VLF 2023: Cần Thơ đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng logistics
Cần Thơ đang kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống cảng, trung tâm logistics, góp phần đưa thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm kinh tế vùng, mắt xích trung chuyển hàng hoá.
>>>VLF 2023: Đẩy nhanh xây dựng Chiến lược phát triển logistics Việt Nam
Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam (VLF) 2023, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu cho biết, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics của Cần Thơ đạt từ 10 - 15%/năm.
Thành phố đang kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống cảng, trung tâm logistics, góp phần đưa thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm kinh tế vùng và hiện đại, là một mắt xích quan trọng trung chuyển hàng hóa của khu vực.
Tuy nhiệt, hoạt động logistics của Cần Thơ vẫn còn một số hạn chế như cụm cảng biển Cần Thơ chưa khai thác hiệu quả do hệ thống kho bãi, hậu cần logistics chưa được đầu tư đồng bộ. Luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu khai thác hoàn chỉnh cho tàu tải trọng từ 10.000 đến 20.000 tấn. Phần lớn hàng hóa xuất khẩu phải chuyển tải bằng đường bộ về các cảng lớn ở Tp. Hồ Chí Minh và cảng Cái Mép, khiến chi phí vận tải doanh nghiệp phải gánh cao hơn từ 10 - 40% tùy từng tuyến…
Trong khi đó, Nghị quyết số 59-NQ/TW năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP.Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra mục tiêu địa phương sẽ trở thành "thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước ĐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hoá, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng…".
Vì vậy, nhiệm vụ rất lớn đặt ra cho TP. Cần Thơ là triển khai thực hiện dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An để tàu trọng tải 10.000 tấn - 20.000 tấn vào cảng Cần Thơ.
Mặt khác, cụm cảng biển Cần Thơ hiện vẫn chưa chưa khai thác hiệu quả do hệ thống kho bãi, hậu cần logistics chưa được đầu tư đồng bộ.
Liên quan đến việc luồng hàng hải cho tàu biển tải trọng lớn từ 10.000 đến 20.000 tấn vào sông Hậu chưa đáp ứng được nhu cầu khai thác, hồi tháng 10 vừa qua, khi đoàn công tác của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về làm việc với TP.Cần Thơ, đại diện Thành ủy Cần Thơ cho biết, địa phương đã thành lập tổ công tác về nạo vét luồng Định An (tuyến hàng hải từ biển vào các cảng trên sông Hậu). Đồng thời, thành phố sẽ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) triển khai chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với dự án nạo vét luồng Định An.
>>>[TRỰC TIẾP] Logistics và Chuyển đổi số cho Đồng bằng sông Cửu Long
Nhằm giải quyết các khó khăn trên, Lãnh đạo thành phố Cần Thơ cho biết Thành phố đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp. Một là, Quy hoạch thành phố đang trong giai đoạn chuẩn bị ở các bước cuối, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong cuối năm 2023.
Trong đó, xác định thành phố có ít nhất 03 khu vực phát triển Logistics phục vụ chung cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long: (1) Trung tâm logistics hạng II gắn với Cảng Cái cui theo quy hoạch phát triển Trung tâm logistics trên địa bàn cả nước được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1012/QĐ-TTg; (2) Cụm cảng và logistics hậu cảng, khu công nghiệp Thốt Nốt nhằm hỗ trợ cho cụm Công nghiệp VSIP Vĩnh Thạnh; (3) Trung tâm logistics chuyên dụng hàng không kết nối với Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ.
Với ít nhất 3 khu vực phát triển logistics nêu trên tại thành phố Cần Thơ, nếu triển khai tốt giải pháp về quy hoạch kỳ vọng thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, đưa nông sản vùng ĐBSCL đến các thị trường tiềm năng, góp phần nâng cao giá trị nông sản của vùng.
Hai là, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông tăng cường tính kết nối với khu vục. Cụ thể, về đường hàng không, nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Cần Thơ, xây dựng các công trình thiết yếu của Cảng hàng không (nhà ga hàng hóa, kho hàng hóa kèm khu tập kết hàng hóa, khu logistics hàng không...) để nâng công suất vận chuyển hành khách đạt 7 triệu hành khách/năm, hàng hóa đạt 250,000 tấn/năm.
Về đường bộ, nền tảng các tuyến đường hiện hữu đã hoàn thành, thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào khai thác 03/03 trục đường bộ cao tốc qua địa bàn thành phố Cần Thơ (trục cao tốc Bắc - Nam phía Tây từ thành phố Hồ Chí Minh đến Kiên Giang; trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông thành phố Hồ Chí Minh đến Cà Mau; trục cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) đạt quy mô đường cao tốc 04 làn xe.
Về đường thủy nội địa, 06/06 tuyến đường thủy nội địa cấp quốc gia và 09/09 tuyến đường thủy nội địa cấp thành phố được bảo trì nạo vét luồng thường xuyên, cắm mốc hành lang bảo vệ luồng và lắp đặt hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa; xây dựng hoàn thành đưa vào khai thác 01 cảng thủy nội địa tổng hợp hành khách và hàng hóa cấp vùng đạt quy mô cảng cấp I để thu hút hành khách và gom hàng tập trung từ các tỉnh trong vùng đi thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.
Về đường biển, Thành phố đã thành lập Tổ công tác đối với chính sách về Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ theo Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, khi hoàn chỉnh giai đoạn 2 hàng hải Định An - Cần Thơ cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu để đáp ứng cho các tàu có trọng tải đến 20.000 tấn lưu thông thường xuyên trên tuyến luồng ra - vào các cảng trên sông Hậu. Xây dựng khu bến Cảng Cần Thơ trở thành cảng tổng hợp quốc gia đầu mối của khu vực (loại I) để từng bước triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển ĐBSCL (nhóm 6).
Về đường sắt, hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ để triển khai các bước tiếp theo triển khai đầu tư xây dựng.
Đồng thời, triển khai xây dựng một số bến khách, đỗ bãi xe trên địa bàn các quận, huyện bãi đỗ xe công cộng tại khu đô thị mới; xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; xây dựng hệ thống quản lý giao thông thông minh (ITS) của thành phố.
Ba là, hiện thành phố đang phối hợp với Bộ NN&PTNT hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu long tại Cần Thơ quy mô khoảng 250 ha, dự kiến sau khi Quy hoạch thành phố được duyệt, sẽ được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.
Bốn là, thực hiện Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội về thống nhất chủ trương xã hội hóa nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ. Luồng hàng hải Định An – Cần Thơ được khơi thông theo chuẩn tắc hàng hải cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu sẽ tạo điều kiện phát huy công suất các cảng của Thành phố Cần Thơ theo quy hoạch được phê duyệt, tổng lượng hàng hóa tổng hợp được lưu thông sẽ đạt 20-21 triệu tấn/năm và 400 -500 nghìn công-ten-nơ/năm, nâng cao năng lực tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa cho không chỉ cho Cần Thơ nói riêng cmà cho toàn Vùng Nam sông Hậu và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Năm là, tăng cường liên kết vùng để sử dụng nguồn lực toàn vùng hiệu quả tránh đầu tư hạ tầng manh mún, thiếu quy hoạch một cách đồng bộ, gây lãng phí nguồn lực và không mang lại hiệu quả. Cần đánh giá tiềm năng, thế mạnh, lựa chọn đối tác, mô hình cho liên kết vùng. Đây là nhóm giải pháp quan trọng nhằm xác định lĩnh vực, ngành cần liên kết; lĩnh vực, ngành vùng có khả năng tự thực hiện, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch thực hiện liên kết, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm, trùng lặp và lãng phí nguồn lực ở ĐBSCL.
Sáu là, tăng cường sự hợp tác giữa các doanh nghiệp Logitics: Tạo cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp logistics và các đối tác trong chuỗi cung ứng để tăng cường tính hiệu quả. Tập trung vào việc phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics đủ mạnh, nhất là các doanh nghiệp cung dịch vụ logistics trọn gói 3PL và 4PL liên kết hiệu quả với thị trường quốc tế. Thành lập Hiệp hội logistics vùng ĐBSCL với trung tâm là Cần Thơ.
Bảy là, doanh nghiệp logistics cần nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ thông qua việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước phát triển logistics; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành, đào tạo chuỗi cung ứng logistics; dịch vụ logistics với các ngành sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa trong nước. Đẩy mạnh công tác Marketing, quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu, tuyên truyền cho các chủ hàng sử dụng logistics có kiến thức về thị trường và theo hướng chuyên môn hóa.
Tám là, các Viện, trường của thành phố Cần Thơ và vùng cần chú trọng mô hình đào tạo nghề với sự tham gia của doanh nghiệp - hình thức đào tạo kép. Kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường để có thể xây dựng được chương trình đào tạo có tính thực tiễn cao. Tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu, đưa vào vào giảng dạy các chương trình đào tạo ngắn hạn về logistics và quản lý chuỗi cung ứng theo chuẩn quốc tế.
Chín là, bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức chuyên sâu cho các cán bộ quản lý nhà nước và giảng viên ngành logistics.
Để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, thành phố Cần Thơ rất cần sự quan tâm, chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ban ngành trung ương và các tỉnh, thành phố trong nước để thành phố Cần Thơ phấn đấu trở thành Trung tâm Logisitcs của vùng, là động lực phát triển của khu vực theo tinh thần Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ.
Có thể bạn quan tâm
VLF 2023: Đẩy nhanh xây dựng Chiến lược phát triển logistics Việt Nam
11:35, 02/12/2023
[TRỰC TIẾP] Logistics và Chuyển đổi số cho Đồng bằng sông Cửu Long
08:19, 02/12/2023
Cơ chế thu hút doanh nghiệp vào logistics vùng ĐBSCL
14:00, 01/12/2023
Nâng cao năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh: “Kiến tạo” chính sách
03:11, 26/11/2023
Nâng cao năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh: Hoàn thiện cơ sở hạ tầng
03:01, 24/11/2023
Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023: Logistics và chuyển đổi số cho ĐBSCL
17:32, 23/11/2023