Cần sớm hoàn thiện, ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII
Dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII còn nhiều tồn tại hạn chế, Bộ Công Thương khẩn trương cần sớm hoàn thiện Kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20 tháng 11 năm 2023.
>>30 NĂM THÀNH LẬP DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP: Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo
Đây là kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại công văn số 453/TB-VPCP tại hội nghị trực tiếp và trực tuyến với các Bộ ngành địa phương về dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Tại kết luận số 453/TB-VPCP Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản và tờ trình, chỉ đạo về việc xây dựng Kế hoạch. Tuy nhiên qua ba lần trình Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII (QH8) thì Kế hoạch còn nhiều tồn tại, hạn chế, vẫn chưa đảm bảo tính đầy đủ toàn diện và tính khả thi cụ thể: Chưa đủ danh mục dự án (đầu tư công, dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công). Chưa đề xuất được việc xây dựng hai trung tâm công nghiệp, dịch vụ về dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng. Chưa nghiên cứu đưa chương trình phát triển điện nông thôn vào Kế hoạch. Chưa xác định rõ nguồn lực và việc sử dụng các nguồn lực để thực hiện quy hoạch theo quy định tại Điều 45 Luật Quy hoạch.
Dự thảo của Kế hoạch này chưa đề xuất được đầy đủ các chính sách giải pháp thực khả thi để thực hiện quy hoạch theo quy định tại Điều 46 Luật Quy hoạch. Chưa thực sự bám sát Quan điểm mục tiêu phương án phát triển luận cứ, tiêu chí và tính “động và mở” trong Quy hoạch điện VIII về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới gắn với quá trình chuyển đổi kinh tế đất nước theo hướng xanh, tuần hoàn, carbon thấp…
Ngoài ra theo chức năng nhiệm vụ, Bộ Công Thương phải tổng hợp, rà soát các dự án ngay từ khi xây dựng và phê duyệt Quy hoạch VIII. Tuy nhiên theo báo cáo của Bộ Công Thương, nhiều nội dung còn chưa được thống kê đầy đủ, thiếu dữ liệu thông tin, đặc biệt là các thông tin về các dự án chuyển tiếp. Do đó báo cáo chưa đầy đủ tính kế thừa, khoa học, thực tiễn và tính khả thi của Kế hoạch để Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.
Tại kết luận số 453/TB-VPCP Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, theo quy định tại quyết định số 500 QĐ ngày 15 tháng 05 năm 2023 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ văn bản số 4286/ VPCP - CN ngày mùng 10 tháng 6 năm 2023 thì Bộ Công Thương phải hoàn thành việc trình kế hoạch trong tháng 6 năm 2023. Tuy nhiên đến nay đã chậm 4 tháng theo chỉ đạo xong kế hoạch vẫn tồn tại nhiều hạn chế cần được tiếp tục hoàn thiện. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương cần nghiên cứu tiếp thu có ý kiến xác đáng của các địa phương, Bộ, ngành tại Hội nghị và văn bản góp ý của các địa phương để hoàn thiện kế hoạch trong đó lưu ý thực hiện các nội dung gồm:
Kế hoạch phải đảm bảo mục tiêu của Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt, yêu cầu bám sát phương án phát triển nguồn điện, lưới điện các tiêu chí, luận chứng và các giải pháp, nguồn lực để hoàn thiện Kế hoạch theo đúng quy định của pháp luật và các chỉ đạo điều hành liên quan của Lãnh đạo Chính phủ đảm bảo tính bao quát tổng thể, tính hợp lý, tính khả thi trong triển khai, thực hiện đảm bảo cung điện và an toàn năng lượng quốc gia.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20 tháng 11 năm 2023. Và phải bảo đảm chịu tính tổng thể của kế hoạch và yêu cầu đảm bảo cung ứng điện an ninh quốc gia, cũng như đề xuất các giải pháp khả thi để tổ chức thực hiện, dự báo đánh giá, quản lý rủi ro nếu xảy ra (bao gồm cả khả năng thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước), các giải pháp kịp thời, khả thi đối với các dự án hiện đang bị chậm tiến độ ảnh hưởng đến kế hoạch cung ứng điện). Đồng thời Bộ Công Thương đề xuất các cơ chế chính sách phải thực hiện trước làm cơ sở để triển khai các dự án.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, một số chủ đầu tư có dự án chuyển tiếp cho biết, mặc dù đã có giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT) gần 01 năm nay nhưng hiện tại doanh nghiệp vẫn chưa có giá bán điện chính thức. Hiện Công ty Mua bán điện đang yêu cầu các chủ đầu tư nộp hồ sơ để đàm phán giá bán điện chính thức.
Tuy nhiên theo doanh nghiệp, do hiện tại chưa có Thông tư hướng dẫn, chưa có phương án cụ thể nên doanh nghiệp chưa có căn cứ, cơ sở để đàm phán. “Đặc biệt đối với dự án chưa hoàn thành thì dựa vào cơ sở nào để hai bên (Công ty Mua bán điện và chủ đầu tư) cùng xác nhận sản lượng điện chuẩn để đàm phán? Trong khi đó những doanh nghiệp này mới đang cần sớm đàm phán để có giá bán điện chính thức thì mới có cơ sở để vay được vốn ngân hàng… ” – Đại diện một doanh nghiệp lo lắng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đầu tư điện gió cho rằng Quy hoạch điện VIII chưa rõ ràng, chưa nêu được tổng công suất, tên các dự án có chủ trương đầu tư, tên các chủ đầu tư dự kiến trong kế hoạch đấu thầu của các tỉnh. Như vậy trên cơ sở mục tiêu đưa ra của QH8 thì Kế hoạch thực hiện QH8 cũng phải cần chi tiết rõ ràng, để tạo tiền đề thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, mở ra môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Tạo điều kiện cho các tỉnh thu ngân sách từ các dự án năng lượng tái tạo
11:02, 02/11/2023
Cần có chính sách thu hút đầu tư vào thị trường năng lượng tái tạo
17:08, 12/10/2023
Dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp: Khi nào mới có giá bán chính thức?
11:30, 06/06/2023
Dự báo giá điện và nhu cầu lưu trữ để vận hành linh hoạt hệ thống điện
05:00, 02/06/2023
Quy hoạch điện VIII và áp lực nhu cầu vốn để hiện thực hóa tham vọng xanh
11:00, 23/05/2023