Phát huy lợi thế cảng biển quốc gia
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ nghiên cứu, đề xuất các cơ chế mới, đặc thù đối với Khu thương mại tự do để tạo động lực thu hút các nhà đầu tư như ưu đãi như về đất đai, về môi trường đầu tư…
>>LOGISTICS VÙNG ĐÔNG NAM BỘ: Liên kết vùng phát triển chuỗi logistics
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết khi trao đổi cùng Diễn đàn Doanh nghiệp.
Là một trong 3 cực tăng trưởng quan trọng của vùng Kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ; là “cửa ngõ” ra biển của các tỉnh phía Nam, Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều điều kiện thuận lợi về hệ thống hạ tầng cảng biển, gần sân bay quốc tế lớn nhất đang được xây dựng, mạng lưới giao thông đường bộ quốc lộ tương đối hoàn thiện, cao tốc và đường sắt kết nối kinh tế vùng và vươn ra khu vực quốc tế.
- Thưa ông, là địa phương có vị trí chiến lược đặc biệt, cảng biển và logistics được xác định là 1 trong những trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu?
Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là địa phương có điều kiện để phát triển trở thành trung tâm logistics và cảng biển trung chuyển quốc tế trên cơ sở các tiền đề cơ bản như: Vị trí địa lý nằm trên tuyến hàng hải quốc tế từ Châu Âu, Trung Đông qua khu vực Bắc Á và Châu Mỹ; Sông Thị Vải - Cái Mép có đặc điểm sâu, khá rộng và ít bị bồi lắng, cho phép các tàu có tải trọng lớn ra vào thuận lợi; Đồng thời là cửa ngõ hướng biển phía Đông Nam trên tuyến đường Xuyên Á thuộc hành lang kinh tế Đông Nam tiểu vùng Sông Mê-Kông. Logistics và cảng biển cũng được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai.
Trong giai đoạn sắp tới, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu định hướng phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị giá tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước nói chung và trong Tỉnh nói riêng. Phấn đấu đến năm 2025 xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành đầu mối về dịch vụ logistics của khu vực Đông Nam Bộ. Tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn đến năm 2025 đạt bình quân 100 triệu tấn/năm.
Song song đó, tỉnh cũng đang lập đề án hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ, đây là nội dung được Trung ương giao cho Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện với chức năng của cảng biển đặc biệt quốc gia. Với vị trí như vậy, việc đầu tư phát triển dịch vụ logistics là nhiệm vụ hết sức quan trọng của tỉnh thời gian tới.
- Với đề án hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ mà ông vừa nói, địa phương kỳ vọng và đang chuẩn bị như thế nào cho dự án được coi là đột phá phát triển này?
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển khu thương mại tự do như có hệ thống cảng nước sâu có thể tiếp nhận các siêu tàu container lớn nhất thế giới; cách sân bay quốc tế Long Thành khoảng 30km; Hành lang logistics sân bay quốc tế Long Thành. Trong tương lai gần, hệ thống các khu công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn tỉnh sẽ được kết nối với khu vực và quốc tế qua các phương thức vận tải đa dạng: đường bộ, đường hàng không, đường biển, đường thủy nội địa và cả đường sắt với tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu thông qua hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng đang được Chính phủ đầu tư.
Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ được thành lập sẽ tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội không chỉ riêng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mà toàn vùng Đông Nam Bộ. Tại khu thương mại tự do Cái Mép Hạ sẽ hình thành trung tâm sản xuất và dịch vụ logistics hiện đại, đảm bảo thực hiện tất cả các dịch vụ thương mại quốc tế trong đó có sản xuất công nghệ cao, chế biến, sơ chế, phân loại, đóng gói, bảo quản, trưng bày giới thiệu sản phẩm, các dịch vụ thông quan, kiểm định hàng hoá tại chỗ cho hàng hoá xuất nhập khẩu. Các thuận lợi về hoạt động hải quan cũng như các ưu đãi về thuế tại khu mậu dịch tự do sẽ tạo ra sức hút to lớn thu hút các nhà đầu tư tầm cỡ trong và ngoài nước. Đây là nền tảng để phát triển chuỗi cung ứng địa phương và mạng lưới các nhà cung cấp phụ trợ, tạo hiệu ứng lan tỏa về kinh tế.
Tỉnh đang xem xét phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí thực hiện Đề án nghiên cứu khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ. Dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ có sản phẩm để trình Chính phủ. Trong quá trình triển khai, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành trung ương, các tổ chức, gia chuyên đầu ngành để có thể hoàn thành đề án này trong thời gian sớm nhất.
>>LOGISTICS VÙNG ĐÔNG NAM BỘ: Hiện đại hóa Hải quan, thúc đẩy liên kết
- Vậy cần cơ chế liên kết như thế nào giữa các địa phương của Vùng để tạo điều kiện hình thành phát triển Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ tạo động lực để Vùng Đông Nam Bộ có thể đóng góp lớn hơn vào sự phát triển và thịnh vượng chung của cả nước như kỳ vọng, thưa ông?
Vừa qua Chính phủ đã tổ chức Hội nghị ra mắt Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam Bộ. Thủ tướng chính là chủ tịch Hội đồng điều phối. Hội đồng này nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của vùng phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh quốc phòng. Hội đồng điều phối vùng sẽ giúp Thủ tướng nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối, giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về liên kết vùng, phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ.
Ngoài ra, tỉnh cũng đề xuất một số nội dung để tăng cường mối liên kết giữa các địa phương trong vùng, thứ nhất, xây dựng cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp, logistics của Vùng Đông Nam Bộ là một hệ thống quan trọng nhằm trao đổi thông tin giữa các địa phương. Thống nhất về các thông tin dữ liệu của ngành, chỉ tiêu, báo cáo, thời gian báo cáo định kỳ trên một hệ thống thông tin điện tử; Thống nhất về cơ quan vận hành và cơ quan giám sát cơ sở dữ liệu của mỗi địa phương; Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số về ngành công nghiệp và logistics của các tỉnh trong Vùng Đông Nam điểm phía Nam.
Thứ hai, đề xuất các chương trình hợp tác, phát triển hạ tầng và tiềm lực khoa học và công nghệ đồng bộ, hiện đại, bao gồm các cụm liên kết ngành về công nghiệp, dịch vụ cảng biển, logistics, … trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, hình thành các trung tâm nghiên cứu trong các doanh nghiệp công nghiệp và logistics.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Liên kết logistics - phát triển Đông Nam Bộ
14:25, 12/09/2023
Thúc đẩy dòng chảy logistics khu vực Đông Nam Bộ
03:00, 11/09/2023
Hạ tầng mềm cho phát triển bền vững logistics Đông Nam Bộ
21:39, 09/09/2023
Liên kết phát triển Logistics - Động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ
04:10, 09/09/2023
LOGISTICS VÙNG ĐÔNG NAM BỘ: Vai trò kết nối của đường thủy nội địa
16:37, 08/09/2023