Thu phí cao tốc Nhà nước đầu tư mang lại nhiều lợi ích

NGUYỄN VIỆT 05/08/2023 16:55

Thu phí tất cả cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân và phù hợp khả năng chi trả.

>>Thí điểm thu phí cao tốc nhà nước đầu tư: Các chủ thể đều bình đẳng

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh về đề xuất thu phí tất cả cao tốc do Nhà nước đầu tư tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023, chiều 5/8.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ, Bộ GTVT đã đề xuất thu phí đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách. "Trên thế giới nói chung và các nước đang phát triển nói riêng, để đầu tư cho hạ tầng cần huy động rất nhiều phương thức, trong đó có phương pháp Nhà nước đầu tư xây cao tốc rồi thu phí để hoàn vốn", ông Huy nói.

Tại Việt Nam, cơ quan soạn thảo ước tính, đến năm 2030, toàn quốc cần 813.000 tỷ đồng đầu tư cao tốc, trong đó đến năm 2025 cần 393.000 tỷ đồng để hoàn thành 2.000 km và khởi công 925 km. Trong 10 năm tới, ngân sách cần đầu tư 239.000 tỷ đồng xây mới cao tốc, bình quân 24.000 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, khi quyết định chủ trương đầu tư các dự án đường cao tốc, đều là dự án quan trọng quốc gia, Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu giải pháp để đầu tư xong thu phí và hoàn vốn.

Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định: "Chúng tôi đã tính toán lợi ích mang lại khi các phương tiện đi trên cao tốc nhanh hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn. Từ các chi phí nhiên liệu, chi phí vận hành, khai thác, lợi ích mang lại, chúng tôi sẽ tính toán mức thu phí đảm bảo chi trả của người dân".

Về mục đích sử dụng nguồn thu từ phí này, ông Huy cho biết tiền thu được sẽ để nộp ngân sách, phục vụ đầu tư hạ tầng và các nhiệm vụ chi khác của Trung ương. Sau khi trừ đi chi phí thu phí, chi phí vận hành sẽ nộp lại ngân sách, cân đối với mục tiêu của ngân sách Trung ương.

>>Thu phí cao tốc do nhà nước đầu tư: Lo ngại phí chồng phí

>>Thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư: Cần thiết nhưng phải phù hợp

"Với các tuyến cao tốc đang đầu tư cũng thực hiện theo chủ trương này. Để xác định mức thu phí thế nào, chúng tôi sẽ xác định tác động, lợi ích mang lại và đánh giá khả năng chi trả của người dân của từng dự án trên cơ sở đó mức phí phải xây dựng một cách khoa học và có lấy ý kiến các cơ quan liên quan", Thứ trưởng Bộ GTVT nói.

Trước khi xây dựng dự thảo Luật Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải từng nhiều lần đề xuất thu phí một số tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư. Đầu tháng 5, Bộ tính sẽ thu phí 9 tuyến cao tốc, gồm: TP. HCM - Trung Lương; Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, cầu Mỹ Thuận 2.

Thời gian thu phí các tuyến trên dự kiến trong 5 năm, đến khi có pháp luật về thu phí cao tốc. Theo đề xuất trước đây của Bộ Giao thông Vận tải, giai đoạn 2021-2023, mức phí cao tốc Bắc Nam trung bình là 1.500 đồng một xe mỗi km; mỗi hai năm sẽ tăng 200 đồng đến giai đoạn 2030-2032; sau đó sẽ tăng 300 đồng mỗi hai năm lên mức 2.400 đồng giai đoạn 2033-2035.

Có thể bạn quan tâm

  • Thí điểm thu phí cao tốc nhà nước đầu tư: Các chủ thể đều bình đẳng

    01:00, 24/05/2023

  • Nhượng quyền thu phí cao tốc Bắc – Nam: Lo ngại phí chồng phí

    04:00, 18/02/2022

  • Thu phí cao tốc do nhà nước đầu tư: Lo ngại phí chồng phí

    04:50, 19/11/2020

NGUYỄN VIỆT