Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục có sự phục hồi từ quý IV/2023?

ĐÌNH ĐẠI 11/10/2023 04:00

Các chỉ báo kinh tế vẫn cho thấy Việt Nam đang ở cuối chu kì suy thoái. Nền kinh tế sẽ sẵn sàng bước vào chu kỳ phục hồi trong quý IV/2023.

>>>Kinh tế Việt Nam 2023 và một số gợi ý chính sách

Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục có sự phục hồi từ quý IV/2023.

Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục có sự phục hồi từ quý IV/2023.

Giải ngân đầu tư công 9 tháng vượt 50%

Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán DSC cho biết, tính tới hết tháng 9/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách Nhà nước trên toàn quốc ước đạt hơn 363 nghìn tỷ đồng, đạt 51,3% kế hoạch Chính phủ giao. Tỷ lệ này cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (46,7%), tương đương khoảng hơn 110.000 tỷ đồng xét về giá trị tuyệt đối.

DSC cho rằng, đây là tín hiệu đáng tích cực trong việc giải ngân vốn đầu tư công bởi mặc dù tổng vốn Chính phủ giao trong năm nay là rất lớn nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái và là năm đầu tiên tỷ lệ giải ngân 9 tháng đầu năm vượt mức 50%.

“Đầu tư công là một công cụ chính sách tài khóa hữu hiệu, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công sẽ tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đang tăng trưởng chậm và cần thêm nhiều “vốn mồi” để kích thích đầu tư”, DSC đánh giá.

Dẫn số liệu từ Tổng Cục thống kê, DSC cho biết, lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải ngân của TP.HCM đạt 42,2% trên tổng số vốn được giao là hơn 70.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tốc độ giải ngân của Hà Nội khả quan hơn ở mức 57,7%. 2 thành phố trực thuộc Trung ương còn lại là Hải Phòng và Cần Thơ đều duy trì được tốc độ giải ngân vốn tốt, lần lượt đạt 57,5% và 67,7%, cao hơn so với trung bình cả nước.

DSC kỳ vọng, Hà Nội và TP.HCM sẽ đẩy nhanh được tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 3 tháng cuối năm 2023, nhờ các đại dự án lớn như đường Vành đai 3 TP.HCM và Vành đai 4 TP.HCM.

Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tiếp tục duy trì tốc độ giải ngân ở mức tốt, lũy kế 9 tháng đầu năm 2023 đạt 56.631 tỷ đồng, đạt 61,9% kế hoạch được giao. Hiện nay các dự án giao thông trọng điểm như cao tốc Bắc-Nam 2 giai đoạn, Dự án bồi thường, tái định cư sân bay Long Thành vẫn đang có tiến triển tốt. Tuy nhiên với tổng số vốn được giao trong năm nay lên tới hơn 95.000 tỷ đồng, DSC cho rằng, áp lực giải ngân trong nhưng tháng cuối năm của Bộ GTVT vẫn là rất lớn.

Về hoạt động doanh nghiệp, theo DSC, trong tháng 9, số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động đạt 18.492 doanh nghiệp, gần như không đổi so với tháng trước. Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh, chờ và đã giải thể đạt 10.838 doanh nghiệp giảm 8% so với tháng trước.

Tính chung 9 tháng năm 2023, cả nước có 116 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.086 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 748,9 nghìn lao động, tăng 3,1% về số doanh nghiệp, giảm 14,6% về vốn đăng ký và giảm 1,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong 9 tháng này, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 75,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước; 46,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,9%; 13,2 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,3%. Bình quân một tháng có 15 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

“Tuy lạm phát giảm nhẹ nhưng nền kinh tế chưa thực sự phục hồi là lý do cho sự giảm sút về số doanh nghiệp đăng kí mới. Quy mô sản xuất cũng như PMI quay trở lại mức thu hẹp càng thể hiện rõ hơn về môi trường doanh nghiệp Việt Nam hiện nay”, DSC đánh giá.

Sẽ bước vào pha hồi phục trong phần cuối năm 2023

Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), DSC cho biết, lũy kế 9 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam đạt 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Xét về mặt giải ngân, FDI thực hiện đạt 15,9 tỷ USD (cao nhất giai đoạn 2018-2023).

Xét về cơ cấu ngành thu hút FDI, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 14 tỷ USD, tăng 15,5% và chiếm xấp xỉ 69,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Vốn FDI rót vào ngành Bất động sản giảm mạnh nhưng vẫn giữ vị trí thứ 2 với 1,94 tỷ USD, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 9,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Về đối tác, 6 nhà đầu tư truyền thống đến từ Châu Á vẫn chiếm tỷ trọng lớn (Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan…); chiếm 78,8% tổng vốn đầu tư cả nước. Về địa phương, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,34 tỷ USD; đứng vị trí thứ hai là Hải Phòng (2,21 tỷ USD), với loạt dự án mới nổi bật như nhà máy vật liệu sinh học Ecovance, nhà máy phụ tùng oto Daimay…

“Như vậy, tình hình thu hút FDI vẫn duy trì đà tăng trong tháng 9. Mặc dù vốn điều chỉnh giảm, nhưng xu hướng đã có sự cải thiện hơn so với tháng trước. Việt Nam vẫn được xem là “vùng đất màu mỡ” trên bản đồ thu hút đầu tư FDI với nhiều lợi thế về chi phí và vị trí”, DSC đánh giá.

Đồng thời, Công ty Chứng khoán này cũng kỳ vọng, các chuyến công du tới Hoa Kỳ, Brazil của Thủ tướng Chính phủ, sẽ giúp Việt Nam nhận được sự quan tâm lớn. Hiện tại, Việt Nam đang rất nỗ lực triển khai hàng loạt dự án hạ tầng kết nối và giảm bớt thủ tục hành chính, là tiền đề hút vốn FDI trong những tháng cuối năm.

DSC cũng cho rằng, ở thời điểm hiện tại, các yếu tố vĩ mô đang chỉ ra rằng Việt Nam đang ở cuối chu kỳ suy thoái và sẽ bước vào pha hồi phục trong phần cuối năm 2023, nhờ các yếu tố sau: Số lượng đơn đặt hàng và nhu cầu tăng vượt khả năng sản xuất của một số doanh nghiệp; Tăng trưởng tín dụng vẫn rất yếu so với cùng kỳ năm trước nhưng đã cho thấy dấu hiệu tích cực sau các chính sách của ngân hàng nhà nước; Nguồn vốn FDI tiếp tục tăng trưởng ổn định; Ghi nhận tháng thứ 3 liên tiếp đón trên 1 triệu lượt khách quốc tế; Tỷ giá đang được kiểm soát; Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên đà tăng trưởng; Lần đầu tiên tỷ lệ giải ngân 9 tháng đầu năm vượt mức 50%.

“Với kỳ vọng tỷ giá neo cao nhưng được kiểm soát sẽ giúp cho ngành xuất khẩu nở rộ, các chính sách hỗ trợ kinh tế của nhà nước phát huy hiệu quả vốn có, Tăng trưởng tín dụng có thể hồi phục trong các tháng tới để đạt mục tiêu 14% trong năm nay, chúng tôi duy trì kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục có sự phục hồi từ quý IV/2023”, DSC kỳ vọng.

Có thể bạn quan tâm

  • Kinh tế Việt Nam 2023 và một số gợi ý chính sách

    Kinh tế Việt Nam 2023 và một số gợi ý chính sách

    02:00, 26/09/2023

  • Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng: Kinh tế Việt Nam đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất

    Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng: Kinh tế Việt Nam đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất

    10:09, 19/09/2023

  • Chủ tịch Quốc hội: Kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh xám màu kinh tế toàn cầu

    Chủ tịch Quốc hội: Kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh xám màu kinh tế toàn cầu

    09:26, 19/09/2023

  • Năng lượng mới tạo động lực tăng trưởng dài hạn cho kinh tế Việt Nam

    Năng lượng mới tạo động lực tăng trưởng dài hạn cho kinh tế Việt Nam

    16:00, 17/09/2023

  • Kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu phục hồi và khởi sắc

    Kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu phục hồi và khởi sắc

    00:10, 12/09/2023

ĐÌNH ĐẠI