Sự “đứt gãy” cả về cung và cầu xi măng
Ngành xi măng đang trải qua thời khắc khá ảm đạm, doanh thu giảm, cung vượt cầu trong bối cảnh hậu của đại dịch COVID-19, đã tác động đến sản xuất xi măng và dự báo tăng trưởng giảm trong năm nay.
Trên thực tế, với những khủng hoảng lan rộng và có tính chất phức tạp khó dự đoán của đại dịch COVID -19 hiện nay, tác động sâu sắc và nghiêm trọng đến doanh nghiệp trên tất cả các khía cạnh từ kinh doanh, nhân sự, quản lý và thậm chí cả rủi ro phá sản hoặc tạm dừng thi công…đã siết chặt chi tiêu, khiến nhu cầu tiêu thụ xi măng ở thị trường trong nước cũng như thị trường xuất khẩu gây ra sự “đứt gãy” cả về cung và cầu đối với ngành xi măng rất nặng nề.
Ảnh hưởng đến tăng trưởng
Điều này được thể hiện qua tốc độ tăng trưởng sụt giảm rất mạnh, tiêu thụ xi măng trong nước giảm quý I/2020 tiêu thụ nội địa ước đạt 13,45 triệu tấn, bằng 97,41% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, xuất khẩu xi măng, clinker gặp nhiều khó khăn do những thị trường xuất khẩu truyền thống như: Trung Quốc, Phillippines, Banglades,… tạm dừng nhập khẩu do dịch bệnh. Xi măng xuất khẩu quý I/2020 ước đạt 3,11 triệu tấn, bằng 99% so với cùng kỳ; Clinker xuất khẩu quý I/2020 ước đạt 3,42 triệu tấn, bằng 64,6%% so với cùng kỳ.
Đứng trước nhiều thách thức, sản xuất gặp rất nhiều khó khăn trong việc di chuyển đi lại, cùng với vận chuyển hàng hóa bị hạn chế nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc cung cấp hàng hóa, nguyên nhiên liệu, vật tư thiết bị cũng như dịch vụ chuyên gia kỹ thuật cho công tác sản xuất.
Cùng với tinh thần đó để ứng phó mọi tình huống, các đơn vị sản xuất, kinh doanh xi măng thuộc TCty xi măng Việt Nam (VICEM) đã đoàn kết thể hiện được tinh thần yêu nước, hành động quyết liệt nhằm đẩy mạnh chương trình tiết kiệm chi phí quản lý, chống làng phí và ý thức được trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nghiêm chỉnh chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tìm mọi biện pháp ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh trong toàn hệ thống xi măng của mình, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của cán bộ, công nhân, duy trì sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng năng suất phát triển bền vững.
Tối ưu các giải pháp
Nhằm chuẩn bị tốt cho kế hoạch phục hồi, ngành xi măng theo chỉ đạo của Chính phủ, trong việc theo đuổi chiến lược “mục tiêu kép”, một mặt vừa phòng chống dịch, mặt khác vẫn đảm bảo duy trì hoạt động kinh tế tối thiểu đi kèm với các cải cách thể chế và cơ cấu để tăng trưởng trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Để góp phần giảm nhẹ các tác động của dịch bệnh lên nền kinh tế và đời sống của người lao động ngành xi măng, Ban lãnh đạo của TCty xi măng Việt Nam (VICEM) đã có nhiều chỉ đạo và chính sách hỗ trợ khó khăn cho các doanh nghiệp xi măng thuộc VICEM và người lao động vượt qua khó khăn của đại dịch, để cùng với đất nước tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch COVID-19.
Bám sát và đánh giá đúng diễn biến thị trường để có chính sách phù hợp, tập trung để tăng sản lượng vào các vùng thị trường trọng điểm ít bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Tăng cường tìm kiếm, tồn trữ các loại nguyên, nhiên liệu thiết yếu đảm bảo nhu cầu sản xuất của các dây chuyền. Nâng cao chất lượng của công tác sửa chữa phòng ngừa, sửa chữa thường xuyên, khắc phục ngay các điểm yếu trong dây chuyền để duy trì và kéo dài thời gian hoạt động ổn định, điều chỉnh thời gian sửa chữa lớn cho phù hợp với tình hình thực tế. Tìm kiếm và xem xét thay thế một số vật tư, phụ tùng nhập ngoại bằng vật tư, phụ tùng sản xuất trong nước đáp ứng nhu cầu sửa chữa.
Với tinh thần đó, Ban lãnh đạo của VICEM rà soát chi phí trong tất cả công đoạn, cân đối dòng tiền, tăng cường tiết kiệm, giảm chi phí biến đổi, đồng thời tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng, chi phí tài chính để phần nào bù đắp việc tăng chi phí cố định do sản lưởng giảm, tăng khả năng cạnh tranh, đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh.Duy trì việc làm ổn định, đảm bảo tiền lương và thu nhập cho người lao động.
Đồng thời, VICEM thực hiện văn bản số 1199/BXD-QLDN ngày 18/3/2020 của Bộ Xây dựng về việc “xem xét đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, Ngành cần có những giải pháp giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong ngành Xi măng trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Có chính sách kích cầu trong đầu tư xây dựng để phục hồi thị trường khi dịch COVID-19 chấm dứt như:
Một là: Chính sách giảm lãi suất cho vay; giãn, hoãn thời gian trả nợ và thực hiện cơ cấu lại nợ vay ngắn hạn và dài hạn phù hợp với tình hình của các đơn vị.
Hai là: Gia hạn thời gian nộp thuế với các loại thuế như Thuế giá trị gia tăng, Thuế xuất khẩu, Thuế Thu nhập doanh nghiệp, Thuế tài nguyên, thuế nhà đất…
Ba là: Giãn, chậm hoặc hoãn nộp Bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xi măng. Có chính sách miễn, giảm thuế Thu nhập cá nhân để kích thích tiêu dùng.
Bốn là: Miễn thuế xuất khẩu Clinker. Cho phép được khấu trừ thuế Giá trị gia tăng đầu vào đối với sản phẩm clinker xuất khẩu. Xem xét giảm trừ yếu tố khách quan do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong trường hợp lợi nhuận kế hoạch, năng suất lao động giảm để đảm bảo tiền lương, thu nhập cho người lao động.
Đây sẽ là những chính sách cứu cánh hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những thời khắc khó khăn để hồi phục sức mạnh sản xuất trong giai đoạn hậu dịch này.