Tiềm năng của ngành game Việt
Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung là khu vực có tốc độ tăng trưởng game di động cao nhất nhìn thế giới, với mức 7,4% mỗi năm trong giai đoạn 2022 - 2025.
>>Giải bài toán nhân lực để game Việt vươn tầm quốc tế
Ông Lã Xuân Thắng - Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến khu vực, Công ty Cổ phần VNG đưa ra đánh giá tại Ngày hội game Việt Nam 2023 do Cục Phát Thanh, Truyền hình & Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin Truyền thông phát động, ngày 1/4/2023.
Đây là sự kiện Game có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức tại Việt Nam, quy tụ các doanh nghiệp trong ngành, các đối tác, chuyên gia cùng cộng đồng yêu game cả nước, với mong muốn phát triển ngành game Việt đúng hướng, lành mạnh và tạo nhiều giá trị tích cực cho đất nước. Sự kiện tiếp nối chuỗi Hội nghị kết nối mở rộng thị trường ngành game Việt Nam được tổ chức từ cuối năm 2022 đến nay.
Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, game là ngành có tính quốc tế vì thế các doanh nghiệp hoạt động không chỉ ở trong Việt Nam mà còn vươn ra thế giới, và kết nối các doanh nghiệp, Studio lớn trên thế giới. Nước ta đang có lợi thế đó. Và các nước lớn Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ cũng đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam.
Nhân lực làm game của Việt Nam có năng lực tốt, chuyên môn lập trình tốt, chăm chỉ, siêng năng chịu khó. Một lập trình viên Việt Nam thậm chí có thể tự làm sản phẩm từ A đến Z. Vì vậy, các start-up game ở Việt Nam rất thuận lợi để phát triển, chỉ cần một nhóm 2-3 người, có ý tưởng và kết nối được sự đầu tư là có thể phát triển được một game. Thực tế có nhiều game như vậy đã thành công.
Mặc dù vậy, theo ông Do, hạn chế lớn nhất là chúng ta chưa đi cùng nhau. Trong 10 năm qua, ngành game chúng ta chọn cách đi một mình để đi nhanh nên chỉ có một vài doanh nghiệp phát triển, còn cộng đồng game thì không. Vì không đi cùng nhau nên ngày càng gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, Bộ đang cấp phép khoảng 200 doanh nghiệp game, nhưng hiện tại thực sự hoạt động chỉ còn khoảng 30 doanh nghiệp, và 30 doanh nghiệp đó nếu không có những sự hỗ trợ để vực dậy thì ngày càng chết đi.
Ông Do cho rằng, vì không đi cùng nhau nên chúng ta không tận dụng được lợi thế của nhau. Các bên giỏi viết game, làm game thì không có kinh nghiệm phát hành nên tiếp cận người dùng ít. Còn các bên làm phát hành rất tốt thì cũng khao khát để tìm ra những game Việt chất lượng để nâng tầm sản phẩm nội địa thì lại không tìm được. Vì vậy dẫn đến thực trạng là người Việt Nam hầu hết chơi game nước ngoài, còn doanh nghiệp. Việt sản xuất game lại không phải cho người chơi trong nước mà cho nước ngoài.
>>Tương lai cho game Việt
Với những tiềm năng khai thác về kinh tế và xã hội, ngành Game được xác định là mũi nhọn phát triển của nhiều quốc gia, đặc biệt là sau dịch Covid-19 khi rất nhiều ngành nghề truyền thống bị ảnh hưởng. Dẫn số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Newzoo, ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến của VNG, đánh giá Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung là khu vực có tốc độ tăng trưởng game di động cao nhất nhìn thế giới, với mức 7,4% mỗi năm trong giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, riêng Việt Nam có 54,6 triệu người chơi, doanh thu 507 triệu USD. Mảng game liên quan đến thể thao điện tử (eSport) trong nước cũng đạt được nhiều thành tích cao.
"Trong bối cảnh Việt Nam có hạ tầng Internet tốt, rẻ, dân số dùng smartphone lớn, ngành game Việt có nhiều dư địa phát triển cho cả các nhà phát hành, phát triển", ông đánh giá và cho biết, các doanh nghiệp trong nước không ngại cạnh tranh với nước ngoài bởi chúng ta đủ nhân lực, tiềm lực, nhân sự. Tuy nhiên, cái khó của chúng ta là sự bất bình đẳng, khi phải đối mặt với game lậu từ nước ngoài vào thị trường Việt Nam vốn không chịu sự kiểm soát về nội dung và thuế.
"Với vai trò là doanh nghiệp game hàng đầu tại Việt Nam, VNG luôn nỗ lực nâng cao năng lực phát hành cũng như đầu tư các yếu tố cốt lõi nhằm sản xuất và phát triển các tựa game thuần Việt đưa ra thị trường nước ngoài". - Ông Thắng khẳng định.
Xuất phát điểm với tựa game “huyền thoại” Võ Lâm Truyền Kỳ, đến nay mảng game của VNG đã ghi dấu ấn không chỉ tại Việt Nam mà còn trong khu vực. Nhờ năng lực quản lý và vận hành được minh chứng qua nhiều dự án, VNG nhận được sự tín nhiệm của các đối tác game lớn trên thế giới như Riot Games, Kingsoft, Tencent Games và liên tục cho ra mắt thị trường Việt Nam những tựa game “bom tấn” như Liên Minh Huyền Thoại,… với mục tiêu nâng cấp trải nghiệm người chơi tại Việt Nam ngang tầm các khu vực khác trên thế giới. Tại kì SEA Games 31 vừa qua, VNG cũng là đối tác chiến lược của Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA), tham gia vận hành và đưa vận động viên thi đấu ở các nội dung PUBG Mobile, LMHT: Tốc chiến và Mobile Legends: Bang Bang, giành được 3 Huy chương vàng, 1 Huy chương bạc. Kết quả, đoàn Thể thao điện tử Việt Nam xuất sắc đứng nhất toàn Đại hội.
Xác định “Con người” là yếu tố then chốt trong sự phát triển của doanh nghiệp, VNG liên tục đầu tư cho các hoạt động tuyển dụng và đào tạo nhân lực ngành game. Mỗi năm, chương trình VNG Game Designer Fresher và VNG Game Development Fresher thu hút hàng ngàn lượt đăng ký từ các bạn sinh viên trên cả nước. Hiện nay, VNG có 7 studio game tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và các studio game trong khu vực như Bangkok, Bắc Kinh, Jakarta, Manila và Kuala Lumpur. Trong tháng 4/2023, VNG cũng sẽ đưa vào hoạt động studio game tại Đài Bắc, góp phần thực hiện mục tiêu đưa ngành game Việt vươn tầm quốc tế.
Trong 2 ngày diễn ra Ngày hội Game Việt Nam 2023, VNG tiếp tục đồng hành cùng Ban Tổ Chức đem đến Đấu trường thi đấu thể thao điện tử (với nội dung thi đấu là chế độ chơi Đấu Trường Chân Lý) và các hoạt động phát quà, trải nghiệm chơi game tại gian hàng thú vị và hấp dẫn cho khách tham gia sự kiện.
Có thể bạn quan tâm
Bước chuyển mình mạnh mẽ của VNGroup
16:47, 30/08/2022
VNG tiếp tục hỗ trợ Newborns Việt Nam 9 tỷ đồng trong hành trình nhân ái
16:28, 12/07/2022
Công ty khởi nghiệp game Hàn Quốc hóa "kỳ lân" khi được VNG đầu tư
05:13, 30/03/2022