LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN KCN: Hướng tới nền kinh tế tuần hoàn

DIỄM NGỌC - Ảnh: TUẤN NGỌC 31/08/2023 15:34

Với các nỗ lực, trong thời gian tới, chúng ta sẽ có những thành công hơn nữa trong việc hướng tới nền kinh tế dựa vào khả năng cung ứng của hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn.

>>LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN KCN: Cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất

Được sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), UBND TP Hải Phòng, UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh Hưng Yên, UBND tỉnh Hải Dương; Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Ban Pháp chế VCCI, Sở KHĐT Hải Phòng, Ban Quản lý KKT, KCN các tỉnh thành Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên phối hợp tổ chức Diễn đàn “Liên kết phát triển Khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông” tại Trung tâm hội nghị TP Hải Phòng, chiều 31/08/2023.

Ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Vụ trưởng vụ Môi trường (Bộ Tài Nguyên Môi Trường)

Ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ Tài Nguyên Môi Trường)

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Vụ trưởng vụ Môi trường (Bộ Tài Nguyên Môi Trường) đánh giá cao sáng kiến ký kết thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông, hình thành liên kết kinh tế 4 địa phương giữa Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên.

Đối với công tác bảo vệ môi trường thời gian qua, Bộ Tài Nguyên Môi Trường đã ghi nhận và đánh giá rất cao sự nỗ lực, quan tâm của các địa phương. Về công tác bảo vệ môi trường, có một số kết quả đã được các khu công nghiệp triển khai, thực hiện, đảm bảo đúng, tuân thủ quy định pháp luật, đặc biệt Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Ông Quang nhận xét, hiện nay hầu hết các khu công nghiệp đều có trạm xử lý nước thải, về cơ bản gần như đạt 100%. Các khu công nghiệp đang hoạt động, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đều có hệ thống thu gom thoát nước mưa tách riêng với nước thải, đảm bảo tuân thủ theo quy định pháp luật.

Cùng với đó là hệ thống giám sát chất lượng môi trường của khu công nghiệp, từng bước hoàn thiện các số liệu về quan trắc online, quan trắc tự động đều được truyền dẫn về Sở Tài Nguyên Môi Trường của địa phương và về cơ bản đạt xấp xỉ 100%. Đối với các chương trình quan trắc chất lượng môi trường được triển khai thường xuyên, các kết quả đã góp phần cải thiện chất lượng môi trường của khu công nghiệp.

Ông Quang nhận xét, hiện nay hầu hết các khu công nghiệp đều có trạm xử lý nước thải, về cơ bản gần như đạt 100%

Ông Nguyễn Hồng Quang nhận xét, hiện nay hầu hết các khu công nghiệp đều có trạm xử lý nước thải, về cơ bản gần như đạt 100%

Bên cạnh kết quả đạt được, còn có một số vấn đề liên quan đến việc đầu tư dự án các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ trong khu công nghiệp và một số nội dung liên quan đến chuyển giao về mặt công nghệ. Đâu đó còn có việc nhập khẩu các công nghệ sản xuất lạc hậu, chưa đảm bảo việc sản xuất thân thiện với môi trường, hoặc tiêu tốn năng lượng phát sinh chất thải lớn.

“Chúng tôi đã thấy nỗ lực của các địa phương trong quá trình tham gia vào công tác bảo vệ môi trường đối với khu công nghiệp. Chúng tôi mong muốn các địa phương tiếp tục quan tâm xây dựng, ban hành cơ chế chính sách phù hợp, để hỗ trợ các khu công nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thu hút đầu tư và tận dụng được cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; góp phần phát triển theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp; Coi đây là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững”, ông Nguyễn Hồng Quang nhấn mạnh.

>>LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN KCN: Tận dụng thế mạnh phát triển hạ tầng khu công nghiệp

Đề xuất một số nhiệm vụ chính để công tác bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp ngày càng được hoàn thiện được tốt hơn, vị Phó Vụ trưởng vụ Môi trường (Bộ Tài Nguyên Môi Trường) cho biết:

Thứ nhất, khi thành lập mới các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp thì cần phải tiếp tục coi trọng vấn đề môi trường, bảo đảm các tiêu chí của một khu công nghiệp sinh thái; Có cơ chế chính sách phù hợp hỗ trợ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tham gia vào triển khai các biện pháp về sản xuất sạch hơn, chủ động kiểm soát chặt chẽ quá trình công nghiệp hóa theo hướng thân thiện môi trường, thực hiện xanh hóa các ngành công nghiệp sản xuất và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp xanh, công nghệ cao; Hạn chế tiến tới sản xuất công nghiệp rời lẻ ở ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Đẩy mạnh nghiên cứu phát triển ngành công nghiệp tái chế, hình thành các khu công nghiệp tái chế.

Diễn đàn “Liên kết phát triển Khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông”

Diễn đàn “Liên kết phát triển Khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông”

Thứ hai, là ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường ở các khu công nghiệp như: hệ thống thu gom thoát nước mưa, hệ thống xử lý nước thải tập trung, bảo đảm xử lý nước thải đạt quy chuẩn tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường. Đầu tư và xây dựng hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng đưa vào hoạt động các hệ thống xử lý nước thải tập trung tại khu công nghiệp.

Đối với các khu công nghiệp thành lập mới, kiên quyết không đưa vào hoạt động các khu công nghiệp chưa hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung, bảo đảm đến năm 2025 thì đạt tỷ lệ là 100% các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung và các chất thải phải được xử lý đảm bảo đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn bảo vệ môi trường.

Thứ ba, phân loại các dự án đầu tư mới theo mức độ tác động đến môi trường ngay từ quá trình xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư, để xem xét trong suốt vòng đời hoạt động của dự án. Đặc biệt chú trọng đối với nhóm dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao. Điều này cần được xem xét thận trọng hơn đối với các khu công nghiệp tiến tới là khu công nghiệp sinh thái.

Thứ tư, kiểm soát ô nhiễm môi trường từ các cơ sở thứ cấp trong khu công nghiệp thông qua các giấy phép môi trường dựa trên kết quả đánh giá tự động môi trường, quy hoạch bảo vệ môi trường và khả năng chịu tải về môi trường, cùng các quy chuẩn kỹ thuật môi trường; Tăng cường kiểm tra, thanh tra phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các khu công nghiệp, hoặc các cơ sở sản xuất dịch vụ trong khu công nghiệp. Thường xuyên tổ chức đào tạo tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về bảo vệ môi trường cho các bộ phận chuyên môn tại Ban quản lý các khu công nghiệp.

Thứ năm, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức người tiêu dùng với các sản phẩm sạch, bảo vệ môi trường để tăng nhận thức xã hội về sản phẩm này. Từ đó thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia xây dựng khu công nghiệp sinh thái, sản xuất sản phẩm xanh. Tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp về công tác bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường nói riêng ở các khu công nghiệp trong từng địa phương.

“Với ý chí và quyết tâm cao, sự chung tay của cộng đồng, nỗ lực của các Ban quản lý, địa phương và các đối tác phát triển, hy vọng thời gian tới chúng ta sẽ có những thành công hơn nữa trong việc hướng tới nền kinh tế dựa vào khả năng cung ứng của hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn, hoàn thành các mục tiêu của các hệ sinh thái”, ông Nguyễn Hồng Quang bày tỏ.

Có thể bạn quan tâm

  • LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN KCN: Cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất

    15:03, 31/08/2023

  • LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN KCN: Tận dụng thế mạnh phát triển hạ tầng khu công nghiệp

    14:50, 31/08/2023

  • LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN KCN: Bước đi không thể thiếu để thực hiện công nghiệp hoá

    14:30, 31/08/2023

DIỄM NGỌC - Ảnh: TUẤN NGỌC