Giải pháp nào để người trồng lúa có cuộc sống tốt hơn?
Theo niên giám thống kê, khảo sát, nông nghiệp là ngành có thu nhập thấp nhất trong các ngành kinh tế. Nhưng hiện nay, giá gạo tăng hàng ngày là thời cơ cải thiện thu nhập lớn đối với người nông dân
>>Doanh nghiệp nữ mong được tư vấn ứng dụng công nghệ lĩnh vực nông nghiệp
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) về đề nghị có giải pháp để người trồng lúa có cuộc sống tốt hơn.
Chất vấn với Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng người nông dân làm ra lúa gạo vẫn có cuộc sống khó khăn, cây lúa không mang lại nhiều lợi nhuận cho người sản xuất. Từ đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của nghịch lý này và các giải pháp trong thời gian tới?
Thời cơ gia tăng thu nhập cho người nông dân
Trả lời ý kiến chất vấn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết theo niên giám thống kê, khảo sát, nông nghiệp là ngành có thu nhập thấp nhất trong các ngành kinh tế. Trong nông nghiệp, người trồng lúa là người có thu nhập thấp nhất. “Ở bối cảnh hiện nay, giá gạo tăng hàng ngày là thời cơ cải thiện thu nhập lớn đối với những người nông dân”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, việc đảm bảo nguồn thu nhập cho người nông dân là điều được Bộ hết sức quan tâm. Trong đó, việc cải thiện thu nhập không phải chỉ là vấn đề giá cả, mà cần tính toán đến các chi phí.
Theo tính toán, thời gian qua, việc sản xuất lúa gạo đã giảm được 20 đến 25% chi phí đầu vào, do ứng dụng quy trình canh tác, “ba tăng, ba giảm”, tiết kiệm đất, tiết kiệm nước, tiết kiệm phân, tiết kiệm giống, tiết kiệm thuốc. Chính những chi phí giảm xuống này là thành quả giúp gia tăng thu nhập cho người dân.
Bộ trưởng cho rằng, hiện nay chúng ta đang lo ngại giá cao hơn nữa có thể làm rối loạn ngành, gây thiếu bền vững. Đó cũng là một vấn đề. Nếu người nông dân nuôi trồng gì chỉ hưởng thu nhập từ sản phẩm đó thì chưa đúng tinh thần Nghị quyết 19, chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp, đa giá trị, tạo ra nhiều ngành nghề khác, không gian trồng lúa, thời gian trồng lúa có thể lồng ghép, tạo ra nhiều không gian, thời gian cho các ngành nghề khác.
“Nếu chúng ta tận dụng tốt quỹ không gian, thời gian đó, chuyển đổi nghề nghiệp, tạo những nghề nghiệp ở nông thôn thì người nông dân không chỉ hưởng từ thành quả cây lúa, mà có nhiều nguồn thu nhập khác”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ.
>>An ninh lương thực gắn liền với phát triển nông nghiệp bền vững
>>Hai Bộ trưởng sắp trả lời chất vấn về lĩnh vực tư pháp và nông nghiệp
Vẫn theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cần liên kết lại trong hợp tác xã, để có giá ưu đãi do mua nhiều, giúp tăng lợi nhuận. Cần nhìn nhiều chiều hơn về cấu trúc ngành hàng lúa gạo, để có hướng khuyến khích bà con vào hợp tác xã, mua chung, bán chung, hưởng dịch vụ chung, để có thu nhập từ nhiều phân khúc khác nhau, không phải chỉ từ nông sản nuôi trồng, tránh manh mún, nhỏ lẻ, tự phát.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nga về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết trong những năm qua, giá trị hàng hóa, giá trị xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam liên tục có sự tăng trưởng, đóng góp không nhỏ vào tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của nước ta.
Góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. Hiện nay Việt Nam đã xuất khẩu vào 200/224 nước và vùng lãnh thổ nước ta có quan hệ thương mại.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thẳng thắn nhìn nhận nền kinh tế nông nghiệp nước ta vẫn có quy mô nhỏ, phân tán, hoạt động nuôi trồng diễn ra tự phát, manh mún và theo phong trào dẫn đến có lúc không kiểm soát được nguồn cung cho xuất khẩu, chất lượng nông thủy sản không đồng đều, khó kiểm soát chất lượng và thiếu sự liên kết giữa sản xuất và tiêu dùng…
Để khắc phục tình trạng nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ cùng với Bộ Nông nghiệp và PTNT tham mưu Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ giải pháp để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả của ngành, áp dung khoa học công nghệ, sản xuất quy mô lớn, liên kết các cơ sở sản xuất với người dân…
Chất lượng và thương hiệu là giải pháp “sâu rễ, bền gốc”
Phát biểu kết thúc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận ngành nông nghiệp có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế.
Các cân đối cung - cầu, an ninh lương thực quốc gia được bảo đảm vững chắc, nguồn cung, sản lượng lúa gạo, thịt, thuỷ sản đều tăng so với cùng kỳ năm trước đáp ứng tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhu cầu thị trường trong nước phục hồi chậm, thị trường nông sản xuất khẩu có nhiều biến động, số lượng đơn hàng giảm, giá vật tư nông nghiệp, phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng, kết nối, điều hòa cung – cầu còn bất cập; việc phát triển bền vững nông nghiệp nói chung, ngành thủy sản nói riêng còn nhiều thách thức…
Từ các vấn đề đặt ra này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế.
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông sản, như khẩn trương hoàn thiện chính sách, pháp luật phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực.
Cập nhật, phân tích đánh giá thông tin, diễn biến thị trường một cách toàn diện, cẩn trọng để kịp thời phổ biến, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt khó, tận dụng cơ hội thị trường. Củng cố các thị trường hiện có, khai mở các thị trường mới cho nông sản Việt Nam. Tổ chức sản xuất nông nghiệp bền vững.
Theo dõi sát diễn biến thị trường và giá lương thực trên thế giới, có kế hoạch vừa đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, vừa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu tăng cao.
“Ngăn ngừa rủi ro “bắt sóng xuất khẩu, để hổng thị trường trong nước”. Cần lấy yếu tố đảm bảo chất lượng gạo và thương hiệu, bảo đảm tiến độ giao hàng là giải pháp “sâu rễ, bền gốc”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp nữ mong được tư vấn ứng dụng công nghệ lĩnh vực nông nghiệp
13:02, 11/08/2023
An ninh lương thực và nông nghiệp bền vững
14:20, 10/08/2023
An ninh lương thực gắn liền với phát triển nông nghiệp bền vững
05:00, 10/08/2023
Hai Bộ trưởng sắp trả lời chất vấn về lĩnh vực tư pháp và nông nghiệp
08:17, 07/08/2023