“Kích hoạt” các động lực tăng trưởng năm 2024
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6 - 6,5%, lạm phát ở mức 4 - 4,5%...
>>Quốc hội chốt chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 ở mức 6,0-6,5%
Trao đổi với DĐDN, TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (trường đại học Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm tới phù thuộc vào tình hình địa chính trị quốc tế, khả năng phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế với các trụ cột chính, đặc biệt là nỗ lực phục hồi môi trường đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.
- Thưa ông, nửa cuối năm 2023, nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu có sự phục hồi đã cho phép chúng ta tin tưởng vào tăng trưởng kinh tế khả quan hơn trong năm 2024?
Từ nửa cuối năm 2023, nền kinh tế có nhiều dấu hiệu tích cực, báo hiệu sự phục hồi nhẹ. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong tháng 10 tăng khoảng 5,5% so với tháng 9 và là mức tăng cao nhất trong 7 tháng gần đây. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã phục hồi nhẹ so với đầu năm; thị trường tài sản tương đối ổn định, thu hút đầu tư nước ngoài và ngành du lịch trên đà tăng trưởng ấn tượng…
Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá lạc quan bởi kinh tế toàn cầu vẫn còn tiềm ẩn một số bất ổn, khó khăn nhất định do tác động của tình hình địa chính trị, lạm phát… Nền kinh tế Việt Nam vốn có độ mở lớn nên biến động của kinh tế thế giới sẽ có tác động ngay đến kinh tế trong nước. Do vậy, năm 2024, theo tôi, nền kinh tế Việt Nam vẫn chịu tác động từ những cơn gió ngược. Khả năng tăng trưởng GDP dự đoán đạt mức tăng trưởng như năm nay. Khả năng phục hồi, phát triển và tăng trưởng cao trở lại của kinh tế khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam dự báo phải sang năm 2025 khi tình hình kinh tế thế giới khá hơn, cầu tiêu dùng thế giới tăng cao, xuất nhập khẩu khởi sắc hơn.
- Theo ông đâu là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong năm tới?
Từ những tín hiệu tích cực của hoạt động xuất khẩu trong những tháng cuối năm nay có thể hy vọng tạo điểm tựa cho sự phục hồi trở lại trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, cầu tiêu dùng trong nước tiếp tục được tiếp sức khi thị trường rơi vào thời kỳ cao điểm phục vụ lễ, tết và chính sách hỗ trợ giảm 2% thuế VAT.
Cộng đồng doanh nghiệp là nhân tố quan trọng để hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng. Vì thế, các giải pháp trợ lực cho doanh nghiệp cần được quan tâm, xem xét. Trong thời gian qua, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ như giãn hoãn nợ, miễn giảm tiền thuê đất, giảm thuế VAT, giảm lãi suất vay… được đánh giá là kịp thời và cần thiết cho doanh nghiệp, thậm chí có chính sách cần được xem xét kéo dài thêm thời gian thực thi để tăng hiệu quả.
Gắn liền với các chính sách hỗ trợ là những nỗ lực hơn nữa trong thúc đẩy cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, góp phần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh. Đây là nhiệm vụ quan trọng, từ diễn đàn Quốc hội, Chính phủ đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về nội dung này gắn liền với trách nhiệm của người đứng đầu, nâng cao năng lực thực thi, xử lý nghiêm các trường hợp né tránh, làm chậm, không phối hợp… Trong khó khăn thời gian qua, chúng ta vẫn được nghe nhiều phản ánh, bức xúc của doanh nghiệp về những rào cản, vướng mắc về giấy phép con, thủ tục không cần thiết vừa gây mất thời gian vừa phát sinh chi phí tuân thủ. Thực tế này có thể bào mòn niềm tin và quyết tâm đầu tư của doanh nghiệp.
>>Tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ cao nhất Đông Nam Á vào năm 2024?
- Tuy tỷ lệ giải ngân chưa cao, song, điểm tích cực là sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương trong tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân, điều này chắc hẳn tạo tiền đề tốt cho đầu tư công tăng tốc trong năm tới, thưa ông?
Đến thời điểm này, dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã rất quyết liệt song tỷ lệ giải ngân đầu tư công mới đạt trên 50% trong tổng số vốn giải ngân theo kế hoạch của năm 2023 là rất lớn, hơn 700.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong năm tới, độ trễ trong giải ngân vốn đầu tư công của năm nay sẽ kích hoạt, lan toả cũng là nhân tố góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, từ kết quả đạt được từ đầu tư công, một số kết nối hạ tầng hoàn thành cũng góp phần tạo cú hích thu hút đầu tư, ít nhất là ở một vài khu vực, dự án bất động sản có thể sẽ được hồi sinh.
Tuy nhiên, để đầu tư công tiếp tục là động lực tăng trưởng trong năm tới và những năm tiếp theo, tôi cho rằng, cần xem xét nghiêm túc các giải pháp tháo gỡ khó khăn, trong đó có khó khăn liên quan đến thủ tục hành chính, các khâu trong quá trình đầu tư như chuẩn bị đầu tư, tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án để iải phóng mặt bằng đi trước một bước… Đặc biệt, cần thay đổi tư duy để tạo đột phá trong giám sát và quản trị rủi ro hạn chế tối đa tình trạng xử lý tình huống như đã xảy ra trong thời gian qua như thiếu nguyên liệu, đội giá, đội chi phí…
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Kinh tế số là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế
19:05, 23/11/2023
Tái định vị chuỗi cung ứng cho tăng trưởng: 3 vấn đề đặt ra với doanh nghiệp
11:20, 17/11/2023
Quốc hội chốt chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 ở mức 6,0-6,5%
15:31, 09/11/2023
Tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ cao nhất Đông Nam Á vào năm 2024?
14:30, 01/11/2023
Kinh tế ảm đạm, Standard Chartered hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam mức 5%
22:34, 24/10/2023
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Hết năm 2023 ước dư nợ công khoảng 40% GDP
15:50, 23/10/2023