Cảnh báo sớm phòng vệ thương mại: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu

ANH VŨ 08/11/2023 00:30

Các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam có xu hướng gia tăng, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại trong một số năm gần đây tăng nhanh, không chỉ những thị trường lớn mà ngay cả những thị trường mới, số vụ việc cũng chiếm tỷ lệ rất lớn. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước.

bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Cụ thể, bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thông tin, chỉ tính từ năm 2017 đến nay, số lượng vụ việc phòng vệ thương mại hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt ở các thị trường nước ngoài chiếm tới trên 52% tổng số vụ việc phòng vệ thương mại Việt Nam đã đối mặt trong hơn 30 năm qua. Hơn nữa, số vụ việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại bị kiện kể từ năm 2017 đã chiếm tới gần 60% tổng số vụ kiện chống lẩn tránh mà Việt Nam đã phải đối diện từ trước đến nay.

Trong khi đó, giai đoạn cuối năm 1990 đầu những năm 2000, những mặt hàng mà Việt Nam bị kiện chủ yếu có kim ngạch xuất khẩu lớn và có thế mạnh trong xuất khẩu hoặc là mặt hàng xuất khẩu trọng điểm, như thủy sản hay giày dép, nhưng ở giai đoạn gần đây đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực và ngành hàng khác. 

“Một số thị trường có truyền thống sử dụng công cụ phòng vệ thương mại như một trong những giải pháp chống lại sức ép của hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài. Ngoài ra, một số thị trường gặp biến động về kinh tế nên họ cảm thấy bất lợi, cạnh tranh khó khăn cũng gia tăng kiện phòng vệ thương mại”, bà Trang cho hay.

Bên cạnh đó, một số ngành hàng cũng bị kiện nhiều hơn, ví dụ như sắt, thép hay nhôm, dù không phải là nhóm mặt hàng xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, nhưng đây lại là nhóm mặt hàng tập trung nhiều nhất các vụ kiện phòng vệ thương mại trên thế giới, vì thế mà những ngành hàng này cũng liên tục bị nêu tên.

Hiện nay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu chủ lực và lớn nhất của Việt Nam. Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, trong 8 tháng vừa qua, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt khoảng 73 tỷ USD và thặng dư thương mại khoảng 66 tỷ USD, đưa Việt Nam lên xếp thứ ba về thặng dư thương mại với Hoa Kỳ chỉ sau Trung Quốc và Mexico.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, con số thống kê, tỷ lệ các vụ việc phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ áp dụng với Việt Nam đã chiếm khoảng 53% tổng số các vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

“Tính đến tháng 10/2023, các vụ việc phòng vệ thương mại của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam chiếm đến 58 vụ việc và các mặt hàng cũng ngày càng mở rộng, đa dạng và không phải các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam ở thị trường này,” ông Hưng nói.

Từ những con số trên, có thể thấy, việc áp dụng phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu đã ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Mà minh chứng gần đây nhất, phía Hoa Kỳ đã chính thức khởi xướng điều tra các sản phẩm nhôm đùn ép và sau đùn ép của các doanh nghiệp Việt Nam.

Để phòng tránh và giảm thiểu các vụ việc phòng vệ thương mại, từ năm 2020 Chính phủ đã phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại (Đề án 316). Mục tiêu của Đề án nhằm cảnh báo trước những mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị nước ngoài điều tra Phòng vệ thương mại, giúp các doanh nghiệp có sự chuẩn bị trước, giúp các cơ quan chức năng thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm.

Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương.

Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương.

Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho hay, thông qua công tác cảnh báo sớm, Bộ Công Thương đã sớm tiếp cận với các doanh nghiệp để cung cấp thông tin, giúp họ hiểu được các nguyên tắc, quy trình điều tra, các công việc cần thực hiện với các kịch bản có thể xảy ra. Nhờ đó, các doanh nghiệp có thời gian để chuẩn bị, đáp ứng đầy đủ, chính xác các yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài.

“Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục trang bị, nâng cao kiến thức về phòng vệ thương mại cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, trên cơ sở thông tin từ hệ thống cảnh báo sớm, Bộ sẽ làm việc này một cách có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những ngành hàng, những lĩnh vực có nguy cơ cao. Trong quá trình đồng hành với doanh nghiệp, Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục theo dõi quy trình và hoạt động điều tra của cơ quan điều tra nước ngoài để đảm bảo quy trình, hoạt động điều tra tuân thủ đúng theo quy định pháp luật của họ, cũng như tuân thủ đúng theo các nguyên tắc và quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)”, ông Trung khẳng định.

Đồng thời, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cũng khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu cần tìm hiểu và nắm được những thông tin, kiến thức cơ bản, quy định về phòng vệ thương mại để hiểu được quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong các vụ việc. Cùng với đó, cần phải cân nhắc việc chủ động tham gia, chủ động chuẩn bị và cung cấp các thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra một cách đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.

Có thể bạn quan tâm

  • Thép, sợi, gỗ…đối mặt điều tra phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp cần làm gì?

    12:58, 02/10/2023

  • Chủ động “cuộc chơi” phòng vệ thương mại

    01:23, 01/08/2023

  • Doanh nghiệp phải “thích nghi” với phòng vệ thương mại

    03:04, 23/07/2023

ANH VŨ