Khai thác hiệu quả dữ liệu tuần hoàn trong nền kinh tế xanh
Trên hành trình tiến tới nền kinh tế xanh quốc gia, bên cạnh việc cải thiện môi trường kinh doanh, doanh nghiệp phải tiếp cận và khai thác dữ liệu tuần hoàn ngày càng hiệu quả hơn.
>>>5 thách thức của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xanh
Xu hướng phân tích dữ liệu trong nền kinh tế xanh
Không thể chối bỏ rằng dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế và thúc đẩy tiến bộ công nghệ. Gần đây, nghiên cứu của Li Wang và cộng sự (2022) tại Trung Quốc cho thấy phân tích dữ liệu ảnh hưởng tích cực đối với tiến bộ công nghệ xanh và hiệu quả trong nền kinh tế xanh.
Phân tích dữ liệu vừa là hoạt động thành phẩm, vừa là động lực của mô hình kinh doanh tuần hoàn. Áp dụng dữ liệu vào các hoạt động kinh doanh tuần hoàn của doanh nghiệp (gọi là dữ liệu tuần hoàn) nhằm hướng đến xây dựng nền kinh tế xanh. Trong báo cáo đánh giá của tổ chức phi lợi nhuận GS1 tại Châu Âu, dữ liệu tuần hoàn không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện các tiêu chuẩn toàn cầu mà còn góp phần nâng cao hiệu quả truy cập hiển thị, tăng cường chất lượng dịch vụ của nhà cung cấp và đề xuất cải thiện tính bền vững của sản phẩm, dù ở bất kỳ đâu trên toàn thế giới.
Đơn cử như việc thí điểm “Hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số” (DPP) tại EU. Đầu tiên, người tiêu dùng có thể sử dụng DPP để truy cập nguồn gốc và thành phần của sản phẩm. Thứ hai, DPP cung cấp thông tin về khả năng sửa chữa và tháo dỡ sản phẩm mà người tiêu dùng đang sử dụng. Thứ ba, ngoài việc thông tin về tình trạng sản phẩm, chức năng tích hợp trong DPP sẽ đề xuất cách xử lý khi hết hạn sử dụng.
>>>Tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế bền vững trở thành xu thế tất yếu của thế giới
Thực hiện chiến lược khai thác dữ liệu tuần hoàn
Doanh nghiệp chủ động kết nối
Vòng tuần hoàn của doanh nghiệp có thể phân ra làm 2 giai đoạn. Doanh nghiệp bắt đầu từ những ý tưởng khởi phát, tiến hành thu thập nguyên liệu thô cho quá trình sản xuất, sau đó thông qua quy trình sản xuất nghiêm ngặt của doanh nghiệp để ra đời các sản phẩm, thực hiện phân phối, sử dụng, sửa chữa và thu hồi sản phẩm sau sử dụng. Đây là giai đoạn 1 trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Ở giai đoạn 2, doanh nghiệp bước vào quy trình tái chế sản phẩm. Những sản phẩm sau sử dụng lần nữa trở thành các nguyên liệu thô đầu vào. Bằng ý tưởng tái chế, các sản phẩm lần nữa được tái sinh hoặc tạo ra những sản phẩm mới nhờ vào quy trình tái sản xuất tại doanh nghiệp hoặc bên thứ ba thực hiện. Các sản phẩm lần nữa đến tay người tiêu dùng qua kênh phân phối, được tái sử dụng và tiếp tục quy trình tái chế, nếu sản phẩm sau sử dụng vẫn đáp ứng được các điều kiện tái chế.
Việc kết nối chủ động trong khai thác dữ liệu tuần hoàn sẽ mang lại những giá trị liên kết. Các bên liên quan trong quá trình kinh doanh tuần hoàn, bao gồm: doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp tái sản xuất, bên tư vấn thiết kế, bên phân phối sản phẩm và người tiêu dùng nên có sự chia sẻ, trao đổi dữ liệu để vòng tuần hoàn được (1) khai thác hiệu quả, (2) sử dụng có trách nhiệm và (3) tạo ra nhiều giá trị cho cộng đồng.
Thiết lập và đồng bộ quy trình
Trên hành trình thực hiện mục tiêu giảm phát thải hướng tới nền kinh tế bền vững, các quốc gia và doanh nghiệp đã nhận thức rõ ràng hơn về trách nhiệm xanh và đưa ra những giải pháp cụ thể trong việc thực thi kinh doanh sản xuất. Điều này được thể hiện thông qua các hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên của doanh nghiệp, chính sách chuyển dịch năng lượng nhằm giảm phát thải và đóng góp trong mục tiêu chung về chống biến đổi khí hậu, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Để thực hiện thì doanh nghiệp cần xây dựng quy trình vận hành sản xuất kinh doanh nhất quán, đồng bộ trên nền tảng tiếp cận dữ liệu và sử dụng hợp lý. Một đề xuất quy trình 5 bước về thu thập, phân loại, khai thác và xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) trong nền kinh tế xanh mà doanh nghiệp có thể tham khảo.
Chính sách doanh nghiệp linh hoạt
Bên cạnh sự chủ động trong nhận thức, doanh nghiệp rất cần tính linh hoạt trong chính sách thực hiện. Các tập đoàn lớn tại Việt Nam ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau như top 10 Thương hiệu xanh năm 2022 bao gồm: Tập đoàn Bảo Việt, TBS Group, Tập đoàn TH, Tập đoàn Flamingo, HDBank, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, Công ty Phân bón Bình Điền, The Green Solutions, Công ty Cổ phần Gỗ An Cường và Tập đoàn Thủy sản Bồ Đề đã thiết lập những chính sách về khai thác dữ liệu trong kinh tế tuần hoàn nói riêng và kinh tế bền vững nói chung để chung tay hướng đến những mục tiêu xanh quốc gia. Ở các tập đoàn này, điểm chung trong chính sách là sự phát triển kinh doanh xanh gắn liền với những quy tắc tuân thủ về sản xuất xanh, việc làm xanh và lao động xanh luôn được chú trọng và cải thiện.
Phòng ngừa rủi ro doanh nghiệp
Tuy việc tiếp cận và chia sẻ dữ liệu là hoạt động nên được khuyến khích trong môi trường kinh doanh hiện nay ở nước ta, nhưng trên thực tế, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với rất nhiều rủi ro tiềm ẩn trong khai thác dữ liệu nói chung và dữ liệu tuần hoàn nói riêng.
Tiêu biểu như vụ kiện đầu năm 2023 giữa 45 triệu người dùng tại Anh và Meta Platforms Inc (Công ty mẹ của Facebook) về hành vi lạm dụng vị thế doanh nghiệp lớn để khai thác dữ liệu của Meta có thể vi phạm và gây thiệt hại kinh tế cho những người dùng đã cung cấp dữ liệu cá nhân cho nền tảng mạng xã hội Facebook. Tuy một số tòa án có phán quyết nghiêng về phía Meta khi cho rằng những yêu cầu bồi thường thiệt hại chưa đủ bằng chứng thuyết phục nhưng đây được xem là một cảnh báo đối với việc khai thác dữ liệu của cá nhân và doanh nghiệp một cách cẩn trọng.
Bên cạnh đó, việc xóa dữ liệu sai cách có thể gây nên những tác động tiêu cực cho doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều thiết bị sau sử dụng như máy vi tính (CPU), ổ đĩa cứng, USB chưa được kiểm tra xóa triệt để dữ liệu bị các đơn vị, tổ chức vứt bỏ tại các thùng rác, công trường bỏ hoang mang lại những rủi ro tiềm ẩn về dữ liệu doanh nghiệp. Việc loại bỏ không đúng cách góp phần gây lãng phí tài nguyên, gia tăng nguy cơ vi phạm dữ liệu và đe dọa tài sản doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm