Cơ hội để Việt Nam đón bắt sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu
Thế giới đang tái cấu trúc nền kinh tế. Trong bối cảnh thế giới “xây lại chợ”, Việt Nam hy vọng sẽ có thêm được những “gian hàng”.
>>TS.Vũ Tiến Lộc: Nâng cấp doanh nghiệp là “mệnh lệnh” cho việc đổi mới
TS.Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội (Hà Nội), Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam chia sẻ với DĐDN về cơ hội để Việt Nam đón bắt sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.
- Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ mang lại cơ hội gì cho Việt Nam, thưa ông?
Thứ nhất, khi có xu hướng chuyển dịch các chuỗi cung ứng từ Trung Quốc thì Việt Nam sẽ trở thành một đối tượng quan trọng để đón nhận dòng dịch chuyển này, đơn cử chuỗi cung ứng bán dẫn là một điển hình.
Thứ hai, Việt Nam gần với Trung Quốc, khi các chuỗi cung ứng dịch chuyển ra ra ngoài Trung Quốc nhưng một số bộ phận chuỗi cung ứng phải một thời gian sau mới dịch chuyển hết. Lúc này, việc kết nối chuỗi cung ứng bên ngoài với bên trong Trung Quốc sẽ được “kết nối” từ Việt Nam.
Thứ ba, hiện nay các quốc gia có xu hướng vừa hợp tác nhưng vừa kiềm chế lẫn nhau. Trung Quốc là một ví dụ điển hình. Khi các nước “bỏ trứng vào một giỏ”, Mỹ và châu Âu tập trung và muốn đưa Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc lại “đe doạ” lại Mỹ và các nước châu Âu.
Trong khi, Việt Nam có lợi thế địa chính trị trong khu vực và trên thế giới, nhưng lại là nước có quy mô công nghiệp không lớn. Do có sự chênh lệch về trình độ nên có thể tương hỗ lẫn nhau trong tiếp cận chuỗi giá trị khi chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển.
Thứ tư, sự chuyển dịch các chuỗi cung ứng hiện nay chủ yếu diễn ra ở các nước châu Á, đặc biệt khu vực Đông Bắc Á. Do các nước này đang bị suy giảm dân số nên họ hướng đến Việt Nam.
Đây là lợi thế rất lớn đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Vấn đề là chúng ta phải nâng cao chất lượng lao động. Vì cơ hội cho Việt Nam tiếp nhận dòng vốn từ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng là chất lượng cao.
>>Ứng phó trong biến động chuỗi cung ứng toàn cầu
>>“Cuộc chiến” chất bán dẫn (Kỳ II): Bùng nổ xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng
- Như ông chia sẻ, “thế giới xây lại chợ” hy vọng Việt Nam sẽ có thêm những “gian hàng”. Vậy, theo ông Việt Nam cần làm gì để có thêm được những “gian hàng” đó?
Một là, đột phá về thể chế. Việc dịch chuyển các chuỗi cung ứng tích tụ rất nhiều yếu tố. Ví dụ, dịch chuyển theo chiều hướng địa chính trị, sự phân bổ lại địa chính trị, theo yêu cầu của cuộc cách mạng công nghệ như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
Việc này tạo ra cơ hội rất lớn cho những nước đi sau có thể vượt lên, nhưng vẫn phải có sự chuẩn bị về cơ sở, nguồn nhân lực và thể chế. Đối với những nước đi sau trong nền kinh tế số như Việt Nam, so với các nền kinh tế khác cũng không có khoảng cách quá xa như trong lĩnh vực cơ khí hay lĩnh vực khác.
Vì các nước cũng mới chuyển đổi sang nền kinh tế số hơn 20 năm. Do đó, nền kinh tế số sẽ tạo “bước nhảy” cho những nước đi sau như Việt Nam. Do đó, chúng ta phải tạo ra thể chế nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… để “mở đường” cho dòng đầu tư như lĩnh vực năng lượng.
Các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng đầu tư hàng tỉ USD vào lĩnh vực năng lượng sạch tại Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn, khi chúng ta thu hút được các nhà đầu đầu tư năng lượng sạch, xanh thì đồng nghĩa với việc thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao vào Việt Nam.
Vì với những dự án này bao giờ cũng đòi hỏi rất cao về môi trường, sự minh bạch… Khi chúng ta làm được thì dòng vốn đầu tư trên thế giới sẽ chuyển về Việt Nam.
Hai là, nguồn nhân lực. Đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đúng với tất cả các chương trình đổi mới hệ thống giáo dục đào tạo. Hệ thống giáo dục đào tạo đã có cải cách, cải tiến nhưng chưa đột phá.
Ba là, cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng đã có sự phát triển đột phá, nhưng thời gian tới cần tăng tốc hơn.
- Ông có đề xuất gì để Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư trong thời gian tới?
Thứ nhất, mở cửa, đón nhận, cộng sinh hợp tác cùng có lợi với các nhà đầu tư trên thế giới để nâng cao trình độ công nghệ trong nước. Tất cả các nước đều bắt đầu quá trình công nghiệp hoá bằng gia công, lắp ráp. Nhưng kéo dài gia công lắp ráp 30 năm thì “không ổn”.
Thẳng thắn nhìn nhận, chính sách công nghiệp của chúng ta không thành công, thậm chí tụt hậu. Như vậy, Việt Nam phải chủ động đón nhận các nhà đầu tư, sau đó bắt kịp và vươn lên trong vòng từ 15 năm đến 20 năm tới. Khi đó, chúng ta mới hy vọng đến năm 2045 trở thành nước phát triển.
Thứ hai, chính sách cần thiết kế theo chuỗi cung ứng hoặc theo hệ sinh thái để tạo điều kiện cho sự kết nối, không chỉ cho từng doanh nghiệp hay từng sản phẩm.
Thứ ba, thế giới đang tái cấu trúc nền kinh tế. Trong khi thế giới “xây lại chợ”, Việt Nam hy vọng sẽ có thêm được những “gian hàng”, nhưng phải có sự chuẩn bị chu đáo để đón nhận. Đơn cử, chính sách ngoại giao của Việt Nam đang làm rất tốt, đó là sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước trên thế giới. Các doanh nghiệp cũng phải vận dụng cơ chế “mềm” trong một thế giới “động” như hiện nay.
Thứ tư, một chu kỳ, một chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cộng sinh hợp tác chuyển giao công nghệ diễn ra từ 10 đến 15 năm… chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Tuy nhiên, cần đặc biệt cần quan tâm đến năng lực nội sinh trong xu thế cộng sinh.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Ứng phó trong biến động chuỗi cung ứng toàn cầu
03:00, 04/10/2023
“Cuộc chiến” chất bán dẫn (Kỳ II): Bùng nổ xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng
04:00, 03/10/2023
CHUỖI CUNG ỨNG NÔNG NGHIỆP AN TOÀN: Cần thay đổi tư duy liên kết sản xuất kinh doanh
10:43, 29/09/2023