Ngành dệt may Việt Nam tiếp tục đối mặt với những khó khăn
Chuyên gia cho rằng, với nền kinh tế có độ mở rất lớn, ngành dệt may với 98% phục vụ cho xuất khẩu, nên khi thị trường bên ngoài khó khăn các doanh nghiệp Việt Nam cũng bị ảnh hưởng là dễ hiểu.
>>> Công nghệ RFID thúc đẩy cách mạng bền vững trong ngành thời trang
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng năm 2023, xuất khẩu xơ, sợi dệt đạt gần 1,5 triệu tấn, với trị giá gần 3,65 tỷ USD, tăng 12% về lượng, nhưng giảm 10,8% về giá trị. Vải mành, vải kỹ thuật là 550 triệu USD, giảm 25,4%. Hàng dệt, may là gần 27,7 tỷ USD, giảm 12,9%. Giày dép các loại 16,4 tỷ USD, giảm 18,3%. Túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù 3,06 tỷ USD, giảm 10%. Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày 1,6 tỷ USD, giảm 14,4%.
Mặc dù tình hình xuất khẩu các mặt hàng trên với lũy kế 10 tháng giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng số liệu xuất khẩu tháng 10 đã có sự tăng trưởng so với tháng 9 năm 2023. Theo đó, xuất khẩu xơ, sợi dệt đạt gần 163 triệu tấn, giá trị gần 389 triệu USD, tăng 5,8% về lượng và tăng 4% về giá trị so với tháng 9. Vải mành, vải kỹ thuật đạt gần 54 triệu USD, tăng 5,8%. Giày dép các loại 1,7 tỷ USD, tăng 30,3%. Túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù 309 triệu USD, tăng 28,3%. Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày 165 triệu USD, tăng 6,6%.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, đây là những tín hiệu tích cực để doanh nghiệp xơ sợi, dệt may, da giày Việt Nam có thể kỳ vọng vào một viễn cảnh tốt hơn trong thời gian tới.
>>> Ngành thời trang Việt và nỗ lực phát triển bền vững
Nhận định của bà Dương Thùy Linh, Phó Tổng thư ký phụ trách đối ngoại Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA) cho hay, đây không chỉ là khó khăn riêng của ngành xơ sợi, dệt may, da giày Việt Nam mà còn là khó khăn chung của các ngành xuất khẩu toàn cầu, do sự giảm mạnh của tổng cầu thế giới.
Cụ thể, căng thẳng địa chính trị tại châu Âu từ cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến nền kinh tế toàn cầu suy thoái. Lạm phát kéo dài tại các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ và EU. Các nước thắt chặt chính sách tiền tệ. Người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm chi tiêu các mặt hàng không thiết yếu, bao gồm cả hàng dệt may, da giày.
Trong khi đó, yêu cầu của các thị trường đối với tiêu chuẩn bền vững ngày càng thắt chặt hơn. Thời gian giao hàng ngày càng rút ngắn, từ 2 tháng xuống còn 3-4 tuần. Tình trạng hàng tồn kho vẫn hiện hữu. Sự cạnh tranh của những đối thủ như Bangladesh, Myanmar ngày càng mạnh, khiến các doanh nghiệp nhận được ít đơn hàng hơn hoặc đơn hàng nhỏ lẻ, thậm chí giá bán thấp hơn chi phí sản xuất.
Theo báo cáo của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, có tới 59,2% doanh nghiệp gặp khó khăn trong quản lý đơn hàng, 51,1% doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, 45,3% khó khăn trong thực hiện các thủ tục hành chính và tuân thủ các quy định của pháp luật, 31,1% có nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế. Từ nửa cuối năm ngoái đến quý II năm nay, nhiều doanh nghiệp kéo sợi đã phải giảm quy mô sản xuất chỉ còn từ 50-80% công suất hoặc thực hiện nghỉ luân phiên để duy trì sản xuất.
Song, từ đầu tháng 7 cho đến nay, thị trường đã có tín hiệu phục hồi dần khi Trung Quốc mở cửa trở lại sau gần 3 năm áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đại dịch Covid-19. Không những vậy, các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam quý III đều ghi nhận mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dương, như: Mỹ tăng 2%, EU 0,6%, Trung Quốc 5%, Hàn Quốc 1,4%.
“Chỉ số giá sợi đầu vào của các nhà sản xuất sợi tại Trung Quốc tăng nhẹ cho thấy, nhu cầu của mặt hàng này đang tốt hơn so với hồi đầu năm. Lượng hàng tồn ho của các thương hiệu lớn như Nike, H&M đã giảm đáng kể. Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp kéo sợi đã có thể hoạt động 100% công suất”, bà Linh cho biết.
>>> CEO& Founder Chu Phương Linh: 4.0 và cơ hội lớn của ngành thời trang
Đồng quan điểm, TS Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế cho hay, năng lực của ngành dệt may Việt Nam là rất lớn với 98% phục vụ cho xuất khẩu, trong khi đó nước ta là nền kinh tế có độ mở rất lớn. Do đó, khi thị trường bên ngoài gặp khó khăn, các doanh nghiệp Việt Nam cũng bị ảnh hưởng là dễ hiểu.
Có thể thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các thị trường nhập khẩu dệt may lớn như Mỹ, châu Âu đều thấp hơn so với năm ngoái. Sức mua của người dân Mỹ đang rất thấp. Lạm phát toàn cầu có xu hướng giảm nhưng chưa đồng bộ, trong đó lạm phát ở Mỹ vẫn chưa được kiểm soát tốt. Nền kinh tế Trung Quốc mặc dù đã được mở cửa, tăng trưởng, nhưng tăng không như kỳ vọng. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng là nhà xuất khẩu hàng thời trang lớn nên khi họ mở cửa trở lại, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nhất định do phải chia sẻ thị phần.
Tuy nhiên, theo TS Huỳnh Thanh Điền, mặc dù 3 quý đầu năm vẫn ghi nhận con số xuất khẩu giảm, nhưng số giảm của quý sau đã thấp hơn quý trước. Đó là những tín hiệu cho thấy, từ quý III đã có sự khởi sắc hơn.
Dự báo về xu hướng ngành dệt may Việt Nam thời gian tới, lãnh đạo Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA) cho rằng, ngành vẫn tiếp tục đối mặt với những thách thức do đơn hàng ở các thị trường xuất khẩu chính như châu Âu, Mỹ vẫn giảm sút và nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có đủ đơn hàng cho quý IV. Tình trạng cầu thấp này có thể kéo dài sang năm 2024. Vì thế, dự kiến xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm nay nhiều khả năng chỉ ở mức trên dưới 40 tỷ USD, giảm 10% so với năm ngoái.
Tuy vậy, lãnh đạo Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA) cũng như một số chuyên gia đều khẳng định thời điểm xấu nhất của ngành dệt may hiện tại đã đi qua. Với những nỗ lực cao của Chính phủ, doanh nghiệp, cũng như nhu cầu thị trường gia tăng vào các dịp lễ lớn cuối năm kỳ vọng sẽ hồi phục trong thời gian tới.
Ngoài ra, ngành dệt may Việt Nam vẫn có lợi thế cạnh tranh về chi phí nhân công, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi thuế thu nhập cá nhân. Việt Nam cũng đã và đang ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với hàng loạt các thị trường lớn. Các doanh nghiệp FDI cũng đang tăng cường sản xuất vải từ nguồn cung sợi trong nước, nên Việt Nam vẫn luôn được các doanh nghiệp FDI lựa chọn là điểm đến đầu tư lý tưởng.
Các doanh nghiệp Việt Nam mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn theo xu hướng bền vững của thế giới, nhưng hiện nay, các doanh nghiệp đang cho thấy những tín hiệu tích cực khi một số nhà máy kéo sợi đã có thể đạt được các tiêu chuẩn quốc tế như Global Recycle Standard, Oeko-Tex, BCI,…. Nhiều nhà máy kéo sợi đã và đang bắt đầu sử dụng bông hữu cơ; sợi tự nhiên như sợi cà phê, sợi tre và các loại sợi tái chế; tận dụng mái nhà xưởng để lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời;…
Do đó, các doanh nghiệp cần tính toán linh hoạt thị trường, cả nội địa và xuất khẩu, mở rộng ở các thị trường có tình hình chính trị ổn định như châu Á để duy trì sản xuất, tận dụng tốt mọi cơ hội để có thể sớm phục hồi phát triển.
Có thể bạn quan tâm
Hãng thời trang nhanh bán đồ cũ: Nghiêm túc hay đối phó
01:00, 22/09/2023
“Cuộc đời” mới của thời trang nhanh và cũ
01:00, 02/09/2023
"Thế trận mới" của thời trang nhanh
04:00, 28/08/2023
Công nghệ RFID thúc đẩy cách mạng bền vững trong ngành thời trang
10:06, 21/08/2023