Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số
Trong nền kinh tế số và chia sẻ, doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có nhiều cơ hội để kết nối, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhận định về điều này, tại Diễn đàn “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số và chia sẻ” do (VCCI) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh và Facebook tổ chức, bà Trần Thị Thanh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, mặc dù có nhiều cơ hội nhưng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Một trong những khó khăn hàng đầu là tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm, dịch vụ.
Đồng quan điểm, ông Ruici Tio, Quản lý Chương trình Chính sách, Facebook khu vực châu Á – Thái Bình Dương chia sẻ, trong thời đại số hiện nay, thói quen mua sắm của khách hàng đã thay đổi đáng kể. Với xu hướng chính là mua sắm trực tuyến trên thiết bị di động và thương mại đối thoại. Chính vì vậy các doanh nghiệp cần nắm bắt những xu thế này để tiếp cận khách hàng hiệu quả nhất.
Có thể thấy, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thời đại “công nghệ số” đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Theo đó, việc ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực đời sống trở thành xu hướng phát triển tất yếu của xã hội. Dựa trên kinh tế nền tảng, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã đạt được những bước tiến nhanh chóng với sự ra đời của hàng loạt mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng kỹ thuật số.
Tuy nhiên, theo quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế, với nguồn vốn hạn hẹp, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn và khả năng sử dụng các sản phẩm công nghệ còn chưa cao… sẽ khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam khó thích ứng nhanh chóng, thiếu đất sống.
Mặc dù vậy, nhận định về vấn đề này, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nền kinh tế số và kinh tế chia sẻ cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số giúp doanh nghiệp vượt qua giới hạn về cả khoảng cách thời gian cũng như không gian địa lý cung cấp sản phẩm, dịch vụ tới tay người tiêu dùng.
"Qua đó, ứng dụng công nghệ số cũng giúp các doanh nghiệp đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu của khách hàng đồng thời tối thiểu hóa chi phí trong quá trình vận hành. Tuy nhiên, việc vận dụng hiệu quả mô hình kinh tế mới này không thật sự đơn giản nói đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của cả Chính phủ và doanh nghiệp", ông Phòng đánh giá.
Do đó, trong 3 năm qua, VCCI đã tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có việc phối phối hợp với Facebook đào tạo nâng cao kỹ năng marketing trực tuyến cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm khách hàng, quảng bá thương hiệu doanh nghiệp, tăng doanh số và giảm thiểu chi phí kinh doanh. Tính đến nay, hoạt động này đã thực hiện ở 24 tỉnh thành trên cả nước và thường xuyên nhận được nhu cầu tham gia rất lớn từ phía doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, để phát huy được lợi ích của mô hình kinh tế chia sẻ, Nhà nước cần có các chính sách thúc đẩy mô hình này theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh truyền thống chuyển sang mô hình kinh doanh mới.
Đồng thời, ông Hiếu cũng chỉ ra, các cơ quan quản lý cần nâng cao kiểm soát quản lý đối với mô hình kinh tế chia sẻ trong việc cung ứng dịch vụ để tịnh tiến dần sự công bằng giữa truyền thống và công nghệ, đồng thời gia tăng tính cạnh tranh.
Nếu tận dụng được sức mạnh của công nghệ, doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao hiệu quả kinh doanh, mở rộng thị trường và thị phần, thậm chí lấn sân vào những thị trường mới do chính doanh nghiệp Việt Nam tạo nên. Tuy nhiên, để có được điều này, doanh nghiệp cũng cần có sự giúp đỡ của Nhà nước trong việc tạo môi trường pháp lý, thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia nhiều hơn vào mô hình kinh tế mới.