Top 5 hàng Việt bán chạy trên Amazon

MINH VÂN 23/07/2022 20:18

Hàng hóa “made in Việt Nam” được bán trên Amazon là sản phẩm thân thiện với môi trường, có thiết kế độc đáo và khác biệt được khách hàng quốc tế ưa chuộng

>>>Công nghệ đã giúp thương mại điện tử bứt tốc

Đây là nhận định được ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ tại talkshow “The Next Power”.

Sản phẩm thương hiệu Việt ghi dấu ấn trên sàn quốc tế

Theo thống kê của Amazon Global Selling, 5 danh mục mà người bán hàng Việt Nam đang kinh doanh rất hiệu quả là đồ gia dụng; sản phẩm nhà bếp; quần áo, thời trang; sản phẩm chăm sóc sức khỏe và chăm sóc cá nhân; và các công cụ dùng để sửa nhà và các tiện ích nhỏ trong nhà.

Trong vòng 12 tháng (từ 1/9/2020 đến 31/8/2021), gần 7,2 triệu sản phẩm của các doanh nghiệp SMEs Việt Nam được bán cho khách hàng của Amazon trên khắp thế giới, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng SME Việt bán hàng qua các cửa hàng Amazon trên toàn thế giới cũng vượt mốc doanh số 100.000 USD, 500.000 USD và 1 triệu USD, tăng lần lượt hơn 18%, 53% và 40% chỉ sau một năm.

Các sản phẩm handmade được làm từ lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) của Hợp tác xã Vụn An được bán trên Amazon (ảnh: H.L)

Các sản phẩm handmade được làm từ lụa Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội của Hợp tác xã Vụn An được bán trên Amazon (ảnh: H.L)

Ông Gijae Seong - Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam đánh giá cao lợi thế riêng của Việt Nam và các sản phẩm đến từ Việt Nam và hi vọng trong tương lai, sẽ có một số thay đổi trong sản phẩm để có thêm nhiều người Việt có thể ra mắt thành công trên Amazon.com. Sàn thương mại điện tử lớn của thế giới ước tính doanh thu thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam sẽ đạt 11 tỷ USD vào năm 2026.

Ông Gijae Seong nhận thấy, các nhà sản xuất đang tập trung về Việt Nam khiến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của Đông Nam Á và là một quốc gia sản xuất rất quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Ngay trong đại dịch, lãnh đạo của Amazon cũng đánh giá cao sự phát triển ổn định của nền kinh tế, cũng như nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong hỗ trợ xuất khẩu, tạo điều kiện vô cùng to lớn cho sự tham gia của người bán hàng Việt Nam trên thế giới trong giai đoạn tiếp theo.

Nói về cơ hội đẩy mạnh kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, ông Gijae Seong nhấn mạnh: cơ hội mở ra cho tất cả mọi người, tất nhiều thứ đã nằm trong tầm tay của bạn. Trước đây, một người bán hàng phải bỏ khoảng 1 triệu đô la để mở một cửa hàng vật lý tại Mỹ nhưng hiện nay, họ không còn tốn chi phí như vậy mà vẫn để có thể mang hàng hóa đến mọi nơi trên thế giới.

Thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ

Cơ hội để hàng hóa, sản phẩm Việt Nam mở rộng thị phần thông qua các sàn thương mại điện tử ngày càng lớn, kể cả khi dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát.

Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kỹ thuật số, Bộ Công Thương cho biết: với sự đa dạng về mô hình hoạt động, đối tượng, quy trình hoạt động, cung ứng hàng hóa, dịch vụ vùng với sự hỗ trợ của hạ tầng Internet, ứng dụng công nghệ hiện đại đã đưa thương mại điện tử trở thành trụ cột quan trọng của phát triển kinh tế số. Trong giai đoạn hiện nay, tiếp đà tăng trưởng đã có trong đại dịch, thương mại điện tử vẫn phát triển mạnh mẽ.

Thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ sau cú hích từ đại dịch Covid-19 (ảnh minh hoạ)

Thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ sau cú hích từ đại dịch Covid-19 (ảnh minh hoạ)

Báo cáo Toàn cảnh kinh doanh sàn thương mại điện tử nửa đầu năm 2022 được trích xuất từ nền tảng số liệu của Metric.vn cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam thời kỳ hậu Covid -19 đang trên đà phát triển. Theo thống kê trên 4 sàn thương mại điện tử của Việt Nam là Shopee, Lazada, Tiki và Sendo, các sản phẩm của ngành hàng làm đẹp, thời trang nữ, gia dụng được quan tâm, mua sắm nhiều nhất.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước cho rằng, vẫn còn nhiều rào cản đối với doanh nghiệp và sản phẩm thương hiệu Việt như ngôn ngữ, chất lượng sản phẩm, việc chấp hành tiêu chuẩn và quy định, bảo hộ thương hiệu, phương thức thanh toán, các tuyến vận chuyển linh hoạt...  Do vậy, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ cần tiếp tục đổi mới sáng tạo ở cấp độ cao hơn, có giải pháp và công nghệ nổi bật... để nắm bắt cơ hội mở rộng thị phần.

  • Bước đi mới của Amazon vào thị trường chăm sóc sức khỏe

    Bước đi mới của Amazon vào thị trường chăm sóc sức khỏe

    20:14, 23/07/2022

  • “Phủ sóng” sản phẩm địa phương trên thương mại điện tử

    “Phủ sóng” sản phẩm địa phương trên thương mại điện tử

    00:06, 25/06/2022

  • Quảng Ninh: Thương mại điện tử “cầu nối” cho xuất nhập khẩu

    Quảng Ninh: Thương mại điện tử “cầu nối” cho xuất nhập khẩu

    01:22, 24/06/2022

MINH VÂN