Nghiên cứu, khảo sát và viết báo cáo đánh giá thực trạng một số khu công nghiệp tại Việt Nam theo tiêu chuẩn ESG
Cần tìm đơn vị viết báo cáo đánh giá thực trạng khu công nghiệp Việt Nam theo hướng phát triển bền vững dựa trên dữ liệu nghiên cứu, khảo sát và các kiến nghị có liên quan.
Tính đến cuối tháng 4 năm 2021, trên địa bàn cả nước đã có 392 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích gần 119 nghìn ha. Các khu công nghiệp được thành lập tại 61 tỉnh thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm nhằm phát huy lợi thế về địa lý và tiềm năng phát triển kinh tế các vùng. Trong số 392 khu công nghiệp được thành lập, có 286 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 85,2 nghìn ha, bao gồm 56,4 nghìn ha diện tích đất công ngiệp có thể cho thuê (hiện đã lấp đầy 73,1%) và 106 khu công nghiệp đang xây dựng cơ bản. Cùng với các khu công nghiệp, đã có 18 khu kinh tế ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 853 nghìn ha.
Các khu công nghiệp, khu kinh tế đã có những đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển của Việt Nam, thông qua việc thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; khơi dậy và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước, bổ sung nguồn vốn quan trọng trong tổng vốn đầu tư xã hội; gia tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần mở rộng thị trường quốc tế, thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu; đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách và tạo việc làm. Luỹ kế đến cuối tháng 4 năm 2021, các Khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được 10.148 dự án trong nước và 10.921 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng khoảng 2,52 triệu tỷ đồng và 230,2 tỷ USD.
Bên cạnh những đóng góp trực tiếp nêu trên, việc hình thành và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế đã có tác động lan tỏa đến các khu vực khác của nền kinh tế, trong đó có việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp, góp phần đưa Việt Nam từng bước tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu; phát triển đô thị; thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng; bảo vệ môi trường sinh thái; mở rộng quan hệ đối ngoại… Việc phát triển mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế đã góp phần tích cực trong việc hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích đổi mới thủ tục hành chính.
Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng nêu trên, song việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế như quy hoạch phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế chưa thể hiện rõ được tầm nhìn chiến lược, tổng thể. Tại một số nơi, quy hoạch và phát triển khu công nghiệp và khu kinh tế chưa sát với nhu cầu phát triển và khả năng thu hút đầu tư. Đồng thời, việc tập trung các khu công nghiệp tại một số địa phương, tuyến quốc lộ gây áp lực lớn về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu vực xung quanh khu công nghiệp; mô hình phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế còn chậm đổi mới; chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư và hiệu quả sử dụng đất tại khu công nghiệp, khu kinh tế còn chưa cao; khu công nghiệp và khu kinh tế phát triển chưa bền vững và cân bằng về kinh tế, môi trường và xã hội; hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội trong và ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế còn thấp so với nhu cầu. Vì vậy, việc đánh giá thực trạng, hỗ trợ các khu công nghiệp hoạt động theo hướng bền vững, hài hòa các khía cạnh kinh tế - quản trị, môi trường và xã hội là xu hướng chung, là yêu cầu tất yếu ở Việt Nam trong những năm tới đây.
Đối tượng được khảo sát tập trung vào các khu công nghiệp tại Việt Nam đang hoạt động, không phân biệt quy mô, hình thức đầu tư và địa phương.
Mục tiêu của hoạt động khảo sát nhằm đánh giá thực trạng bền vững khu công nghiệp Việt Nam theo khung ESG ở các khía cạnh kinh tế, môi trường, xã hội và - quản trị (EESG); Kiến nghị các hoạt động hỗ trợ các khu công nghiệp hướng tới việc bền vững về mặt EESG.
Kết quả hoạt động khảo sát là báo cáo đánh giá thực trạng khu công nghiệp Việt Nam theo hướng phát triển bền vững dựa trên dữ liệu nghiên cứu, khảo sát và các kiến nghị có liên quan. Báo cáo đáp ứng những yêu cầu cụ thể gồm: Mô tả hướng phát triển của các khu công nghiệp theo các khía cạnh của khung EESG trong quá trình đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành khu công nghiệp dựa trên các quy định của Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế; Phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động của 30 khu công nghiệp Việt Nam theo khung EESG; Đề xuất các gợi ý, kiến nghị đối với Chính phủ, VCCI-VBCSD cùng các cơ quan, tổ chức liên quan thúc đẩy phát triển bền vững khu công nghiệp.
Để đạt được mục tiêu đề ra, các đơn vị tham gia cần đạt được những mục tiêu cụ thể như: Rà soát khung khổ pháp lý và xu hướng phát triển bền vững khu công nghiệp. Hoạt động này nhằm xác định các xu thế, yêu cầu về phát triển khu công nghiệp theo khung ESG tại Việt Nam và trên thế giới; Chuẩn bị kế hoạch khảo sát và thu thập dữ liệu. Hoạt động này nhằm đảm bảo các dữ liệu cần thiết được thu thập phù hợp thông qua kế hoạch lấy mẫu khảo sát và bảng câu hỏi khảo sát khu công nghiệp; Hoạt động 3: Khảo sát, lập báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu. Hoạt động này nhằm thu thập ít nhất 30 dữ liệu đánh giá thực trạng khu công nghiệp theo tiêu chí EESG và đưa ra các đề xuất, kiến nghị phù hợp.
Các đơn vị cung cấp dịch vụ cần đáp ứng các tiêu chuẩn sau: Có trên 5 năm kinh nghiệm; Có hiểu biết về xu hướng phát triển bền vững nói chung và khung EESG nói riêng; Có hiểu biết, kinh nghiệm làm việc với các khu công nghiệp; Có kinh nghiệm khảo sát, thu thập, làm sạch số liệu khảo sát; Có kinh nghiệm lập báo cáo khảo sát và xây dựng đề xuất, kiến nghị.
Hồ sơ đơn vị cung cấp dịch vụ (Hồ sơ đề xuất bằng tiếng Việt) bao gồm: Phương pháp luận; Kế hoạch hoạt động, các hoạt động, khung thời gian; Ngân sách đề xuất; Lý lịch của trưởng nhóm và các thành viên nhóm thực hiện. Thời hạn nộp đề xuất thực hiện công việc: 22/01/2022.
Đề xuất phải được nộp trong một phong bì được niêm phong. Phong bì kín và phải được đánh dấu rõ ràng “Nghiên cứu, khảo sát và viết báo cáo đánh giá thực trạng một số khu công nghiệp tại Việt Nam theo tiêu chuẩn ESG” và gửi đến:
Anh Nguyễn Thành Trung
Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Tầng 4, Tòa nhà VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Quận Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 0945223333
E-mail: trungnt@vcci.com.vn