“Đánh thức” tiềm năng phát triển bền vững nuôi biển
Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa, khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp ở các vùng biển mở.
>>>Doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản lấy lại đà cân bằng
Chia sẻ tại Hội nghị "Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển nuôi biển nói chung và nuôi biển công nghiệp nói riêng.
Tự phát rầm rộ
Điều kiện tự nhiên và môi trường khá thuận lợi cho phát triển nuôi biển công nghiệp, quy mô hàng hóa lớn; đối tượng nuôi phong phú như: Các loài cá biển có giá trị cao, tôm hùm, nhuyễn thể, rong biển…
Mặc dù có nhiều khó khăn trong 2 năm vừa qua, nhưng có thể nói ngành thủy sản vẫn đứng vững. Hết tháng 10/2023, sản lượng đã đạt 7,4 triệu tấn, tăng trưởng trên 3%, trong khi đó năm 2022 lĩnh vực thủy sản đã tăng trưởng 4,88%, trở thành một trụ cột quan trọng trong tăng trưởng của ngành nông nghiệp (với tỷ trọng gần 30%).
Đặc biệt, nuôi biển ở Việt Nam là một lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng với diện tích mặt biển trên 1 triệu km2. Hiện nay, nuôi biển đã hình thành được một số vùng nuôi công nghiệp, đối tượng nuôi phong phú nên những tiềm năng cần được khai thác trong bối cảnh mới, đặc biệt là trước yêu cầu giảm khai thác từ biển, tăng nuôi trồng theo chuỗi khép kín.
"Nuôi biển phát triển sẽ góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nuôi biển vẫn là thủ công, tự phát, manh mún, chưa truy xuất được nguồn gốc con giống; Hạ tầng nuôi biển còn nhiều yếu kém. Chuỗi từ thức ăn, con giống, quy trình nuôi, an toàn dinh dưỡng, an toàn sinh học… còn nhiều vấn đề; ô nhiễm vùng nuôi vẫn là thách thức. Đặc biệt là việc giao mặt nước biển cho phát triển nuôi biển đang là thách thức lớn nhất. Nếu không tháo gỡ được khó khăn, thách thức, tiềm năng nuôi biển không phát triển được.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá, thực tiễn phát triển nuôi biển đang tự phát rất rầm rộ. Điều này đòi hỏi các bộ, ngành và địa phương phải vào cuộc sớm để quy hoạch mặt nước biển cho nuôi trồng thủy sản, giám sát vùng nuôi sớm. Tránh tình trạng sau vài năm nữa sẽ phải đi khắc phục hậu quả.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu, khuyến nông đã có những mô hình nuôi biển hiệu quả thì cần nhân rộng nhưng đi kèm với đó là sản phẩm phải được chứng minh nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thanh Huyên, đại diện Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ TN&MT cho biết thêm, đến hết năm 2018, việc giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản cơ bản được thực hiện theo quy định về giao đất có mặt nước ven biển, giao mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản của Luật Thủy sản năm 2003 và Luật Đất đai năm 2003, đây là cơ sở quan trọng để xây dựng mã số vùng nuôi cho lĩnh vực thủy sản.
Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương có biển, đến hết tháng 12/2022, việc giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản vẫn còn chậm, hầu như các địa phương chưa giao được khu vực biển nào để nuôi trồng thủy sản.
"Nhiều tổ chức, cá nhân có nhu cầu giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản như tỉnh Quảng Ninh có 1.354 tổ chức/cá nhân, tỉnh Khánh Hòa có 1.467 tổ chức/cá nhân, tỉnh Ninh Thuận có 105 tổ chức/cá nhân đã sử dụng khu vực biển nhưng chưa được giao khu vực biển theo quy định của pháp luật về thủy sản và pháp luật về giao khu vực biển”, đại diện Cục Biển và Hải đảo Việt Nam thông tin.
Theo ông Huyên, điều này gây ảnh hưởng đến việc đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh và nuôi biển, dẫn đến thất thu cho ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước về biển, hải đảo.
>>>Nhiều tín hiệu tích cực, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt hơn 38 tỷ USD
Xây dựng vùng không gian
Đưa ra giải pháp, tháo gỡ khó khăn, ông Nguyễn Thanh Huyên đưa ra 7 vấn đề tổng thể, tham mưu cho Quốc hội phê duyệt “Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Cụ thể, tiếp tục phát triển nuôi hiệu quả các đối tượng chủ lực và các loài thủy sản có giá trị kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chủ động phát triển hệ thống sản xuất giống thủy sản chất lượng cao, ưu tiên phát triển giống các đối tượng nuôi chủ lực, giá trị kinh tế cao, các loài mới có tiềm năng.
Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa, khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp ở các vùng biển mở; tạo khối lượng sản phẩm lớn phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Ngoài ra, phát triển nuôi trồng vi tảo, rong biển phục vụ nhu cầu thực phẩm và cung cấp nguyên liệu cho các ngành kinh tế khác (mỹ phẩm, dược phẩm,...). Nuôi trồng thủy sinh vật làm cảnh, giải trí, đồ mỹ nghệ, dược phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước.
Khuyến khích phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, giảm giá thành sản xuất, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; các mô hình nuôi hữu cơ, nuôi sinh thái, áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP) để nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Nâng cao năng lực quản lý và sản xuất nuôi trồng thủy sản theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý, sản xuất giống, vật tư thủy sản, phòng trừ dịch bệnh nuôi trồng thủy sản.
Phát triển sinh kế bền vững của cộng đồng ngư dân gắn với nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái, nghề cá giải trí, giảm dần cường lực khai thác bảo đảm phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản. Đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng và dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản
Đáng lưu ý, đại diện Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đưa ra kiến nghị xây dựng 4 vùng không gian ven biển cho hoạt động nuôi trồng thủy sản. Cụ thể bao gồm: Vùng ven biển và biển khu vực Đồng bằng sông Hồng; Vùng ven biển và biển khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (Vùng biển Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ); Vùng ven biển và biển khu vực Đông Nam bộ; Vùng ven biển và biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Vùng biển Tây Nam bộ).
Bên cạnh đó, ông Huyên kiến nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển cần xác định rõ khu vực nuôi trồng thủy sản ven biển, Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương có biển sớm tổ chức việc phân định ranh giới hành chính trên biển trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Một kiến nghị được Cục Biển và Hải đảo Việt Nam gửi đến Chính phủ là sớm phê duyệt Nghị định quy định về thế chấp, cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản; bồi thường khi Nhà nước thu hồi khu vực biển được giao để nuôi trồng thủy sản vì mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh.
Ngoài ra, các đơn vị liên quan cũng cần tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính và tuyên truyền, hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân đang nuôi trồng thủy sản trên biển nhưng chưa được giao khu vực biển thực hiện thủ tục.
Ông Nguyễn Thanh Huyên cũng kiến nghị cần sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng khu vực biển và xem xét, ưu tiên phân bổ nguồn lực tài chính cho các hoạt động phục vụ công tác giao, quản lý sử dụng khu vực biển, trong đó có nuôi trồng thủy sản trên biển.
Có thể bạn quan tâm
Xuất khẩu thủy sản và triển vọng dịp cuối năm
11:00, 12/11/2023
“Chìa khóa” giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản
22:14, 05/10/2023
Nhiều rào cản hạn chế phát triển ngành nuôi biển
02:30, 17/08/2023
VCCI hỗ trợ đào tạo nuôi biển
15:30, 23/02/2023