Để kinh tế phục hồi, bứt phá: Bài 1 - Phát huy nội lực
Khơi thông nguồn lực, phát huy nội lực là yêu cầu cấp thiết để nền kinh tế nước ta sớm phục hồi và bứt phá phát triển.
>>PGS.TS Trần Đình Thiên: Kinh tế Việt Nam hiện nay cần “thông mạch, thông các nguồn lực”
Trên bình diện tổng quát, có thể nói Việt Nam cùng cả thế giới đang trong một bước chuyển lịch sử - thời đại, với sự thay đổi diễn ra nhanh chưa từng thấy, mang tính hệ thống và rất căn bản. Nó tạo ra những cơ hội và thách thức khác thường, đặc biệt là cho những nước đi sau. Do đó, việc giải quyết hệ vấn đề phát triển đương đại đòi hỏi tầm nhìn, năng lực và cách tiếp cận mới về nguyên tắc.
Ở tầm nhìn trung và dài hạn, bối cảnh thế giới được khắc họa bằng những đường nét ít lạc quan. Dự báo của Ngân hàng Thế giới về “một thập niên mất mát” (trung hạn, đến 2030) và “xu hướng đối mặt với các con gió nghịch” (ngắn hạn/cho năm 2023-2024) chứa đựng cảnh báo về xu thế khó khăn trội bật kéo dài của nền kinh tế thế giới trong thời gian tới. Nó hàm ý về những giải pháp vượt qua không dễ dàng cho cộng đồng thế giới, mỗi quốc gia và doanh nghiệp.
Là quốc gia “đi sau” nhưng có độ mở cửa - hội nhập quốc tế cao trên mọi phương diện, Việt Nam không nằm ngoài xu thế toàn cầu và thời đại đó. Thậm chí, vì một số lý do đặc thù, cả cơ hội và thách thức thời đại mà Việt Nam đối mặt là khá “khác thường”. Ở đây, kinh tế là lĩnh vực được coi là điển hình vì gắn liền với độ mở cửa cao, nền kinh tế Việt Nam có đặc trưng nổi bật là “đi sau, tụt hậu và yếu kém”, trong khi cách lựa chọn định hướng phát triển kinh tế thị trường lại đậm tính “bản sắc”.
Trong bối cảnh phát triển chung, Việt Nam ở trong một tình thế phát triển có nhiều nét khác biệt, thậm chí khác thường.
Điểm nhấn mạnh đầu tiên là sau 3 năm trải qua đại dịch COVID-19 và vượt qua nó theo một logic “nghiệt ngã” không hoàn toàn giống nhiều nước khác, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững, tạo được đà và thế tăng trưởng – phát triển nhìn chung là tích cực. Các con số phản ánh thành tích tăng trưởng – ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư nước ngoài, đặt trong sự so sánh quốc tế, là minh chứng tốt cho nhận định này.
Trong sự so sánh quốc tế, những thành tích kinh tế vĩ mô mà Việt Nam đạt được trong những năm qua đều chứng tỏ “năng lực trụ hạng”, khả năng “đối mặt các con gió ngược” rất ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam thật sự xứng đáng với lời khen tặng “là ngôi sao sáng giữa bầu trời kinh tế thế giới ảm đạm năm 2020” cũng như đánh giá tích cực của cộng đồng thế giới về sức hấp dẫn đầu tư và triển vọng sáng sủa hiện nay.
Tuy nhiên, nhìn xuyên suốt quá trình thực tiễn, có hai vấn đề lớn đặt ra.
>>Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng: Kinh tế Việt Nam đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất
Thứ nhất, xu hướng suy giảm động lực tăng trưởng kinh tế liên tục và kéo dài.
Hình 1 cho thấy, trong gần 40 năm đổi mới, dù mức tăng trưởng bình quân không thấp, song cứ sau mỗi giai đoạn 10 năm, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam lại bị giảm gần 1,0% tốc độ bình quân.
Đồ thị trên cho thấy tồn tại thực tế xu hướng suy giảm mạnh kéo dài động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam suốt từ khi bắt đầu đổi mới tới nay. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một nghiên cứu nào giải thích xu hướng này một cách có hệ thống và mang tính thuyết phục cao.
Thứ hai, nghịch lý của quá trình phát triển kinh tế.
Thực tế cho thấy quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam thường chứa đựng “nghịch lý”. Xin nêu một vài minh chứng:
Một là, doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành.
Nhận định này không hẳn là nghịch lý, thậm chí, nó còn thuận lý lịch sử, giống như nhận định “ai giỏi chịu khổ thì khó trở thành giàu”. Đối với lực lượng doanh nghiệp Việt, tuy gắn với quá trình chuyển đổi kinh tế chưa lâu, song có những đặc điểm phát triển khác thường. Một mặt, đó là những doanh nghiệp có năng lực chống chịu và sinh tồn phi thường.
Một trong những bằng chứng rõ ràng, thuyết phục của nhận định đó chính là thực tế hiếm có nơi nào trên thế giới mà các doanh nghiệp phải trả giá vốn (lãi suất) cao như ở Việt Nam – thường là gấp 2-3 lần các nền kinh tế thị trường “bình thường” trên thế giới, chưa kể các khoản “chi phí giao dịch”, cũng thường là cao vượt trội. Xin lưu ý rằng việc trả giá vốn cao ở Việt Nam không diễn ra trong một thời gian ngắn, có tính nhất thời và đơn lẻ. Thực tế, nó đã kéo dài trường kỳ hàng chục năm.
Theo logic cạnh tranh thị trường, với gánh nặng chi phí như vậy, trình độ còn thấp và thực lực yếu, doanh nghiệp Việt khó có thể tồn tại trong môi trường kinh tế “mở”. Thế nhưng, một cách thực tế, các doanh nghiệp Việt vẫn tồn tại – một cách bền bỉ và mạnh mẽ, đóng góp ngày càng lớn vào thành tựu phát triển của đất nước.
Nhưng thực tế lại cũng cho thấy một khía cạnh khác trong quá trình phát triển của doanh nghiệp Việt. Câu hỏi đặt ra là tại sao với năng lực “chống chịu” và “trụ hạng” hiếm có như vậy mà đa số doanh nghiệp Việt mãi cứ là những thực thể nhỏ bé và yếu kém, cứ “chậm lớn”, “khó lớn”, “ngại lớn”, khi “li ti hóa” trở thành xu hướng xuyên suốt quá trình phát triển của doanh nghiệp Việt, mặc dù chúng là một trong những thành tố quan trọng nhất cấu thành “nội lực”, quyết định sự phát triển nền kinh tế Việt Nam như Đảng xác định.
Từ góc nhìn này, nếu đo sự phát triển doanh nghiệp theo logic “chạy tiếp sức”, sẽ thấy vấn đề tuổi thọ của doanh nghiệp Việt là đáng lo ngại. Theo thống kê chính thức, hàng năm, số doanh nghiệp “rút khỏi thị trường” xấp xỉ 70-75% số “đăng ký thành lập”. Đây là một tỷ lệ không bình thường. Nó hàm ý số doanh nghiệp Việt “sống thọ” không nhiều. Một bộ phận lớn doanh nghiệp “chưa kịp lớn” đã “ra đi”. Đối ngược lại khả năng sinh tồn cao của doanh nghiệp, xu thế đó báo động chất lượng thấp, năng lực cạnh tranh quốc tế yếu của doanh nghiệp Việt Nam.
Tình thế “nghịch lý” này được bộc lộ rõ rệt hơn bao giờ hết trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2023. Sang năm 2023, số doanh nghiệp Việt thành lập mới liên tục giảm trong khi số “rút khỏi thị trường” tăng mạnh. Tám tháng đầu năm 2023, tỷ lệ doanh nghiệp “rút khỏi thị trường” (124.700) so với số doanh nghiệp “mới thành lập” và “gia nhập lại” (149.400) đạt xấp xỉ 84%, cao vượt trội mức 68,7% của năm 2022. Xu thế phát triển doanh nghiệp chậm lại và khó khăn hơn trong thời gian gần đây phản ánh một tình thế mới, chưa từng thấy trong gần 40 năm đổi mới của Việt Nam.
Hai là, nền kinh tế “khát vốn” nhưng lại khó hấp thụ vốn.
Đến hết tháng 8/2023, giải ngân đầu tư công – trọng tâm của nỗ lực “bơm vốn cho nền kinh tế” của Chính phủ - được cải thiện rõ rệt so với các năm trước. Tuy nhiên, so với yêu cầu, mức độ tiến triển vẫn được coi là chậm: mới đạt 39,6% kế hoạch. Trong khi đó, ở kênh tín dụng, mức tăng trưởng chỉ đạt 5,5% trong khi mục tiêu cả năm là tăng 14%.
Nền kinh tế khát vốn nhưng không hấp thụ được vốn; nhiều doanh nghiệp “đói vốn” nhưng lâm vào tình thế “không thể, không dám và không cần” vay vốn, tùy theo hoàn cảnh mỗi doanh nghiệp. Đây thực sự là một nghịch cảnh phát triển.
Mức tăng trưởng tín dụng và giải ngân vốn đầu tư công thấp thực sự là điều gây bất ngờ trong bối cảnh đa số doanh nghiệp đang “đói vốn, khát vốn”. Nó càng khó ngờ khi trong mấy tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã nỗ lực đưa ra nhiều chính sách và giải pháp mạnh hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp thoát khỏi tình thế khó khăn.
Cộng lực với Chính phủ, hệ thống ngân hàng cũng làm điều “chưa từng thấy”: 4 lần hạ lãi suất, áp dụng nhiều giải pháp nới lỏng điều kiện vay vốn, cho dù áp lực nợ xấu, lạm phát, tỷ giá hối đoái và cả áp lực “phải đẩy mạnh cho vay”5 tiếp tục tăng.
Hẳn nhiên, trong tình trạng chung đầy bất thường và khác thường, sẽ còn nhiều nghịch lý phát triển khác (xem hộp ở dưới). Ở đây, việc chỉ tập trung giới thiệu hai “nghịch lý phát triển”điển hình [nêu trên], đơn giản vì chúng gắn với hai loại nguồn lực quan trọng bậc nhất của nền kinh tế thị trường (vốn và doanh nghiệp), tạm đủ để luận chứng về trạng thái bất thường – khác thường của nền kinh tế hiện nay.
Chúng là đủ để giúp khẳng định chính tình trạng ách tắc lưu thông các nguồn lực là căn nguyên “bất động hóa” các nguồn lực, làm cho chúng không thể chuyển hóa thành “động lực phát triển”, dẫn tới chỗ cơ thể kinh tế bị suy yếu, bị tổn thương và bất ổn.
(Tham luận của PGS. TS. TRẦN ĐÌNH THIÊN -
Nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023 ngày 19/9/2023)
>> Mời độc giả đón đọc: Bài 2 - Nguyên lý và kinh nghiệm
Có thể bạn quan tâm
PGS.TS Trần Đình Thiên: Kinh tế Việt Nam hiện nay cần “thông mạch, thông các nguồn lực”
10:45, 19/09/2023
Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng: Kinh tế Việt Nam đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất
10:09, 19/09/2023
Chủ tịch Quốc hội: Kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh xám màu kinh tế toàn cầu
09:26, 19/09/2023
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023: Tìm động lực mới cho tăng trưởng
08:00, 18/09/2023
Năng lượng mới tạo động lực tăng trưởng dài hạn cho kinh tế Việt Nam
16:00, 17/09/2023