T&T đi tắt đón đầu phát triển năng lượng xanh
T&T Group còn lựa chọn chiến lược đi tắt đón đầu thông qua những cái bắt tay hợp tác quốc tế với những "cá mập" hàng đầu thế giới trong ngành năng lượng.
>>Đề xuất Chính phủ hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo
Với những bước đi bài bản và tầm nhìn chiến lược phù hợp với chủ trương tăng trưởng xanh bền vững của Việt Nam, T&T Group đã tiên phong mở cánh cửa cho sự bùng nổ của ngành công nghiệp năng lượng xanh, góp phần tích cực cho sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh bền vững tại Việt Nam.
Đầu tháng 11/2022, ngay trước thềm Hội nghị COP27, Liên danh T&T Group và Ørsted - tập đoàn năng lượng bền vững hàng đầu thế giới đã ký kết thỏa thuận mang tính bước ngoặt với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm nâng cao năng lực kỹ thuật và xây dựng chuyên môn công nghệ trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi đang sôi động của Việt Nam. Đây là thỏa thuận đầu tiên thuộc loại hình này trong ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Chuỗi dự án năng lượng với tổng công suất gần 2.500 MW
Trước đó, tại thời điểm diễn ra Hội nghị COP26, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát đi cam kết Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, T&T Group và Tập đoàn Total Eren (Pháp) - 1 trong 6 công ty dầu khí lớn nhất thế giới, đã trao đổi biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển ít nhất 2.000 MW các dự án điện mặt trời và điện gió trên đất liền với tổng mức đầu tư dự kiến 3 tỷ USD.
Tuy nhiên, không phải đến tận Hội nghị COP26 hay Hội nghị COP27 T&T Group mới cho thấy tham vọng trong địa hạt năng lượng. Vào tháng 6/2020, T&T Group đã vượt nắng thắng mưa và vượt “bão” Covid-19 để đưa Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh (Ninh Thuận) với công suất 45MWp hoàn thành sau gần 4 tháng thi công, vượt tiến độ dự kiến gần 1 tháng.
Nối tiếp thành công của Phước Ninh, liên tiếp 4 nhà máy điện mặt trời và 5 nhà máy điện gió quy mô lớn tại nhiều tỉnh thành trên cả nước cũng nhanh chóng hoàn thành, nâng tổng công suất điện NLTT của T&T Group lên tới gần 1.000 MW.
Ngoài điện mặt trời và điện gió, để hòa cùng mục tiêu chung hướng tới nền kinh tế carbon thấp và cam kết “net zero” vào năm 2050 của Chính phủ, T&T Group tiếp tục đẩy mạnh phát triển các nguồn điện xanh – sạch bằng việc khởi công hợp phần kỹ thuật của dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng – Giai đoạn 1 (1.500 MW) hơn 2,3 tỷ USD vào đầu năm 2022. Tính đến thời điểm hiện tại, T&T Group đã phát triển các dự án điện mặt trời, điện gió, điện khí LNG với tổng công suất đạt gần 2.500 MW.
Đáng chú ý, theo tính toán, tổng sản lượng điện của T&T Group từ nguồn NLTT đã COD và cả các dự án đã hoàn thành xây dựng đấu nối lưới điện quốc gia sẽ đạt trung bình khoảng 2,1 tỷ kWh, cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính tương đương khoảng 1,77 triệu tấn CO2 mỗi năm.
Bên cạnh đó, tập đoàn của nhà sáng lập Đỗ Quang Hiển cũng đã xây dựng một danh mục đầu tư với hơn 25 dự án lớn có tổng công suất trên 20.000 MW bao gồm cả điện gió trên bờ, gần bờ lẫn ngoài khơi, điện sinh khối tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Các dự án này đã được các địa phương chấp thuận lập báo cáo đầu tư và kiến nghị đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung vào Quy hoạch điện VIII.
Theo ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Ủy ban Chiến lược T&T Group: “Từ 10 năm trước, Tập đoàn đã bắt tay vào nghiên cứu và chuẩn bị các điều kiện phát triển NLTT để sẵn sàng đón đầu cơ hội. Đến nay, bên cạnh các dự án điện mặt trời, điện gió lớn đã và sắp hoàn thành, T&T Group còn hoạch định chiến lược phát triển các dự án NLTT, điện khí, cảng và trung tâm khí LNG đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045, phù hợp với chiến lược và quy hoạch năng lượng quốc gia”.
Mục tiêu phát triển 15.000 MW nguồn điện
T&T Group còn lựa chọn chiến lược đi tắt đón đầu thông qua những cái bắt tay hợp tác quốc tế với những "cá mập" hàng đầu thế giới trong ngành năng lượng.
Cụ thể, T&T Group đã hợp tác cùng Ørsted (Đan Mạch) để phát triển danh mục 06 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất hơn 20 GW tại những địa phương có tiềm năng nhất Việt Nam. T&T Group và Ørsted cũng đã lên kế hoạch phân kỳ đầu tư danh mục dự án trên để phù hợp với các mục tiêu trong dự thảo Quy hoạch điện VIII đề ra.
Ørsted được biết đến là tập đoàn năng lượng bền vững hàng đầu thế giới với hơn 30 năm kinh nghiệm điện gió ngoài khơi tại rất nhiều thị trường quốc tế như Mỹ, Anh, Đan Mạch, Đài Loan. Hiện nay, Ørsted đang phát triển 28 trang trại điện gió ngoài khơi, chiếm hơn 25% tổng công suất điện gió ngoài khơi trên toàn cầu. Ørsted cũng là nhà đầu tư và phát triển trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới, quy mô 2,85GW (Hornsea 3) tại Vương quốc Anh.
T&T Group và Ørsted đã xây dựng đề án "Xây dựng ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi tại Việt Nam". Trong đó, T&T Group và Ørsted đang nghiên cứu xây dựng khu công nghiệp phụ trợ NLTT nhằm tạo ra chuỗi cung ứng các thiết bị tại chỗ, hướng tới tăng mức độ nội địa hóa, giảm giá thành đầu tư, tạo ra giá điện tốt, cạnh tranh nhất. Ngoài đáp ứng nhu cầu trong nước, mục tiêu lâu dài là có thể xuất khẩu ra khu vực và thế giới, tạo ra chuỗi cung ứng cạnh tranh quốc tế theo hướng phát triển bền vững. Sau khi được triển khai, đây sẽ là một trong những khu công nghiệp tham gia chuỗi cung ứng NLTT đầu tiên Việt Nam.
Ngoài điện gió ngoài khơi, chiến lược đi tắt đón đầu đầy khác biệt của T&T Group còn được thể hiện đậm nét qua cái bắt tay hợp tác cùng các tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc và thế giới trong lĩnh vực năng lượng để phát triển dự án điện khí LNG - một lĩnh vực thuộc dạng "chuỗi nhiên liệu" nhiều mắt xích còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Cụ thể, dự án LNG Hải Lăng - Giai đoạn 1 (1.500 MW) có quy mô 120 ha; gồm 2 hạng mục chính là Trung tâm Kho cảng LNG Hải Lăng và Trung tâm Điện lực Hải Lăng giai đoạn I, công suất phát điện 1.500 MW. Dự án do liên danh T&T Group - Hanwha Energy- KOGAS và KOSPO làm chủ đầu tư.
Hanwha Energy là công ty năng lượng thuộc Tập đoàn Hawha –Top 10 các Tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc. KOGAS là một trong các nhà nhập khẩu và phân phối khí LNG hàng đầu thế giới, hiện đảm nhận nhập khẩu 80% khí LNG của Hàn Quốc. Còn KOSPO sở hữu kinh nghiệm hơn 30 năm đầu tư và vận hành danh mục lên tới hàng chục nhà máy LNG.
Ngoài ra, T&T Group cũng đang thiết lập quan hệ hợp tác với hàng loạt “ông lớn” trong ngành năng lượng khác như Tập đoàn dầu khí Zarubezhneft (LB Nga), Total Eren (Pháp), Macquarie (Úc), Marubeni, EREX (Nhật Bản), UPC Renewables (Mỹ)… Đây vừa là chiến thuật "đánh mượn sức" đầy khác biệt của T&T Group, đồng thời cũng là thế mạnh của tập đoàn này khi có thể khai thác hiệu quả kinh nghiệm quốc tế, công nghệ tiên tiến cùng cách quản trị, vận hành hiện đại và nguồn tài chính quốc tế ổn định… để đưa các dự án năng lượng mang thương hiệu T&T Group cán đích thành công.
Đáng chú ý, T&T Group đã được Standard Chartered - một trong các định chế tài chính hàng đầu thế giới cam kết thu xếp khoản tài chính lên tới 6 tỷ USD (trong tổng số 8 tỷ USD Standard Chartered tài trợ phát triển bền vững tại Việt Nam) dành riêng cho các dự án xanh mà T&T Group triển khai.
Theo đại diện T&T Group, tập đoàn này đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ sở hữu và đồng sở hữu nguồn điện 12.000-15.000 MW; trong đó điện tái tạo (gồm điện gió trên bờ, gần bờ, ngoài khơi; điện mặt trời; điện sinh khối và điện từ rác thải) chiếm từ 60-75%. T&T Group cũng đang có kế hoạch xây dựng các dự án sản xuất hydrogen từ điện phân nước biển nhằm phục vụ cho dự án điện khí LNG của Tập đoàn cũng như đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Ngoài đầu tư trong nước, T&T Group cũng đang xem xét đầu tư phát triển điện năng lượng tái tạo ở ngoài nước trong giai đoạn đến 2025-2030.
Có thể bạn quan tâm
T&T Group hợp tác với đối tác Cuba sản xuất vắc xin phòng cúm và thuốc chữa ung thư
16:03, 30/09/2022
T&T Group của "bầu" Hiển mở rộng năng lượng tái tạo sang Lào
11:11, 22/03/2022
T&T group khởi công xây dựng trung tâm thương mại và khách sạn cao nhất TP Sa Đéc
13:21, 17/01/2022
T&T Group giành cú “hattrick” tại Giải thưởng quy hoạch đô thị quốc gia
11:49, 13/12/2021