NS BlueScope Việt Nam: Xây dựng thị trường cốt lõi hơn là tìm kiếm cơ hội về sản lượng
Doanh nghiệp thép Việt Nam đa số đang hạ thấp giá thành để cạnh tranh, việc làm này rất dễ bị các quốc gia khác áp dụng thuế chống bán phá giá vào thép xuất khẩu từ Việt Nam.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, xu hướng bảo hộ thương mại và hàng rào phi thuế quan ngày càng gia tăng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ngành thép. Việc áp các mức thuế chống bán phá giá từ các thị trường nhập khẩu thép lớn như Mỹ, Canada, EU, Indonesia, Thái Lan, Ấn Ðộ sẽ khiến cho xuất khẩu thép của Việt Nam tiếp tục khó khăn.
Cần nhìn vào nhu cầu thực tế của thị trường
Thị trường thép Thế giới ngày càng khó khăn hơn không chỉ riêng năm 2019. Hiện nay nhu cầu thép thế giới so với năng lực sản xuất chỉ chiếm khoảng 70%, cho nên trên thị thường luôn luôn có một lượng thép dư thừa.
Chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng và thép xuất khẩu rất dễ bị áp: thuế chống bán phá giá và thuế phòng vệ, có rất nhiều nước đang thiết dựng những hàng rào thuế này như Mỹ, Châu Âu, Đông Nam Á…
Theo nhận định của ông Võ Minh Nhựt, Tổng giám đốc công ty TNHH NS Bluescope, năm 2019 nhu cầu thép nội địa sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu đầu tư tăng, bên cạnh đó cạnh tranh cũng sẽ tăng theo, và tốc độ tăng trưởng trong xuất khẩu thép có thể sẽ tăng trưởng chậm lại so với những năm trước đó do khuynh hướng bao hộ gia tăng và kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều biến động.
Sự xuất hiện của 2 hướng kinh doanh khác nhau một bên là các DN bớt lượng hàng tồn kho, một bên ngược lại tăng lượng hàng tồn kho tùy thuộc vào tầm nhìn, định hướng kinh doanh của lãnh đạo doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp cho rằng giá thép sẽ tiếp tục tăng nữa trong vài tháng tới thì họ sẽ dự trữ hàng nhiều hơn bình thường. Đây là cách suy nghĩ và làm mạo hiểm.
Còn với những doanh nghiệp suy nghĩ cẩn trọng hơn, để đưa ra định hướng trong kinh doanh, họ sẽ phân tích các yếu tố vĩ mô, và xét về mọi khía cạnh của thị trường. Với những doanh nghiệp này, khó để có thể nhận định giá thép sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.
Đối với BlueScope, luôn coi trọng sự phát biển bền vững trong kinh doanh, cho nên doanh nghiệp chỉ dựa trên nhu cầu thực tế mà dự trữ lượng thép phù hợp. Đặc biệt, BlueScope vẫn tiếp tục xây dựng và phát triển chiều sâu thị trường nội địa, và luôn tạo ra những giá trị gia tăng cho khách hàng xuyên suốt chuỗi giá trị của mình. Ở những thị trường xuất khẩu, BlueScope tập trung vào xây dựng thị trường cốt lõi hơn là tìm kiếm cơ hội về sản lượng trong ngắn hạn.
Tập trung vào thị trường nội địa
Mới đây nhất, công ty thép Việt Ý báo lỗ luỹ kế cả năm 2018 lên đến 326 tỷ đồng, trong đó có một nguyên nhân được cho là do thị trường biến động mạnh, nhất là thị trường sản phẩm phôi thép làm cho sản lượng phôi bán ngoài của công ty giảm mạnh. Giá thép trong kỳ cũng giảm mạnh, trong khi công ty phải mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trước mấy tháng nên lỗ chi phí nguyên vật liệu đầu vào
Cũng theo ông Võ Minh Nhựt, trong 6 tháng vừa qua, lợi nhuận của doanh nghiệp thép giảm đáng kể vì sự tuột dốc của giá thép. Đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, sản lượng cung của một số ngành hàng lớn hơn cầu gấp nhiều lần. Khi giá thép hạ, một số doanh nghiệp càng có khuynh hướng đẩy nhanh hàng tồn với mức giá thấp vì cần xoay chuyển vòng vốn để duy trì các hoạt động kinh doanh. Việc này đã làm giá thép trên thị trường đi xuống nhanh, dẫn đến tâm lý khách hàng hoang mang và đồng thời tạo ra cuộc cạnh tranh về giá trên thị trường.
Các doanh nghiệp thép khi đầu tư cần phải xây dựng những luận chứng kinh tế kỹ thuật, nghiên cứu thị trường một cách chắc chắn; chú trọng vào thị trường nội địa và tạo ra giá trị cho khách hàng thay vì chỉ lệ thuộc vào thị trường xuất khẩu ngắn hạn. Vì so với các quốc gia chuyên về xuất khẩu thép như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga thì lợi thế cạnh tranh của thép Việt Nam là không cao lắm.
Thêm vào đó, do khuynh hướng bảo hộ thuế chống bán phá giá, thuế phòng vệ, nếu các doanh nghiệp tăng thêm công suất nhưng lại lệ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu thì doanh nghiệp có thể gặp rủi ro cao. Vì bất cứ lúc nào, chính sách của các quốc gia nhập khẩu, chính sách giá của các quốc gia lớn chuyên xuất khẩu thép đều có thể biến động và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu thép Việt Nam.
Trong bối cảnh trên, để duy trì và ổn định sản xuất, NS BlueScope chú trọng vào thị trường nội địa, đồng thời nâng chất lượng sản phẩm bằng cách tập trung phát triển công nghệ mới. BlueScope Việt Nam là công ty đầu tiên đầu tư công nghệ mạ nhôm kẽm tiên tiến tại Việt Nam vào năm 2003, với công nghệ mạ này, chất lượng của lớp mạ bền hơn mạ kẽm khoảng 4 lần và trong thời gian sắp tới có thể sẽ cho ra đời thêm công nghệ mạ mới ưu việt hơn. Trong thị trường dự án, BlueScope Việt Nam liên tục giới thiệu các giải pháp thép mạ đem lại các giá trị cho các công trình trọng điểm như: tôn mạ màu Colorbond cho nhà máy Vinfast Hải Phòng, giải pháp chuồng trại Agrished cho nông nghiệp công nghệ cao, tấm sàn thép Bondek II cho nhà cao tầng như Landmark 81. Tại thị trường dân dụng, không chỉ tập trung chất lượng sản phẩm, BlueScope còn xây dựng thương hiệu Zacs, hệ thống đại lý ủy quyền uy tín tôn Zacs trên toàn quốc đảm bảo cung cấp đến tay người tiêu dùng sản phẩm tôn Zacs chất lượng cao.
Chiến lược tập trung thị trường nội địa của BlueScope còn được thể hiện qua các hoạt động đồng hành với các đối tác là kiến trúc sư, nhà thầu xây dựng trên cả nước trong các hoạt động chuyên môn và trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR) như chương trình “Ứng dụng Công Trình Xanh”, “Mảnh ghép yêu thương” và “Mái Đẹp Nhà Sang”, Chương trình chia sẻ các hoạt động, tham quan về an toàn lao động, quản lý môi trường của BlueScope cho các doanh nghiệp tại nhiều tỉnh thành.
Những gì đạt được hơn 15 năm qua tại thị trường Việt Nam khẳng định chiến lược đúng đắn của BlueScope Việt Nam chú trọng thị trường cốt lõi.