Doanh nghiệp nguy cơ mất đơn hàng vì thiếu điện

THY HẰNG 13/06/2023 17:01

Nhiều doanh nghiệp sản xuất phản ánh bị đối tác giục đơn hàng nhưng lao động phải "ngồi chơi" do thiếu điện, làm chậm tiến độ nguy cơ mất đơn hàng và uy tín với đối tác.

>>>Thiếu điện đến bao giờ?

Theo số liệu cập nhật mới nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), phụ tải toàn hệ thống điện ngày 12/6 đạt 817 triệu kWh. Trong đó, miền Bắc ước khoảng 401,9 triệu kWh, miền Trung khoảng 76,3 triệu kWh, miền Nam khoảng 338,2 triệu kWh. Công suất đỉnh hệ thống điện (Pmax) cũng tăng cao hơn so với ngày 11/6. Cụ thể, công suất hệ thống đạt đỉnh vào lúc 14h30 đạt 40.039 MW.

Trong bối cảnh khó khăn về nguồn, cơ quan điện lực cho biết, công suất tiết giảm điện tối đa ở miền Bắc ngày 12/6 vào khoảng 3.225 MW, tăng khá mạnh so với ngày 11/6 là 2.744 MW và ngày 10/6 là 1.300 MW.

Hiện nay, nguồn nhiên liệu than cho sản xuất điện được đảm bảo, tuy nhiên, do phải huy động công suất lớn, liên tục nên một số tổ máy vẫn gặp sự cố. Trong đó, sự cố dài ngày vào khoảng 2.100 MW, sự cố ngắn ngày khoảng 580 MW.

Trong ngày 12/6, Nhiệt điện Mông Dương, Nghi Sơn khắc phục xong sự cố và hòa lưới. Tuy nhiên, Nhiệt điện Thăng Long giảm công suất và ngừng tổ máy S1 để xử lý xì bộ trao đổi nhiệt (dự kiến 11h ngày 14/6 trả dự phòng); Nhiệt điện Mông Dương 1 suy giảm công suất S2 và ngừng sự cố lò L2B do sự cố máy cấp than (hiện tại S2 đang vận hành với lò L2A).

Về nguồn thủy điện, báo cáo của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) về tình hình vận hành hồ thủy điện cho thấy, tổng công suất không huy động được từ các hồ Sơn La, Lai Châu, Bản Chát, Huội Quảng, Tuyên Quang, Thác Bà, Hủa Na, Bản Vẽ... tới gần 5.000 MW.

Những khó khăn về cung ứng điện này tiếp tục ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp. Theo ông Trần Văn Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Thiết bị điện MBT, hoạt động của công ty bị đảo lộn khi có thời điểm xưởng sản xuất bị cắt điện.

thiệt hại mỗi ngày mà doanh nghiệp đang phải hứng chịu lên đến hàng tỉ đồng. Nếu tính trạng mất điện kéo dài

Thiệt hại mỗi ngày mà doanh nghiệp đang phải hứng chịu lên đến hàng tỉ đồng khi tính trạng mất điện kéo dài.

“Có hôm chúng tôi phải cho công nhân nghỉ ngày, làm đêm để kịp đơn hàng. Nhưng cũng có hôm phải buộc chạy máy phát cho một số công đoạn sản xuất vì đã vào guồng không ngừng được”, ông Nam nói.

Đáng lưu ý hơn, doanh nghiệp băn khoăn khi cao điểm hè vẫn còn tháng 6 và tháng 7, nếu việc cắt điện không được tính toán lại, các công ty buộc phải cắn răng mua máy phát điện cả trăm triệu đồng dự phòng. “Mỗi tháng MBT phải chi trả từ 200 - 300 triệu đồng tiền điện cho sản xuất. Việc mất điện ảnh hưởng rất nhiều đến sản lượng, thời gian giao hàng. Do đó, công ty có thể đối diện với nguy cơ bị phạt chậm đơn hàng, thậm chí mất đơn hàng”, ông Nam than.

Cũng trong tình cảnh tương tự, ông Nguyễn Thành Luật, Giám đốc sản xuất Công ty CPTM&PTCN PMA cho biết, do bị cắt điện khiến đơn hàng bị chậm tiến độ.

“Việc mất điện ảnh hưởng làm tiến độ các đơn hàng của chúng tôi sụt giảm rất nhiều. Đối với đơn hàng dự kiến sắp đến ngày giao mà bị mất điện không được thông báo trước sẽ làm cho doanh nghiệp chúng tôi bị chậm tiến độ. Vì thế buộc phải xin khách hàng cho lui lại thời gian giao hàng. Điều này rất ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp”, ông Luật nhấn mạnh.

Ông Lê Chí Dũng, Giám đốc doanh nghiệp bao bì tại Hưng Yên cho biết, sau COVID-19, doanh nghiệp đã phải chật vật tìm đơn hàng, nay có được đơn hàng thì lại có nguy cơ bị chậm, hoãn trả đơn hàng cho đối tác do tình trạng thiếu điện để hoạt động, khó khăn càng bị nhân 3, nhân 5.

“Giờ đây, đối tác thì giục mà công nhân cứ phải “ngồi chơi” vì không có điện để vận hàng máy móc. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị nhưng phía điện lực chưa có câu trả lời”, anh Dũng cho biết thêm.

Bà Phạm Thị Thùy, Giám đốc nhà máy Bánh gạo One One cũng chia sẻ, thiệt hại mỗi ngày mà doanh nghiệp đang phải hứng chịu lên đến hàng tỉ đồng. Nếu tính trạng mất điện vẫn diễn ra, con số này tiếp tục được nhân lên.

Nhiều doanh nghiệp cho biết phải bỏ nguyên liệu đi

Nhiều doanh nghiệp cho biết phải bỏ nguyên liệu đi hết do cắt điện.

“Vốn đặc thù sản xuất bánh gạo, trước khi vận hành máy móc để làm, chúng tôi phải ngâm gạo cùng với rất nhiều khâu chuẩn bị. Vì thế việc cắt điện khiến doanh nghiệp chết đứng, nguyên liệu chuẩn bị sản xuất phải bỏ đi hết, khó khăn thiệt hại vô cùng. Không có điện để vận hành máy móc, hàng loạt công nhân buộc phải nghỉ làm. Chỉ có lãnh đạo công ty lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa. Tiền lương vẫn phải trả đủ cho công nhân nhưng với tình trạng thiếu điện thế này thì đơn hàng vẫn chậm. Doanh nghiệp thiệt đơn, thiệt kép đủ bề”, chị Thùy nói.

>>>Lời giải cho bài toán… thiếu điện

Với việc cắt điện luân phiên, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, sẽ căn cứ Thông tư 34 của Bộ Công thương hướng dẫn để phân bổ công suất sử dụng đó cho Tổng công ty Điện lực miền Bắc và Tổng công ty Điện lực Hà Nội.

Hai đơn vị này căn cứ hướng dẫn sẽ phân bổ công suất sử dụng cho từng điện lực tỉnh, thành. Sau khi có công suất phân bổ đó, điện lực các địa phương sẽ xây dựng các kế hoạch và thứ tự ưu tiên đối với các khách hàng.

Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Đức Tuyên cho rằng, nên áp dụng giải pháp tiết giảm phụ tải đồng bộ thay vì cắt điện. Dẫn kinh nghiệm từ Nhật, theo vị chuyên gia, tất cả những công dân và các thành phần kinh tế đều nên tham gia. Cụ thể, tại các đơn vị sử dụng điện lớn tự đề ra mục tiêu giảm công suất 30 - 50% so với bình thường. Đây là biện pháp nên làm ngay.

“Cần có chế tài giám sát thực hiện, phê bình, giảm thi đua nếu không đạt được mức tiết giảm theo yêu cầu. Chẳng hạn như việc không để nhiệt độ điều hòa dưới 28oC, rất dễ làm”, ông Tuyên gợi ý.

Bên cạnh đó, cần công bố rộng khắp các thời gian thấp điểm và cao điểm của hệ thống, của khu vực, hay tại các địa bàn khu dân cư để người dân và các cơ sở quản lý sử dụng điện dịch chuyển phụ tải tự nguyện. Đồng thời, tăng cường các biện pháp lưu trữ, tích trữ điện, nhiệt, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng từ người dân cho đến các cơ quan công sở.

Có thể bạn quan tâm

  • Thiếu điện đến bao giờ?

    11:00, 12/06/2023

  • Lời giải cho bài toán… thiếu điện

    03:30, 12/06/2023

  • Thiếu điện… vì đâu?

    04:00, 11/06/2023

  • Hàng hóa “ùn ứ”, sản xuất “ngưng trệ”, doanh nghiệp “kêu cứu” vì thiếu điện

    00:30, 10/06/2023

  • Quy hoạch điện VIII: Giải bài toán nỗi lo thiếu điện?

    11:07, 20/04/2022

THY HẰNG