EVNNPC và các đơn vị thành viên triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng
Đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả là một trong những giải pháp mà Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành địa phương trong thời gian qua.
Điều chỉnh phụ tải điện để đảm bảo cấp điện ổn định
Nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao nhưng nguồn tài nguyên cho sản xuất điện đang dần cạn kiệt, nhiều dự án điện theo quy hoạch điện 7 điều chỉnh đang chậm tiến độ. Chính vì vậy, nhằm thúc đẩy chương trình sử dụng năng lượng điện tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời thực hiện quyết định 279 của Chính phủ phê duyệt chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện, trong đó có chương trình điều chỉnh phụ tải (DR).
Trong những năm qua, với sự vào cuộc tích cực của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, môi trường kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, tạo tâm lý phấn khởi cho các nhà đầu tư trong, ngoài nước mở rộng quy mô hoạt động, sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên điều này cũng kéo theo nhu cầu sử dụng điện tăng cao với mức tăng trưởng nóng trên hai con số.
Để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng GDP trung bình khoảng 7% giai đoạn 2016-2030, hệ thống nguồn điện của Việt Nam (Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) đến năm 2020 phải đạt 60.000 MW, đến 2025 khoảng 96.500 MW và đến 2030 gần 130.000 MW. Tuy nhiên đến nay, hệ thống nguồn điện của Việt Nam mới đạt khoảng gần 50.000 MW trong khi nhu cầu điện vẫn tiếp tục tăng cao, nhất là khu vực miền Nam. Đây là một thách thức rất lớn cho ngành điện Việt Nam trong bối cảnh nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước đã tới hạn, dẫn đến phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, áp lực truyền tải điện trên hệ thống đường dây 500kV Bắc Nam rất lớn. Bên cạnh đó, một số dự án điện vào chậm tiến độ so với yêu cầu đặt ra, giá năng lượng còn thấp, khó thu hút đầu tư tư nhân, những thách thức từ biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng...
Tại 27 tỉnh miền Bắc, nhu cầu sử dụng điện của các khách hàng, đặc biệt là khách hàng công nghiệp tăng đột biến so với bình quân cả nước, đạt trên 12%, thậm chí có địa phương tăng trên 15%.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ là không để thiếu điện, trong những năm qua, EVN, EVNNPC, một mặt vừa đẩy nhanh tiến độ các dự án điện, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo; vừa đẩy mạnh các chương trình tiết kiệm điện. Tuy nhiên kết quả chưa đạt như mong muốn, nhất là trong khối doanh nghiệp. Nguyên nhân được chỉ ra là giá năng lượng ở Việt Nam chưa đúng với thị trường, vẫn còn nhiều doanh nghiệp sử dụng dây chuyền, máy móc, thiết bị cũ tiêu hao điện năng, ý thức của nhiều doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, cơ chế hỗ trợ của Nhà nước chưa cụ thể, rõ ràng.
Để giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng nói chung và điện nói riêng, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Tháng 3/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 279/QĐ – TTg phê quyệt chương Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu phụ tải giai đoạn 2018- 2020, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ (DSM) với mục tiêu chính là: Đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao chất lượng, độ tin cậy cấp điện, giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện, nâng cao nhận thức của khách hàng và toàn xã hội.
Theo đó, phấn đấu giảm 300 MW công suất phụ tải đỉnh vào năm 2020; 1.000 MW vào năm 2025, 2.000 MW vào năm 2030. Đồng thời tăng hệ số phụ tải điện quốc gia từ 1-2% giai đoạn 2018-2020 và 3-4% giai đoạn 2021-2030.
Ngày 28/1/2019, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 175/QĐ-BCT về Chương trình Điều chỉnh phụ tải điện với mục tiêu giảm được ít nhất 30% công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện, tương ứng 90 MW vào năm 2020, 300 MW vào năm 2025 và 600 MW vào năm 2030. Đây được coi là giải pháp quan trọng và là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 và các năm tiếp theo.
Hơn 1.600 doanh nghiệp ký kết tham gia Chương trình DR
Thực hiện chỉ đạo nêu trên, EVN và các Tổng công ty Điện lực đang tích cực triển khai trương trình điều chỉnh phụ tải. Tại 27 tỉnh miền Bắc, EVNNPC cũng lựa chọn được trên 4.000 doanh nghiệp có sản lượng điện tiêu thụ từ 3 triệu kWh/năm trở lên để mời tham gia chương trình DR. Đến nay đã có hơn 1.600 doanh nghiệp tự ký kết tự nguyện tham gia.
Tại Hội thảo "Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Trách nhiệm và Lợi ích của Doanh nghiệp" diễn ra sáng nay ngày 28/05/2019, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương Nguyễn Anh Tuấn đánh giá cao sự chủ động của EVNNPC, ngành điện trong việc triển khai chương trình, đồng thời nhấn mạnh: Đây là dịp để các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau trao đổi thông tin, tìm ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả để thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải, góp phần hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao; hướng tới mục tiêu cuối cùng đó là đảm bảo an ninh năng lượng hiệu quả gắn với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Cũng theo ông Tuấn, các ý kiến đóng góp tại Hội thảo lần này sẽ góp phần quan trọng, làm cơ sở để Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp cho cộng đồng doanh nghiệp; Tạo điều kiện cho EVN và các Tổng công ty Điện lực thực hiện thành công chương trình. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu nêu trên, Bộ Công Thương kêu gọi sự vào cuộc của các Bộ, Ban ngành, tổ chức liên quan, đặc biệt là vai trò của Chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Lê Quang Thái – Phó Tổng giám đốc EVNNPC cho biết, EVNNPC cam kết tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp tham gia bằng việc hỗ trợ nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đưa vào danh sách khách hàng ưu tiên cấp điện, rút ngắn thời gian xử lý sự cố lưới điện. Đồng thời hỗ trợ tối đa các yêu cầu phát sinh trong quá trình sử dụng điện, tư vấn miễn phí về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả, miễn phí vệ sinh định kỳ Trạm biến áp khách hàng, hỗ trợ, tư vấn kiểm toán năng lượng và chăm sóc khách hàng và các hỗ trợ khác...
Với tư cách là cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch thường trực VCCI cho biết, "chúng tôi mong các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất tích cực hưởng ứng chương trình này, bằng việc tiết giảm và sử dụng năng lượng điện hiệu quả, tiết giảm các công đoạn, dây chuyền phù hợp vào giờ cao điểm. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và ngành điện, cũng như quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững."
Về trách nhiệm của các địa phương trong việc thực hiện có hiệu quả chương trình này, ông Nguyễn Minh Quang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nhấn mạnh, với lợi ích từ chương trình phụ tải, Hưng Yên kêu gọi các doanh nghiệp nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia cùng ngành điện. Tỉnh Hưng Yên cũng cam kết sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả.
Cần quan tâm hơn nữa đến việc quản lý nhu cầu sử dụng điện
Đánh giá cao những nỗ lực trong việc quy hoạch cũng như điều hành những phát kiến để đảm bảo cung cấp điện đủ nhu cầu của khách hàng tiêu thụ điện, tuy nhiên GS.VS.TSKH Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cũng thẳng thắn khi chỉ ra một khía cạnh "không mới" khi cho rằng: Từ trước đến nay chúng ta chủ yếu quan tâm đến phía cung còn về “cầu” thì chưa được quan tâm đúng mức. "Chúng ta dự báo nhu cầu đôi khi chưa phân tích những nhu cầu đó hợp lý hay chưa và khi có số liệu thì chúng ta cố gắng chạy theo, đáp ứng đầy đủ nhu cầu nên cuộc chạy đua đó đòi hỏi những cố gắng quá mức của nhà nước cũng như ngành điện." - ông Long nói.
Gần đây quản lý phụ tải người ta đặt ra mục tiêu rất lớn của quốc gia và ngành điện, vấn đề quản lý nhu cầu cũng đã nói nhiều năm nay nhưng thực ra những năm vừa qua chúng ta đạt được rất khiêm tốn trong lĩnh vực quản lý nhu cầu. Thực ra đó là giải pháp mang lại lợi ích cho cả 3 đối tượng chính: nhà nước, các doanh nghiệp và cho người sử dụng. Riêng đối với người sử dụng, lợi ích thiết thực nhất là phải chi trả tiền điện sử dụng ít hơn trong khi tiện nghi sử dụng, điện hưởng thụ hầu như không thay đổi, không cắt giảm tiện nghi khách hàng. “Chúng ta cố gắng đáp ứng nhu cầu của khách hàng nhưng đáp ứng hợp lý hơn và khách hàng vẫn cảm thấy thoải mái khi tham gia vào các chương trình quản lý nhu cầu”.
Trần Đình Long cho biết, trong thực hiện các chương trình, vấn đề cơ chế chính sách, khung pháp lý đóng vai trò cực kỳ quan trọng, đặc biệt biệt chính sách về giá điện có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của các chương trình quản lý cung cầu. Giá điện, cụ thể như giá điện bậc thang được nói nhiều đến gần đây là một giải pháp quản lý hữu ích, quản lý hữu ích mức độ sử dụng điện năng quá nhu cầu cần thiết. Ông Trần Đình Long cũng đánh giá "việc chênh lệch giá điện giữa giờ cao điểm và thấp điểm chênh càng nhiều thì tác dụng điều chỉnh sẽ càng lớn".
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, đại diện Công ty Điện lực Hưng Yên, Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên và 60 doanh nghiệp đã tham gia lễ ký kết Thỏa thuận thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải trong năm 2019 và các năm tiếp theo.