Mục tiêu đến 2030 Việt Nam đạt 1 triệu ha rừng gỗ lớn có chứng chỉ
Hiện Bộ NN&PTNN đang xây dựng Đề án phát triển rừng trồng gỗ lớn giai đoạn 2023-2030, dự kiến ban hành năm nay, trong đó mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam có 1 triệu ha rừng gỗ lớn.
>>> Quảng Ninh: Dự án sân godf 1.500 tỷ đồng phải giữ nguyên diện tích rừng phòng hộ
Theo thống kê của Cục Lâm nghiệp, diện tích rừng cả nước khoảng 14,74 triệu ha; trong đó rừng trồng chiếm 4,57 triệu ha (31%), rừng tự nhiên chiếm 10,17 triệu ha (69%). Cả nước cũng có hơn 6.000 doanh nghiệp xuất khẩu lâm sản, chủ yếu tập trung tại Đông Nam Bộ như: Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương.
Trước đây, nguyên liệu sản xuất Việt Nam phải nhập hoàn toàn từ các nước, nhưng đến nay số liệu nhập khẩu đã giảm dần. Đây được coi là một thành công trong việc cải thiện giống và trồng rừng, đặc biệt là các loài keo, bạch đàn, cao su, và một số loài cây gỗ bản địa khác đem lại giá trị xuất khẩu cao.
Theo ông Nguyễn Văn Diện, Trưởng phòng Thông tin và Chuyển đổi số, Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, diện tích rừng trồng tăng 5 -5,5% hàng năm, độ che phủ đạt chỉ tiêu Chính phủ, Quốc hội đề ra, tạo công ăn việc làm cho hơn 2 triệu nông dân, rừng trồng chính là nguồn cung cấp chính cho công nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu.
Trên thực tế, trong khâu quản lý bảo vệ rừng hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù chúng ta đã có rất nhiều thành tích về bảo vệ rừng, số vụ cũng như các thiệt hại năm sau đều giảm hơn năm trước theo thống kê của Cục Kiểm lâm. Song, đâu đó vẫn còn có những vụ phá rừng, cháy rừng làm ảnh hưởng đến chất lượng rừng cũng như tài sản của nhân dân, đất nước.
Đặc biệt, ông Diện nhấn mạnh, khi sửa Luật Bảo vệ phát triển rừng thành Luật Lâm nghiệp đã xác định lâm nghiệp là ngành kinh tế kỹ thuật theo chuỗi, từ trồng đến bảo vệ khai thác thương mại. Định hướng này đã làm thay đổi giá trị, nhận thức dẫn tới hành động thay đổi trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Luật Lâm nghiệp còn hài hòa với Luật đất đai, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.
"Chúng ta xác định Luật Lâm nghiệp phát triển đa dạng, da dụng để có chính sách về dịch vụ môi trường rừng phát triên, du lịch sinh thái, trên cơ sở đó đóng cửa rừng; yếu tố then chốt để bảo vệ rừng hiệu quả nhất từ trước tới nay. Chúng ta đã giao đất giao rừng, thể hiện vai trò làm chủ của người trồng rừng, để dân chủ động sản xuất, kinh doanh bảo vệ rừng", ông Diện nhấn mạnh.
>>> Doanh nghiệp xin được trồng lại diện tích rừng nghèo kiệt
Cùng quan điểm liên quan đến khó khăn, vướng mắc trong rừng trồng gỗ lớn, ông Vũ Thành Nam, Trưởng phòng Sử dụng rừng, Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao hơn cho các hộ gia đình, mà còn giúp giảm xói mòn góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Hiệu quả của rừng gỗ lớn so với rừng gỗ nhỏ đã được khẳng định, song loại rừng này vẫn chưa phát triển tương xứng.
Cũng theo ông Nam, nguyên nhân chính dẫn đến những khó khăn và vướng mắc trong trồng rừng gỗ lớn hiện nay là: Thứ nhất, quỹ đất quy hoạch trồng rừng gỗ lớn quy mổ nhỏ, nhiều chỗ dưới 1ha manh mún, phân tản, không liền vùng.
Thứ hai, trồng rừng gỗ lớn cần thời gian dài, người dân cần tiền phát triển kinh tế mà thời gian thì mất nhiều nên đây cũng là một trong những rào cản lớn.
Thứ ba, do chu kỳ dài nên câu chuyện vay vốn, tiếp cận vốn vay khó, tuy chính sách nhà nước cũng đã có những hỗ trợ nhất định nhưng cũng không thể đáp ứng được hết nhu cầu.
Thứ tư, trồng rừng gỗ lớn có nhiều rủi ro như gió bão, thiên tai, gây thiệt tại cho bà con. Ví dụ như trồng rừng gỗ lớn dọc biển miền Trung chẳng hạn, trong suốt 10 năm thì cũng sẽ có những trận bão, lũ gây thiệt hại không nhỏ cho bà con nông dân.
Thứ năm là khó khăn về giống và biện pháp canh tác, trồng rừng gỗ lớn đòi hỏi giống khác, biện pháp kỹ thuật lâm canh có những hạn chế khi áp dụng quy mô hộ gia đình.
Cuối cùng là liên kết giữa các doanh nghiệp, mặc dù đã phát triển trong thời gian vừa qua nhưng cũng còn hạn chế và chưa phổ biến. Và đây cũng là khó khăn, trở ngại lớn nhất trong việc phát triển trồng rừng gỗ lớn để phục vụ nguyên liệu chế biến gỗ xây dựng và xuất khẩu.
Tuy vậy, vẫn có một tín hiệu đáng mừng là diện tích rừng thời gian qua đang tăng lên rất nhanh. Để đạt được kết quả này là nhờ triển khai tổng hợp các giải pháp tổng thể của Chính phủ, Trung ương, chính quyền địa phương, đến người dân, góp phần đạt độ che phủ rừng.
>>> Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin liên quan đến dự án thủy điện bản Mồng và diện tích rừng
Với kinh nghiệm từ một trong những địa phương đạt được nhiều thành tựu trong phát triển rừng gỗ lớn và liên kết trồng rừng, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị chia sẻ, trong tổng số 23.400 ha rừng trồng gỗ lớn FSC mà Quảng Trị đang có tập trung chủ yếu ở các công ty lâm nghiệp gồm: Bến Hải, Triệu Hải và Đường 9 với khoảng trên 17.000 ha, diện tích còn lại ở các hộ dân và hợp tác xã.
Quảng Trị cũng là tỉnh đầu tiên ở Việt Nam được cấp chứng nhận quốc tế FSC đối với rừng tự nhiên. Theo đó, 2.145ha rừng tự nhiên của 5 thôn tại các xã: Hướng Phùng, Hướng Sơn, Hướng Việt, Hướng Linh của huyện Hướng Hóa được cấp chứng nhận quốc tế FSC dịch vụ hệ sinh thái về lưu trữ và hấp thụ carbon vào tháng 10/2022, với trữ lượng lưu trữ tại các diện tích rừng này khoảng 350.000 tấn CO2 và lượng hấp thụ hàng năm khoảng 7.000 tấn CO2. Kết quả này mang đến cơ hội cho các chủ rừng cộng đồng trong việc tiếp cận các nguồn tài trợ và chi trả tự nguyện cho dịch vụ hệ sinh thái do Hội đồng Quản trị rừng Quốc tế FSC khởi xướng trên toàn cầu.
Theo ông Đồng, kết quả này đã tác động đến việc thực hiện kế hoạch phát triển lâm nghiệp bền vững tại Quảng Trị, thúc đẩy tỉnh phê duyệt kế hoạch phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ dầu trẩu giai đoạn 2023-2026, định hướng đến 2030, với mục tiêu sản xuất khoảng 4.000 tấn hạt trẩu, tương đương trị giá thương mại khoảng 50 tỷ đồng/năm cho nông dân khu vực miền núi.
Còn tính trên cả nước, đến tháng 9/2023, tổng diện tích rừng của Việt Nam đạt cả 2 loại chứng chỉ VFCS và FSC gần 500.000ha, đạt hơn 90% mục tiêu đặt ra vào năm 2025 và đến 2030 đặt mục tiêu 1 triệu ha có chứng chỉ theo đề án quản lý rừng bền vững tại Quyết định 1288/2018.
Tuy nhiên, việc cấp chứng chỉ rừng còn gặp một số khó khăn, đó là tiêu chí đánh giá trình độ của chủ rừng trong khi đó chủ rừng của chúng ta diện quy mô nhỏ, trình độ có hạn; chi phí phụ thuộc vào trình độ của chủ rừng.
Do đó, các chuyên gia nhận định, để phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn cần có thêm chính sách, hoạt động hỗ trợ, tạo động lực để nhiều hộ dân tham gia. Ông Vũ Thành Nam kiến nghị, cần phải đầu tư nghiên cứu cho ra các giống cây rừng gỗ lớn phù hợp với điều kiện từng vùng, chuyển giao nhiều giống mới cho bà con.
"Do trồng rừng gỗ lớn đòi hỏi phải chờ đợi vài chục năm mới thu hoạch, trong khi bà con nông dân còn nghèo, không có sinh kế để chờ rừng quá lâu, nên giải pháp của chúng ta đưa ra hiện nay là trồng rừng kết hợp phát triển lâm sản ngoài gỗ, thay vì độc canh vài loại cây rừng", ông Nam nêu thực tế, đồng thời cho rằng cần nghiên cứu thêm các loại phân bón, chế phẩm sinh học để bón cho cây để cải tạo được năng suất rừng.
Có thể bạn quan tâm
Hải Dương: Tập trung khai thác lợi thế trong lĩnh vực nông nghiệp
07:55, 08/11/2023
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin liên quan đến dự án thủy điện bản Mồng và diện tích rừng
14:36, 05/11/2020
Quảng Ninh: Dự án sân godf 1.500 tỷ đồng phải giữ nguyên diện tích rừng phòng hộ
00:00, 03/01/2020
Doanh nghiệp xin được trồng lại diện tích rừng nghèo kiệt
15:15, 04/05/2018