sản xuất và phân phối, tất cả phải vì mục tiêu thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng nội địa, phát triển nhanh và bền vững.

>>Cà Mau: Điểm sáng phát triển kinh tế

>>Ba yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Đông Nam Á

“Kế sách” ứng phó

Đứng trước những cơ hội và thách thức như vậy, chúng ta cần phải quan tâm một số động thái biến động, thay đổi so với những năm trước đây trong giao dịch thương mại quốc tế.

Việt Nam phần lớn tự túc được các nhóm hàng nông sản thực phẩm để phục vụ thường xuyên cho tiêu dùng của 100 triệu dân và xuất khẩu với khối lượng rất lớn, hàng trăm tỉ USD/ năm.

Việt Nam phần lớn tự túc được các nhóm hàng nông sản thực phẩm để phục vụ thường xuyên cho tiêu dùng của 100 triệu dân và xuất khẩu với khối lượng rất lớn, hàng trăm tỉ USD/ năm.

Đó là, xu hướng hiện nay bán hàng không phải vì lợi nhuận cao nhất, mà bán hàng cho những nước thân cận nhất. Mua hàng không phải mua ở những nơi rẻ nhất mà tăng cường việc chủ động sản xuất để tiêu dùng trong nước, hạn chế nhập khẩu. Vẫn tiếp tục phát sinh những rào cản thương mại, kỹ thuật đối với hàng xuất khẩu đi các nước.

Xu hướng nhập khẩu các hàng hóa xanh, sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường đang là tiêu chuẩn chủ đạo ở các nước phát triển. Ví dụ, từ năm 2024 EU đã quyết định không nhập khẩu những sản phẩm trồng trọt được thực hiện thông qua việc phá rừng lấy đất để sản xuất.

Xu hướng giao dịch thông qua các nền tảng số, thương mại điện tử ngày càng phát triển, sự cạnh tranh giữa thương mại trực tiếp và thương mại online theo chiều hướng quyết liệt hơn. Thương mại phát triển chủ yếu trên cơ sở thiết lập các chuỗi cung ứng tin cậy, an toàn, bền vững giữa hai nước hay một nhóm nước.

Việt Nam phải có những “kế sách” để giữ vững thị trường trong nước và xuất khẩu, đồng thời hướng tới một nền kinh tế độc lập tự chủ, lấy xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng là 3 trụ cột chính để tăng trưởng một cách vững chắc.

Thứ nhất, phải bảo vệ sản xuất trong nước, nhất là nhóm hàng nông sản thực phẩm, một số mặt hàng thiết yếu khác để phục vụ tiêu dùng cho nhân dân và xuất khẩu. An ninh lương thực là số 1, bởi những biến động khó lường của thế giới như biến đổi khí hậu, địa chính trị phức tạp, xung đột hay xảy ra và kéo dài.

Thứ hai, thực hiện phương châm đa phương hóa quan hệ thương mại, đa dạng hóa hàng hóa, tiếp tục giữ những mối quan hệ bạn hàng truyền thống, đồng thời mở rộng thêm thị trường mới.

Thứ ba, tận dụng các điều khoản trong các FTA đã ký để hỗ trợ cho xuất khẩu và nhập khẩu hợp lý phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng trong cả nước.

Thứ tư, từng bước hoàn thiện các chuỗi cung ứng hàng hóa, nhất là các hàng hóa tiêu dùng công nghiệp, năng lượng thiết yếu, tăng cường dự trữ chiến lược để “đủ sức” chống chọi với những biến động lâu dài.

Thứ năm, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam tại thị trường nội địa và xuất khẩu như giá, chất lượng, bao bì nhãn mác. Đáp ứng các tiêu chuẩn do khu vực và quốc tế đề ra của các nước có quan hệ thương mại.

Như vậy, để thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát một cách hợp lý, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế trước mọi sự biến động của thế giới, ngoài sự nỗ lực chủ quan của các doanh nghiệp, sản xuất thương mại là chính, rất cần sự chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và các địa phương.

Chúng ta từng bước khắc phục những khó khăn hiện tại để vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ về kinh tế nói chung, thương mại nói riêng trong năm 2023. Để từ đó làm tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Có thể bạn quan tâm

  • Giá dầu có thể "lao dốc" mạnh sau các tín hiệu kinh tế tiêu cực

    04:00, 30/07/2023

  • Cà Mau: Điểm sáng phát triển kinh tế

    15:08, 29/07/2023

  • Ba yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Đông Nam Á

    11:00, 28/07/2023

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú