Để kinh tế phục hồi, bứt phá: Bài 2 - Nguyên lý và kinh nghiệm
Không có gì thừa khi khẳng định lại bảo đảm để các nguồn lực lưu thông thông suốt là yếu tố quyết định hiệu quả của nền kinh tế và của doanh nghiệp.
>>Để kinh tế phục hồi, bứt phá: Bài 1 - Phát huy nội lực
Trong bộ “Tư bản”, K. Marx khẳng định: Tư bản (Capital = Vốn) là vận động, phải luôn vận động; vốn không vận động là vốn chết, không phải là vốn. Vốn chết không chỉ gây lãng phí to lớn cho các chủ sở hữu của nó mà còn đe dọa sự tồn tại của cả hệ thống, của nền kinh tế thị trường. Hệ thống kinh mạch bị ngưng trệ sẽ dẫn đến chỗ cơ thể bị hủy diệt.
Luận điểm đó hàm ý: không được phép để các nguồn lực bất động. Việc đưa chúng vào vận động, biến chúng thành động lực phải luôn luôn là trách nhiệm ưu tiên của các hoạt động điều hành. Năng lực – tiềm năng phải được chuyển hóa thành thực lực - động lực. Lợi thế so sánh, để phát huy được, phải biến thành lợi thế cạnh tranh. Không có sự chuyển hóa đó, nền kinh tế sẽ trì trệ, bất động, sẽ bị tiêu diệt trong cạnh tranh.
Không có gì thừa khi khẳng định lại bảo đảm để các nguồn lực lưu thông thông suốt là yếu tố quyết định hiệu quả của nền kinh tế và của doanh nghiệp.
Để bảo đảm lưu thông các nguồn lực trong nền kinh tế thị trường, cần xác lập các điều kiện sau:
Thứ nhất, hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế “xin - cho”, “hành chính”. Thứ hai, ưu tiên thúc đẩy phát triển các thị trường, đặc biệt là các thị trường “đầu vào”, tạo cơ sở để việc phân phối các nguồn lực diễn ra theo đúng nguyên tắc thị trường (cạnh tranh). Các thị trường đầu vào càng đồng bộ, hiệu quả phát triển càng cao. Thứ ba, bảo đảm “Tam thông” trong quá trình vận hành hệ thống gồm: Thông suốt hạ tầng; Thông thoáng cơ chế; Thông minh vận hành.
Đó là những đúc kết mang tính nguyên tắc - nguyên lý, nhưng thực chất là trực tiếp hướng tới giải quyết những vấn đề căn cốt đang đặt ra cho cho nền kinh tế Việt Nam ở khía cạnh tạo động lực và giải phóng năng lực phát triển. Có đủ căn cứ và cơ sở để nhận định rằng vấn đề mấu chốt của kinh tế Việt Nam hiện nay chính là “thông mạch, thông các nguồn lực” để giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng và phát triển.
Để giải quyết nhiệm vụ đó, định hướng ưu tiên được nhằm vào chính là phát triển đúng hướng và đúng cách các thị trường; ii) xây dựng một bộ máy quản trị và điều hành phát triển thông minh, biết dựa vào thị trường và có trách nhiệm.
Thực tiễn đổi mới - phát triển kinh tế thị trường của chính Việt Nam cung cấp nhiều bài học đặc sắc về phát huy nội lực nhờ biết cách khơi thông các mạch nguồn và tạo kết nối. Xin nêu một vài bài học điển hình:
Bài học thứ nhất: “Phát triển nền kinh tế nhiều thành phần”.
Quá trình đổi mới thực sự diễn ra nhờ áp dụng một công thức phát triển đơn giản hiếm thấy: từ bỏ việc cấm đoán kinh tế tư nhân và các thị trường, chính thức thừa nhận và cho phép vận hành nền kinh tế nhiều thành phần (thực chất là cho phép kinh tế tư nhân hồi sinh) và các thị trường đầu vào được hoạt động công khai.
Nền kinh tế bao cấp phi thị trường đang khủng hoảng nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ sụp đổ, ngay lập tức hồi sinh và trỗi dậy một cách thần kỳ.
Bài học thành công thật sự đơn giản: khai thông các thể chế thị trường, càng triệt để, thành tích phát triển càng lớn. Mấu chốt chính là thể chế, các kênh khơi thông nguồn lực (các thị trường) và cơ chế phân bổ phù hợp (cạnh tranh thị trường).
Chỉ tiếc là mãi hơn 30 năm sau, đến năm 2018, khu vực tư nhân - lực lượng kinh tế góp phần quan trọng bậc nhất vào thành công của đổi mới mới được chính thức thừa nhận là “một động lực quan trọng của nền kinh tế”.
Bài học thứ hai: bùng nổ phát triển năng lượng tái tạo.
Cho đến nay, điện vẫn luôn là một sản phẩm “khan hiếm”, mang tính “chính trị” cao và đặc biệt nhạy cảm về giá. Việc duy trì giá điện thấp theo kiểu “bao cấp” là nguyên nhân chính gây căng thẳng cung – cầu, thậm chí xung đột trong đời sống. Nó khuyến khích tiêu dùng điện giá rẻ, đồng nghĩa với khuyến khích nền sản xuất công nghệ thấp trong khi không khuyến khích đầu tư phát triển nguồn điện.
Sự căng thẳng này chỉ được giải quyết khi tiềm năng điện gió – điện mặt trời được phát huy nhờ Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế giá điện năng lượng tái tạo có tính khuyến khích cao. Bùng nổ các dự án điện gió, điện mặt trời ở các địa phương vốn rất nghèo do không có lợi thế phát triển nông nghiệp. Một sự đổi đời thật sự chủ yếu nhờ biết áp dụng cơ chế giá thị trường (phát triển thị trường điện).
Nền kinh tế, về nguyên tắc, thoát khỏi tình trạng khan hiếm điện – giống như đất nước trước đây, từ một quốc gia đói nghèo, nhanh chóng trở thành “cường quốc lúa gạo” nhờ áp dụng nhanh cơ chế giá thị trường cho mặt hàng thuộc loại “an ninh quốc gia”. Logic giá điện thị trường được áp dụng trong bối cảnh thế giới chuyển sang thời đại năng lượng mới chứa đựng xu thế đưa Việt Nam thành một quốc gia có vị thế năng lượng toàn cầu10.
Bài học thứ ba: thiên lệch trong phát triển các thị trường tài chính – tiền tệ.
Cho đến nay, sự phát triển thiên lệch các thị trường tài chính – ngân hàng là nguyên nhân cơ bản gây ra những bất ổn và rủi ro trong nền kinh tế. Thị trường tín dụng đang phải đóng vai là người cung cấp vốn chính – cả vốn ngắn hạn lẫn dài hạn - cho nền kinh tế; trong khi những thị trường và kênh có chức năng chính là cung cấp vốn dài hạn như thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu, kênh đầu tư công chưa được quan tâm phát triển đúng tầm và đúng cách, dẫn tới chỗ phát triển chưa đến tầm và thiếu đồng bộ.
Đây là một trong những căn nguyên chính của tình trạng tắc nghẽn cung – cầu về vốn, dễ tạo sóng đầu cơ và gây nhiều rủi ro hệ thống.
Một thực tế điển hình là cách phản ứng chính sách giật cục (điển hình là cách “ứng xử” với thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn 2021-2023) đã gây tổn thương cho thị trường, cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các kênh cung ứng vốn nhà nước quan trọng hàng đầu như đầu tư công (và cả chi tiêu công) gặp nhiều ách tắc về cơ chế, thủ tục, sau nhiều thập niên, hầu như không cải thiện gì về tốc độ, có những mặt còn trầm trọng hơn.
Về tổng thể, tình trạng thiên lệch phát triển và khó - không thể phối hợp hoạt động của các thị trường tài chính và các kênh cung ứng vốn công được xác định là nguyên nhân chính của tình trạng bất ổn và khó khăn mà khu vực kinh tế “nội” đang lâm vào. Tình trạng “không thể”, “không muốn” và “không dám” vay vốn của doanh nghiệp có căn nguyên từ cách phát triển các thị trường tài chính như vậy.
(Tham luận của PGS. TS. TRẦN ĐÌNH THIÊN -
Nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023 ngày 19/9/2023)
>> Mời độc giả đón đọc: Bài 3 - Thay đổi động thái và xu hướng khởi sắc
Có thể bạn quan tâm
PGS.TS Trần Đình Thiên: Kinh tế Việt Nam hiện nay cần “thông mạch, thông các nguồn lực”
10:45, 19/09/2023
Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng: Kinh tế Việt Nam đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất
10:09, 19/09/2023
Chủ tịch Quốc hội: Kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh xám màu kinh tế toàn cầu
09:26, 19/09/2023
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023: Tìm động lực mới cho tăng trưởng
08:00, 18/09/2023
Năng lượng mới tạo động lực tăng trưởng dài hạn cho kinh tế Việt Nam
16:00, 17/09/2023