BSR - 21 năm một chặng đường vinh quang
Trong dòng chảy lịch sử của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) được biết đến như đơn vị tiên phong và đổi mới.
Ngày 31/5/1997 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 75/BT về việc thành lập Ban quản lý dự án Nhà máy lọc dầu số 1 trực thuộc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam. Từ đó trở đi, ngày này đã trở thành Ngày truyền thống của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn.
Gian nan
21 năm tận tụy và say mê, các thế hệ cán bộ, công nhân viên Công ty đã góp phần viết nên kỳ tích cho ngành Lọc – Hóa dầu Việt Nam.
Có lẽ trong lịch sử xây dựng và phát triển kinh tế ở Việt Nam, cũng không có một dự án nào lại trải qua nhiều gian truân, vất vả và khó khăn như NMLD Dung Quất…
Ngày 10/7/1997, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 514/QĐ-TTg phê duyệt dự án Nhà máy Lọc dầu số 1 Dung Quất theo hình thức Việt Nam tự đầu tư, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) được giao làm chủ đầu tư của dự án. Ngày 8/1/1998, lễ động thổ xây dựng nhà máy đã được tổ chức tại xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Đến giữa năm 1998, trong lúc PVN đang triển khai dự án khá khẩn trương thì cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng trong khu vực châu Á đã có những tác động xấu đến việc huy động vốn để thực hiện dự án. Trước tình hình đó, phương án Liên doanh với Nga để hợp tác xây dựng và vận hành NMLD số 1 tại Dung Quất được xúc tiến.
Ngày 25/8/1998, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga đã ký Hiệp định Liên Chính phủ về việc xây dựng, vận hành NMLD số 1 tại Dung Quất. Theo đó, hai Chính phủ thống nhất giao cho PVN và Liên đoàn kinh tế hải ngoại Nhà nước Liên bang Nga (Zarubezhneft) cùng làm Chủ đầu tư của dự án.
Trong quá trình Liên doanh “Vietross” đàm phán hợp đồng EPC 1, có những vấn đề phức tạp nảy sinh khiến cho tiến độ công việc kéo dài. Hai bên trong Liên doanh không đạt được sự đồng thuận đối với một số vấn đề quan trọng. Do vậy hai bên đã đề nghị Chính phủ hai nước quyết định chấm dứt Liên doanh. Phía Nga chấp thuận phương án rút khỏi dự án để chuyển giao lại toàn bộ quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong Liên doanh “Vietross” sang phía Việt Nam. Ngày 25/12/2002, Phái đoàn liên Chính phủ hai nước Việt Nam và Liên bang Nga đã ký Nghị định thư thỏa thuận chuyển quyền chủ đầu tư dự án NMLD Dung Quất sang phía Việt Nam.
Sau khi trở lại hình thức tự đầu tư, Ban QLDA NMLD Dung Quất đã tập trung thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu như giải quyết các vấn đề pháp lý của các hợp đồng sau khi chấm dứt Liên doanh, kiện toàn bộ máy tổ chức và ổn định tư tưởng của cán bộ công nhân viên, tiếp tục đàm phán hợp đồng EPC 1; tập trung giải quyết những phát sinh, vướng mắc về kỹ thuật, công nghệ và tài chính của các gói thầu, lập kế hoạch đào tạo tổng thể và chuẩn bị sản xuất…
Sau một thời gian tích cực đàm phán, kể từ ngày 17/5/2005 Hợp đồng EPC các hạng mục của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã được ký kết giữa PVN và Tổ hợp TPC. Ngày 28/11/2005, Lễ khởi công các gói thầu chính thức được Tổ hợp TPC phối hợp với PVN tổ chức tại công trường.
Quá trình thực hiện dự án đã gặp rất nhiều khó khăn, thử thách liên quan đến thiết kế kỹ thuật, thời tiết, điều kiện địa chất, thị trường và nguồn nhân lực. Đây cũng là lần đầu tiên chúng ta xây dựng một nhà máy lọc hóa dầu với công nghệ rất hiện đại, tổng mức đầu tư lớn nhất so với các dự án trọng điểm quốc gia khác. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Chính phủ, các bộ ngành và cơ quan Trung ương, sự phối hợp chặt chẽ của tỉnh Quảng Ngãi, cộng với những nỗ lực vượt bậc của chủ đầu tư cùng hàng vạn cán bộ, kỹ sư, chuyên gia, công nhân thuộc các nhà thầu trong nước và quốc tế, NMLD Dung Quất đã được xây dựng hoàn thành và đưa vào vận hành đúng tiến độ, cho ra dòng sản phẩm thương mại đầu tiên vào ngày 22/2/2009.
Thành công
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào vận hành không chỉ góp phần quan trọng cho việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp năng lượng cho xây dựng và phát triển kinh tế, mà còn góp phần làm thay đổi một cách căn bản và toàn diện sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và khu vực miền Trung – Tây nguyên nói chung.
Các thế hệ lãnh đạo và người lao động của BSR đã xây dựng thành công, vận hành tuyệt đối an toàn, ổn định và hiệu quả NMLD Dung Quất. Sau hơn 9 năm đi vào hoạt động, cho tới nay, Nhà máy đã sản xuất được hơn 52,1 triệu tấn sảm phẩm các loại; tổng doanh thu đạt 914,6 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 40 tỷ USD); nộp ngân sách Nhà nước 149,17 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 7 tỷ USD); lợi nhuận sau thuế đạt 19,17 nghìn tỷ đồng.
BSR đã thực sự trở thành điểm sáng của toàn ngành Dầu khí trong phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, trong say mê nghiên cứu khoa học và sáng kiến cải cải tiến kỹ thuật. Đồng thời BSR đã xây dựng và đào tạo được một đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao, đã làm chủ được công nghệ lọc hóa dầu và tự tin, tự chủ thực hiện thành công công tác bảo dưỡng tổng thể định kỳ nhà máy. Bên cạnh đó BSR luôn thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và xã hội khi thường xuyên tích cực tham gia vào công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, cứu trợ thiên tai... tại các vùng chịu nhiều tổn thương do bão lũ thuộc tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và các địa phương khác trong cả nước nói chung với tổng kinh phí tính đến nay là 330 tỷ đồng.
BSR đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương, PVN và nhiều tổ chức kinh tế trao tặng các danh hiệu, phần thưởng cao quý như Huân chương Lao động hạng Nhì, Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, Giải Vàng Chất lượng Quốc gia, Sao Vàng Đất Việt... Tất cả những điều đó đã khẳng định NMLD Dung Quất là cánh chim đầu đàn của lĩnh vực công nghiệp chế biến dầu khí của Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc đáp ứng nhu cầu năng lượng cho sự phát triển kinh tế đất nước và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.