Động lực tăng trưởng và phát triển bền vững: Bài 4 - Quyết tâm vượt thách thức
Nhóm Nghiên cứu dự báo kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng từ 6 - 6,75%/năm trong giai đoạn 2021 – 2030.
>>Động lực tăng trưởng và phát triển bền vững: Bài 1 - Biến đổi về xã hội - môi trường
Bối cảnh trong nước thời gian tới dự kiến đan xen cả thuận lợi và khó khăn.
Về mặt thuận lợi, nền kinh tế kế thừa được những thành quả phát triển của giai đoạn trước cũng như những nỗ lực, thành quả trong hơn 2,5 năm qua như: Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, hệ thống tài chính được củng cố và lành mạnh hóa, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng; Các động lực tăng trưởng có nhiều chuyển biến theo chiều sâu (thu hút đầu tư FDI chất lượng cao hơn, xuất khẩu tiếp tục tăng khá với hàm lượng giá trị tăng, sự phát triển chất lượng, bền vững hơn của khu vực kinh tế tư nhân); Các cân đối vĩ mô lớn tiếp tục được bảo đảm: nợ công duy trì ở mức thấp, cơ cấu thu chi ngân sách chuyển dịch theo hướng tích cực hơn, cơ cấu tín dụng tập trung nhiều hơn vào các lĩnh vực ưu tiên và SX-KD, hạn chế vào các ngành có rủi ro cao; cán cân thanh toán và vãng lai có sự cải thiện tích cực; Thể chế, môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện; các nước, doanh nghiệp toàn cầu thay đổi phương thức hợp tác trong chuỗi cung ứng (như friendshoring, nearshoring…); Sự nổi lên của tầng lớp trung lưu mang lại cơ hội lớn cho tiêu dùng trong nước; Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng…tiếp tục là những xu hướng quan trọng.
Về mặt thách thức, kinh tế Việt Nam vẫn chịu tác động bởi 5 thách thức, tồn tại, đó là: Những điểm nghẽn vẫn đang tồn tại: mô hình tăng trưởng kinh tế vẫn còn dựa nhiều theo chiều rộng; cơ cấu nền kinh tế còn chưa hợp lý; chất lượng tăng trưởng chưa cao; khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài còn yếu, thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN còn đang trong quá trình hoàn thiện,…v.v.; Thách thức từ việc thực thi các FTA mới, nhất là sức ép cạnh tranh XNK, thu hút FDI, sức ép cải cách, trong bối cảnh áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu; Việt Nam vẫn đi sau và đi theo trong xu thế phát triển công nghệ và mô hình kinh doanh mới; Vấn đề già hóa dân số, sự nổi lên của tầng lớp trung lưu và sự phát triển của KH-CN đòi hỏi thể chế chính trị phải minh bạch hơn, trách nhiệm và giải trình cao hơn, điều này đặt ra yêu cầu một thể chế, Nhà nước hiện đại hơn; (v) Việt Nam là 1 trong 6 nước có nguy cơ cao nhất chịu tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.
Với tốc độ tăng trưởng như thời gian qua, cùng với xu thế và bối cảnh nêu trên; nếu Việt Nam có thể tận dụng tốt các cơ hội, quyết tâm vượt qua thách thức, củng cố các động lực tăng trưởng hiện hữu và khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới, Nhóm Nghiên cứu dự báo kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng từ 6 - 6,75%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030, cụ thể như Bảng 5 dưới đây.
>>Động lực tăng trưởng và phát triển bền vững: Bài 2 - Nỗ lực từ cải cách thể chế
>>Động lực tăng trưởng và phát triển bền vững: Bài 3 - kiểm soát lạm phát
Dự báo một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Việt Nam đến năm 2025 và năm 2030
(So sánh giữa Kịch bản phát huy tốt các động lực tăng trưởng hiện hữu và mới với Kịch bản chưa phát huy tốt các động lực tăng trưởng hiện hữu và mới)
Nguồn: Đánh giá và ước tính của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV.
Bất chấp những khó khăn hiện tại, nền kinh tế Việt Nam có nhiều triển vọng tăng trưởng nhanh trong trung hạn, tiến tới tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục là quốc gia được hưởng lợi từ sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu hướng tới hình thành các trung tâm sản xuất tại Đông Nam Á.
Theo đó, từ nay đến năm 2025 và hướng tới 2030, một số động lực chính dự báo sẽ tiếp tục đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường mới nổi phát triển nhanh và bền vững hơn; với sự cộng hưởng của cả những động lực truyền thống và động lực mới như nhận định dưới đây.
Những động lực từ phía cung
Thứ nhất, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là một trong những trụ cột của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP và giải quyết việc làm cho người dân. Khu vực này có tỷ trọng chiếm khoảng 10- 12% trong tổng GDP của Việt Nam, tuy nhiên tỷ trọng lao động trong ngành này chiếm khoảng 42%. Để phát huy vai trò của nông nghiệp trong tăng trưởng kinh tế, Đảng và Nhà nước định hướng tập trung nhiều giải pháp phát triển “tam nông” theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp; đồng thời, đồng bộ các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của nông nghiệp đến môi trường và ngược lại. Theo đó, trong giai đoạn đến 2025 và đến 2030, khu vực này sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định và đóng góp khoảng 12% GDP hàng năm.
Thứ hai, khu vực công nghiệp và xây dựng vẫn là động lực quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; có tỷ trọng chiếm khoảng 33-35% trong tổng GDP Việt Nam, tuy nhiên tỷ trọng lao động trong ngành này chiếm khoảng 26%. Trong đó, các ngành sản xuất chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng và quy mô nền kinh tế. Theo đó, động lực tăng trưởng từ khu vực công nghiệp được dự báo sẽ duy trì đóng góp tích cực (khoảng 3 - 3,5 điểm %) vào tăng trưởng GDP hàng năm theo kịch bản Việt Nam tăng trưởng bình quân 6,5-7%/năm đến năm 2030.
Thứ ba, khu vực dịch vụ là động lực lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Khu vực này chiếm khoảng 40-45% GDP cả nước và đóng góp 32% việc làm cả nước. Trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, phát triển văn hóa, ứng dụng KHCN…; khu vực dịch vụ sẽ ngày càng phát triển với chất lượng và hiệu quả cao hơn, đóng góp khoảng 45% GDP hàng năm.
Những động lực từ phía cầu
Thứ nhất, động lực đến từ đầu tư (gồm đầu tư công, FDI và đầu tư tư nhân trong nước). Vốn đầu tư công ở Việt Nam có tỷ trọng 25,61% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tương đương 9,64% GDP (theo TCTK năm 2022). Tỷ trọng này cao hơn so với quốc tế (bình quân tại các nước phát triển là khoảng 5% GDP và của các nền kinh tế đang phát triển là 7-8%) bởi nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam còn rất lớn, trong khi khu vực tư nhân và khu vực FDI chưa đầu tư nhiều vào khu vực này. Với định hướng Đại hội Đảng XIII coi phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại là 1 trong 3 đột phá chiến lược, cùng với kỳ vọng giải pháp đột phá trong PPP, dự báo tiếp tục duy trì ở mức 10-12 % GDP từ nay đến năm.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã và vẫn sẽ là một trong những nguồn lực quan trọng. Khu vực FDI đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu và hình thành một số ngành, sản phẩm mới, đặc biệt là trong các ngành, lĩnh vực công nghệ Theo TCTK, năm 2022, khu vực FDI đóng góp khoảng 25% GDP, giải quyết việc làm cho khoảng 14,5 triệu lao động (tương đương 13% lực lượng lao động Việt Nam).
Về triển vọng đến năm 2025 và đến năm 2030, Việt Nam duy trì tốt nền tảng chính trị, kinh tế ổn định, các chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn (đặc biệt là Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị và Quyết định 667/QĐ- CP ngày 2/6/2022 về hợp tác đầu tư nước ngoài), lực lượng lao động dồi dào, khâu đào tạo kỹ năng được chú trọng hơn, chi phí lao động và sinh hoạt ở mức trung bình, hội nhập sâu rộng với 16 FTAs và quan tâm tăng trưởng xanh... khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Nhiều doanh nghiệp có chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn tiếp tục coi Việt Nam là một lựa chọn ưu tiên.
Từ những điều kiện thuận lợi trên cũng như để đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030, Nhóm nghiên cứu nhận định tăng trưởng thu hút vốn FDI vào Việt Nam cần phải cao hơn tăng trưởng GDP, dự báo tăng khoảng 8-10%/năm.
Đầu tư tư nhân hiện nay chiếm khoảng 58,2% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước, tiếp tục trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, bổ sung, bù đắp cho những nguồn đầu tư truyền thống là đầu tư công và đầu tư FDI; và/hoặc lấp đầy những lĩnh vực, ngành nghề mà khu vực công và khu vực FDI không hoặc chưa quan tâm đầu tư hoặc bị hạn chế về nguồn lực. Tăng cường đầu tư tư nhân không chỉ là động lực mới, giải pháp về vốn và nguồn tài chính mới mà còn đảm bảo chất lượng dịch vụ và áp dụng các công nghệ và ý tưởng mới. Vai trò của khu vực này có thể được phát huy tốt hơn nếu thực hiện một số giải pháp được nêu dưới đây (đóng góp 60% tổng vốn đầu tư toàn xã hội đến năm 2025 và khoảng 62-65% đến năm 2030).
Thứ hai, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ vốn đóng góp quan trọng cho nguồn thu ngân sách và phát triển kinh tế Việt Nam, sẽ ngày càng củng cố vai trò quan trọng khi Việt Nam tham gia nhiều FTA thế hệ mới. Theo Bộ Công thương, các FTA thế hệ mới tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng trong nước, nâng cao năng cạnh tranh…v.v. Theo đó, Nhóm Nghiên cứu dự báo tăng trưởng xuất khẩu khoảng 7-9%/năm, nhập khẩu hàng hóa khoảng 5-7%, thặng dư thương mại tương đương khoảng 4-4,5 % GDP và đóng góp khoảng 25-30% vào mức tăng trưởng.
Thứ ba, tiêu dùng với quy mô tương đương khoảng 70% GDP và là động lực truyền thống và quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tỷ trọng quy mô tiêu dùng/GDP của Việt Nam xếp ở nửa trên tại khu vực và thế giới (đứng 5/10 ở ASEAN, thứ 18/38 ở châu Á và thứ 81/116 trên thế giới). Về triển vọng đến năm 2030, với cơ cấu dân số còn khá trẻ, kinh tế phát triển nhanh, cùng với xu thế hội nhập và giao lưu quốc tế lớn, tầng lớp trung lưu tăng nhanh (10- 12%/năm), nhu cầu tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP, ước tăng 7,2-7,4%/năm, tương đương với giai đoạn vừa qua, đóng góp khoảng 48-50% vào tăng trưởng.
Những động lực tăng trưởng mới
Từ năm 2020 đến nay, bối cảnh kinh tế thế giới biến chuyển nhanh chóng, với hai nguyên nhân lớn nhất là đại dịch Covid-19 và xung đột tại Ukraina. Theo đó, nhu cầu và hành vi đầu tư, tiêu dùng đã thay đổi theo hướng tiết kiệm và bảo vệ sức khỏe nhiều hơn, nhiều mô hình kinh doanh, xu hướng công nghệ mới phát triển nhanh hơn so với dự đoán. Từ đó, những xu thế vận động mới này có thể trở thành động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung dài hạn.
Thứ nhất, động lực từ xu hướng phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, với việc hoàn thiện hành lang pháp lý; khắc phục các hạn chế về hạ tầng, nguồn nhân lực số, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, an ninh mạng và bảo mật thông tin, dữ liệu; dự báo kinh tế số Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ về cả lượng và chất đến năm 2025 và 2030, góp phần tăng quy mô và tốc độ tăng trưởng, tăng năng suất lao động, tính hiệu quả và bền vững. Dự báo, kinh tế số sẽ đóng góp khoảng 25-30% GDP và đóng góp khoảng 0,63 - 1,35 điểm % vào mức tăng trưởng GDP hàng năm.
Thứ hai, động lực đến từ nâng cao năng suất lao động và TFP (hay gia tăng chất lượng). Đây vừa là động lực vừa là giải pháp để kinh tế Việt Nam nâng cao hiệu quả và chất lượng trong những năm tới. Thực tế, năng suất lao động của Việt Nam đang thấp hơn nhiều quốc gia châu Á (chỉ bằng 12,2% Singapore, bằng 63,9% Thái Lan, 94,2% Philippines, 24,4% Hàn Quốc, 58,9% Trung Quốc…); trong khi đó, TFP năm 2022 của Việt Nam chỉ đóng góp 43,8% vào tăng trưởng GDP, thấp hơn bình quân 45,7% giai đoạn 2016-2020.
Rõ ràng, Việt Nam còn nhiều dư địa để nâng cao NSLĐ và TFP bởi những kết quả những năm gần đây vẫn cách xa so với mục tiêu đã nêu. Nhóm Nghiên cứu dự báo với đà này cùng với việc phát huy tốt các động lực tăng trưởng, năng suất lao động Việt Nam dự báo tăng khoảng 4,5-5% giai đoạn 2021-2025 (mục tiêu là 6,5%) và tăng 6-6,5% giai đoạn 2026-2030 (mục tiêu là 6,8-7%). Tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP dự báo đạt khoảng 40-45% giai đoạn 2021-2025 và 50-55% giai đoạn 2026-2030.
Thứ ba, động lực từ khu vực kinh tế tư nhân sẽ ngày càng đóng quan trọng cho nền kinh tế, bổ sung và làm giàu các nguồn lực mà khu vực Nhà nước không làm hoặc không làm được. Tuy nhiên, cần phải có đột phá về cơ chế, chính sách thì khu vực này mới có thể đóng góp khoảng 45% GDP đến năm 2025 và 50-55% GDP đến năm 2030 (ở cận dưới của mục tiêu đóng góp 55- 65% GDP theo tinh thần Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Trung ương, Nghị quyết 45/NQ-CP ngày 31/3/2023 của Chính phủ về chính sách phát triển kinh tế tư nhân đến năm 2030).
Thứ tư, động lực từ hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế. Đây có thể đánh giá là động lực đột phá nhưng cũng khó thực hiện và có thể cần nhiều thời gian nhất bởi động lực này giúp kiến tạo cơ chế mới, cách thức vận hành mới, tạo ra môi trường kinh doanh – đầu tư hấp dẫn, minh bạch. Việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế đã được thực tế và khoa học chứng minh có tác động tích cực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đóng góp khoảng 0,05 - 0,27 điểm %/năm vào tăng trưởng GDP (tùy theo quy mô và chất lượng hoàn thiện thể chế).
Thứ năm, động lực từ lợi ích thiết thực của kinh tế xanh và chủ động thích ứng biến đổi khí hậu của Việt Nam. Kinh tế xanh là một nền kinh tế dựa trên việc sử dụng hiệu quả tài nguyên và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh15 cũng đã xác định mục tiêu, giải pháp nâng cao vai trò và đóng góp của tăng trưởng xanh: Đây là giải pháp quan trọng để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050; Tăng trưởng xanh là lựa chọn dài hạn để đảm bảo cân đối, hài hòa mục tiêu giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính với sự phát triển và quy mô ngày càng tăng của nền kinh tế; Đưa nền kinh tế xanh từ quy mô 6,7 tỷ USD năm 2020 (khoảng 1,95% GDP) lên 300 tỷ USD trong GDP vào năm 2050 (~ 10% GDP16), trong đó, tỷ trọng đóng góp của kinh tế xanh đến năm 2025 là 1,8–2% GDP và đến năm 2030 là 3,3–3,5% GDP. Tức là, mức đóng góp của kinh tế xanh vào GDP tăng bình quân khoảng 15%/năm trong giai đoạn 2021-2050.
Thứ sáu, động lực từ quyết tâm nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đây cũng là một trong những mục tiêu quan trong của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Việc Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được với nguồn vốn, công nghệ, kỹ năng quản trị, thị trường và đối tác mới; từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng giá trị cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được thúc đẩy từ việc tăng sản xuất, xuất khẩu, thu nhập, việc làm và hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện tại, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam liên quan đến GVC chiếm khoảng 65% tổng kim ngạch xuất khẩu17. Theo tính toán của WB (2022), việc nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu sẽ giúp tăng thêm 2-3% GDP của Việt Nam mỗi năm.
Một số kiến nghị
Kinh tế Việt Nam đang ở trên đà tăng trưởng nhanh nhưng những tác động từ bên ngoài và hạn chế nội tại đã và đang kìm hãm tốc độ tăng trưởng và phát triển bền vững hơn. Trong thời gian tới, cơ hội và thách thức đan xen, vì vậy muốn lấy lại đà phát triển nhanh và bền vững đòi hỏi Quốc hội và Chính phủ cần thực hiện nhiều chính sách, giải pháp vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng chống chịu, củng cố các động lực tăng trưởng truyền thống vừa tạo không gian đủ rộng để khai thác hiệu quả các mô hình, động lực tăng trưởng mới, cho cả trước mắt và lâu dài. Theo đó, Nhóm Nghiên cứu kiến nghị 2 nhóm giải pháp chính sau:
Nhóm giải pháp củng cố các động lực tăng trưởng hiện hữu
Những động lực tăng trưởng hiện hữu như: xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng vẫn luôn là những động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, nhưng những tác động từ những biến động tiêu cực của kinh tế thế giới đã phần nào làm suy yếu những động lực truyền thống. Do vậy, để củng cố những động lực truyền thống này, nhân rộng lan tỏa sang những động lực mới, nhiều triển vọng phát
huy phù hợp với điều kiện của Việt Nam, Nhóm Nghiên cứu kiến nghị 6 giải pháp như sau:
Một là, cần tiếp tục nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 6/1/2023; các chỉ thị, nghị quyết, nghị định của Quốc Hội và Chính phủ đã ban hành như nêu trên; tiếp tục bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế; chủ động phân tích, dự báo diễn biến các thị trường quốc tế để có kịch bản chủ động ứng phó phù hợp; tiếp tục bình ổn, lành mạnh hóa các thị trường (chứng khoán, TPDN, BĐS, xăng dầu, thanh khoản ngân hàng…) nhằm củng cố niềm tin nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân, và cũng là góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh – an sinh xã hội.
Hai là, các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai Chương trình phục hồi 2022-2023, các chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân đầu tư công, nhất là đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao, đầu tư cơ sở hạ tầng; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ dự án, giải phóng mặt bằng, điều chuyển vốn, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong triển khai; tiến tới xem xét sửa đổi Luật đầu tư công và các quy định liên quan phù hợp.
Ba là, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó cần chú trọng các động lực tăng trưởng hiện hữu bao gồm: Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công bởi theo đánh giá của Viện ĐT&NC BIDV, nếu giải ngân được 95% tổng vốn 713 nghìn tỷ đồng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đầu tư Nhà nước tăng 30%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 13,2% và đóng góp 2 điểm % vào tăng trưởng GDP năm 2023; Kích cầu tiêu dùng nội địa, theo tính toán của Nhóm Nghiên cứu, tiêu dùng (loại trừ yếu tố giá) tăng thêm 1 điểm % sẽ giúp GDP tăng thêm 0,2 điểm %; Quan tâm thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế, nhất là Hà Nội và TP. HCM (hai thành phố này đóng góp khoảng 39% tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2019 và có tính lan tỏa cao), qua đó thúc đẩy liên kết vùng…v.v.
Bốn là, tiếp tục phối hợp chính sách hiệu quả (đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác) nhằm tiếp tục giảm lãi suất, bình ổn tỷ giá, giá hàng hóa thiết yếu và các thị trường tài chính, xây dựng, BĐS, lao động…; nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng. Theo đó, cần tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác đã ban hành (như nêu trên) cũng như chính sách hoàn thuế VAT…v.v.
Năm là, quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ suy giảm xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng bằng cách: Khai thác tốt hơn các FTAs đã ký kết, thực hiện hiệu quả hơn công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, đa dạng hóa hàng hóa và thị trường xuất khẩu, đầu tư; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về qui định phòng cháy - chữa cháy, cung ứng điện, đẩy lùi tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy…; Triển khai hiệu quả các biện pháp khuyến mại, kích cầu thương mại và du lịch trong nước; Rà soát, cập nhật và điều chỉnh cơ chế, chính sách thu hút FDI theo hướng tập trung vào cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là các vấn đề về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực; Quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc, rào cản lớn đối với doanh nghiệp hiện nay, nhất là về vấn đề pháp lý, thị trường đầu ra, tiếp cận vốn (đặc biệt là khả năng tiếp cận và năng lực hấp thụ vốn) và lao động.
Sáu là, chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế (nhất là các DNNN, dự án yếu kém, TCTD yếu kém, đầu tư công…) nhằm thu hút và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn (theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng XIII và của Quốc Hội). Việc này đã bị chậm trễ thời gian qua do phải ưu tiên giải quyết những việc cấp bách trước (dịch bệnh, thiên tai, suy giảm tăng trưởng…); nay cần quan tâm hơn và kiên trì, nhất quán thực hiện như nhiều quốc gia đang làm sau dịch bệnh, xung đột vũ trang…v.v.
Nhóm giải pháp phát huy, khai thác động lực tăng trưởng mới
Bên cạnh việc củng cố những động lực tăng trưởng truyền thống, việc phát huy, khai thác những động lực tăng trưởng mới nhằm phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, đạt mục tiêu chiến lược đã đề ra; Nhóm Nghiên cứu kiến nghị 6 nội dung như sau:
Thứ nhất, đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế (nhất là các luật đất đai, nhà ở, kinh doanh BĐS, TCTD, đấu thầu…), bao gồm cả tháo gỡ rào cản, chú trọng khâu thực thi và phối hợp chính sách; quan tâm xây dựng thể chế cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn (bao gồm cả cơ chế thử nghiệm – sandbox), vừa tận dụng cơ hội, vừa hỗ trợ vượt qua khó khăn, thách thức.
Thứ hai, sớm xây dựng đề án nâng cao năng suất lao động quốc gia (cùng với chuyển đổi số sẽ góp phần tăng đóng góp của TFP vào tăng trưởng); theo đó, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ cao, đòi hỏi trình độ lao động cao; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (chú trọng kỹ năng, đạo đức kinh doanh...); tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; tạo môi trường thông thoáng hơn nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phối hợp chính sách; đặc biệt sớm thành lập Ủy ban Năng suất guốc gia như một số quốc gia có năng suất lao động cao đã làm.
Thứ ba, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, bền vững hơn; theo đó, cần có đánh giá, rà soát việc thực hiện Nghị quyết 10- NQ/TW ngày 3/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân để có đề xuất cập nhật, điều chỉnh phù hợp bối cảnh mới hiện nay (Trung Quốc vừa thành lập Cơ quan hỗ trợ Kinh tế tư nhân với chức năng chính là thiết kế chính sách, phối hợp chính sách và đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho khu vực này...).
Thứ tư, thúc đẩy tăng trưởng xanh; chủ động thích ứng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Theo đó, cần sớm ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020; kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn, Chương trình/chiến lược thực hiện cam kết “Zero – carbon” đến năm 2050..., trong đó cần sớm ban hành tiêu chí xanh, có cơ chế động lực và chế tài cụ thể nhằm thúc đẩy xanh hóa, tăng cường truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm chung tay xanh hóa, chống BĐKH...v.v.
Thứ năm, xây dựng đề án, chiến lược, giải pháp cụ thể nhằm tăng tính độc lập, tự chủ, tự cường và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, của các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp Việt Nam; trong đó bao gồm các giải pháp cụ thể nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, chú trọng hơn phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tận dụng tốt hơn các FTA để tăng cường kết nối với các đối tác chiến lược cả thượng nguồn và hạ nguồn, đồng thời đa dạng hóa thị trường, đối tác nhằm kiểm soát rủi ro phụ thuộc vào một vài đối tác, thị trường...v.v.
Cuối cùng, chú trọng xây dựng, quản lý và khai thác cơ sở thông tin, dữ liệu trong mỗi lĩnh vực, ngành nghề, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp vì đây vừa là tài sản quý giá, vừa là cơ sở ra quyết định, xây dựng cơ chế, chính sách, tổ chức và giám sát thực hiện công khai, minh bạch và hiệu quả hơn.
(Tham luận của TS. CẤN VĂN LỰC và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV
tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023 ngày 19/9/2023)
Có thể bạn quan tâm
Để kinh tế phục hồi, bứt phá: Bài 2 - Nguyên lý và kinh nghiệm
06:20, 20/09/2023
Để kinh tế phục hồi, bứt phá: Bài 1 - Phát huy nội lực
02:00, 20/09/2023
Hỗ trợ doanh nghiệp chủ động tham gia kinh tế tuần hoàn
15:06, 19/09/2023
Phát huy nội lực cho tăng trưởng kinh tế bền vững
14:20, 19/09/2023