Ngành điện vẫn còn rất nhiều bất cập
"Ngành điện vẫn còn rất nhiều những bất cập, từ quy hoạch đến tổ chức quy hoạch ở cả 3 khâu: sản xuất, truyền tải và phân phối".
>>>Giải bài toán giá điện Việt Nam nhìn từ quốc tế
Tại tọa đàm “Cung ứng điện cho năm 2024 – Những vấn đề cấp bách đặt ra” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức chiều 7/11, các chuyên gia cho rằng cần trả giá điện về đúng theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Chính phủ, để đảm bảo nền kinh tế hoạt động ổn định.
Đánh giá về sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong vấn đề về bảo đảm cung cấp điện năng cho nền kinh tế, đời sống dân sinh thời gian qua, ông Nguyễn Đức Kiên nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Ngay từ tháng 4/2021, đầu nhiệm kỳ Chính phủ, vấn đề quan tâm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Chính phủ là đôn đốc để bảo đảm điện. Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã nhận thức được đúng vai trò của điện năng trong phát triển kinh tế-xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô như chúng ta hay nói "điện đi trước một bước".
Ngay trong nửa cuối của năm 2021, Thủ tướng đã dành nhiều thời gian trực tiếp nghe lại Tổng sơ đồ điện VIII. Và trong năm 2022, sau khi hết dịch, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp cùng Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đi chỉ đạo những công trình cụ thể như: Nhiệt điện Long Phú 1, Sông Hậu 1, Thái Bình 2… là những công trình đã khởi công từ rất lâu nhưng chậm đưa vào hoạt động do khó khăn. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo.
>>> Cơ cấu giá điện còn nhiều điểm chưa hợp lý, điểm "nghẽn" ở đâu?
Kết quả là, những tháng cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Nhiệt điện Sông Hậu 1 và Thái Bình 2 đã đi vào hoạt động. Sáng nay (07/11), trong phiên chất vấn tại nghị trường Quốc hội, Bộ Công Thương giải trình trước Quốc hội về chậm tiến độ của Long Phú 1. Đối với khí Ô Môn lô B và đường ống từ Lô B về đến Cần Thơ, là tuyến để bảo đảm cho cụm nhiệt điện ở Cần Thơ, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo rất sát sao.
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo mạch 3 đường dây 500 kV, để góp phần truyền tải được phần năng lượng dôi dư ở khu vực miền Trung ra miền Bắc, tránh tình trạng thiếu điện cục bộ như một số ngày và một số tuần trong mùa hè năm 2023.
Có thể nói, cùng với cam kết trung hoà phát thải mà Thủ tướng đã thay mặt Việt Nam cam kết tại COP 26, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã rất quyết liệt, lấy đó là một trong những trọng tâm để đẩy mạnh phát triển đồng bộ cả về nhiệt điện, thuỷ điện, truyền tải cũng như năng lượng tái tạo. Trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nghiên cứu lại cơ chế điều hành giá điện hài hoà hơn, như Thủ tướng nhiều lần nói là phải hài hoà lợi ích của doanh nghiệp, của người dân và ngân sách nhà nước. Tôi nghĩ rằng, hoạt động chỉ đạo bảo đảm cung ứng điện trong nửa nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV là hoạt động rất quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với những kết quả đạt được như phân tích của TS. Nguyễn Đức Kiên, PGS.TS. Bùi Xuân Hồi - chuyên gia về điện lực, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc cũng khẳng định: Thời gian vừa qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những nỗ lực trong việc chỉ đạo ngành điện. Tuy vậy, cũng phải thành thật là ngành này vẫn còn những bất cập.
>>> Lằn ranh về giá điện, hỗ trợ giá điện còn mờ nhạt, cào bằng
Ông Hồi cho rằng: Bất cập nhiều, từ quy hoạch đến tổ chức quy hoạch ở cả 3 khâu: sản xuất, truyền tải và phân phối. Nhấn mạnh vào các điểm mà bản thân đã nghiên cứu sâu, ông nói:
Về mặt cơ cấu, giá thành, cung ứng điện gồm có 4 phần: sản xuất, truyền tải, phân phối và bán lẻ. Riêng phần sản xuất đang chiếm 70-80% cơ cấu giá thành. Phần nguồn điện, cơ bản hiện nay, các biến động của đầu vào sẽ dẫn đến biến động của nguồn điện.
Các phần còn lại, từ truyền tải, đến phân phối, đến bán lẻ, giá điện do Chính phủ quy định và thẩm quyền là của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy chúng tôi luôn mong muốn và kỳ vọng là cơ chế điều chỉnh giá của Chính phủ mang hơi hướng, tín hiệu của thị trường.
Giai đoạn vừa qua là giai đoạn rất đặc thù, chúng ta vừa trải qua thời kỳ dịch COVID-19, vì vậy thời lượng, chu kỳ điều chỉnh giá chúng ta chưa thực sự đảm bảo theo tín hiệu của thị trường. Đặc biệt sau COVID-19, chúng ta lại bị biến động theo thị trường của thế giới, như chúng ta đã biết, nhiên liệu đầu vào của ngành điện là thị trường mang tính chất quốc tế. Nếu như giá xăng dầu trên thế giới biến động thì Việt Nam cũng biến động tương tự.
Rõ ràng, giá dầu, giá xăng, giá khí đốt tăng trong khi chúng ta đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô dẫn tới ngành điện hoạt động tương đối khó khăn. Chúng tôi rất kỳ vọng, sau COVID-19 rồi, chúng ta cần trả giá điện về đúng theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Chính phủ, để đảm bảo ngành hàng ổn định và nền kinh tế hoạt động ổn định.
PGS.TS. Bùi Xuân Hồi nhấn mạnh: "Những bất cập đó gây ra những hệ quả như thế nào thì chúng ta cũng đã biết. Chúng ta cố gắng giữ giá, chỉ tăng giá 3% trong vòng 4 năm thì cái được của chúng ta là đảm bảo an sinh và đảm bảo mục tiêu vĩ mô khác".
Những rủi ro có thể không đến ngay, nhưng chỉ cần thiếu điện ở miền Bắc trong thời gian rất ngắn thì theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chúng ta đã thiệt hại lên đến 1,4 tỷ USD. Do đó, chúng ta phải cân nhắc rất rõ, rất kỹ lưỡng bài toán điều tiết giá điện, phản ánh hơi hướng của thị trường, để đảm bảo ngành phát triển bền vững, và từ đó nền kinh tế mới phát triển bền vững và an sinh xã hội mới được đảm bảo.
Có thể bạn quan tâm
EVN xây dựng kịch bản khẩn cấp trong vận hành hệ thống điện
00:20, 05/11/2023
Nhiều yếu tố mới ảnh hưởng đến giá thành sản xuất điện năm 2023
10:58, 01/11/2023
Giải bài toán giá điện Việt Nam nhìn từ quốc tế
01:09, 01/11/2023
Cơ cấu giá điện còn nhiều điểm chưa hợp lý, điểm "nghẽn" ở đâu?
20:48, 31/10/2023
Lằn ranh về giá điện, hỗ trợ giá điện còn mờ nhạt, cào bằng
19:52, 31/10/2023